Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện những người Thăng Long đắp đê lấn biển

Văn Ngọc Thủy| 24/02/2013 05:39

(HNM) - Đầu xuân Quý Tỵ, về tham dự lễ hội đình Cốc tại phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi may mắn được những người già trong làng kể cho nghe câu chuyện về 17 người dân thành Thăng Long xưa đã về đây đắp đê lấn biển, mở mang bờ cõi.

Nhà thờ họ Lê ở Phong Cốc, Quảng Yên, Quảng Ninh được công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 2001.


Hành trình tìm về nguồn cội

Mọi ồn ào, náo nhiệt của phố thị dường như ngưng lại khi tôi bước chân qua bậu cửa ngôi nhà gỗ cổ kính nằm khiêm nhường trong một khu phố yên tĩnh. Chủ nhà, cụ Lê Văn Cứ - Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Phong Cốc năm nay đã 75 tuổi, dáng vóc nhanh nhẹn và đặc biệt hào hứng khi bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về Thập thất Tiên công - mười bảy cụ Tiên công đã giã từ kinh thành Thăng Long về mảnh đất này lập nghiệp từ hơn 5 thế kỷ trước. Bàn tay run run xúc động, cụ Cứ đưa cho chúng tôi cuốn sổ bìa da màu nâu trang trọng in dòng chữ nổi “Lê tộc phả ký”. Ngay trang đầu tiên chúng tôi đã đọc được danh sách tên họ đầy đủ của 17 người con trai, thuộc các dòng tộc Vũ, Nguyễn, Ngô, Bùi, Lê, Phạm, Dương cùng dòng chữ “Sinh quán: Đồng Lầm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, thành Thăng Long”. Gia phả họ Lê cũng ghi rất rõ: “Năm 1434, vua Lê Thái Tông niên hiệu Thiệu Bình mở rộng kinh đô phạm vào đất riêng của gia đình các cụ. Khi ấy nhận lệnh vua đi tìm quê hương mới, khai giang lập ấp, các gia đình chuẩn bị lương thực đầy đủ, xuôi thuyền theo dòng Hồng Hà, xuống đến sông Bạch Đằng, địa phận thuộc đồn Chấn Chanh, là vùng đảo Hà Nam thuộc Quảng Yên, Quảng Ninh ngày nay. Thấy một khu rừng sú vẹt mọc um tùm, giữa có gò đất cao, đêm mưa nghe tiếng ếch kêu, lần tìm được vùng nước ngọt, các cụ dừng chèo. Các gia đình bảo nhau đắp đê lấn biển, chài lưới, trồng lúa nước, nhờ chăm chỉ làm ăn nên lương thực đầy đủ, đời này sang đời khác”.

Chỉ nhờ mấy dòng chữ sơ lược như thế ghi trong gia phả, con cháu đời đời các dòng họ Vũ, Lê, Bùi, Ngô, Nguyễn, Phạm, Dương ở Quảng Yên đều tin mình là người đất kinh kỳ cho dù chưa thể tìm về được nguồn cội dòng tộc. Đời sống thường ngày khó khăn thiếu thốn, thiên tai, địch họa, chiến tranh loạn lạc, nhưng những bậc cao niên trong làng chưa khi nào nguôi niềm mong mỏi tìm về cố hương. Đến năm 2003, trưởng tộc họ Lê, ông Lê Văn Cứ cùng các ông Lê Công Định, Lê Công Hải, được sự giúp đỡ của một người cháu trong họ là Lê Thế Chiến đang công tác tại Quân khu Thủ đô đã khăn gói về Hà Nội, quyết tâm tìm bằng được tổ tiên quê cũ.

Sau nhiều lần hỏi thăm, tìm hiểu sử sách, tham khảo thông tin từ các viện bảo tàng, các ông mới biết Đồng Lầm chính là tên gọi dân dã của làng Kim Liên, nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, làng đã được lập nên ngay từ khi vua Lý Công Uẩn dời đô về kinh thành Thăng Long năm 1010. Theo những bậc cao niên kể lại, làng Đồng Lầm vốn là một khu rừng rậm rạp nhưng do chấn động địa chất đã sụt xuống thành rất nhiều ao, hồ đầm đầy bùn, vì vậy mới được gọi là Đồng Lầm, nghĩa là có nhiều bùn. Xưa kia, dân làng sống thành từng xóm ven các gò đất cao với nghề làm ruộng, thả cá, trồng rau muống và nổi tiếng với nghề trồng hoa sen, ướp chè sen. Những cô gái làng Kim Liên một thuở quảy gánh hoa sen, hạt sen, trà sen, mứt sen đi bán khắp kinh thành Thăng Long. Đồng Lầm xưa còn có nghề nhuộm vải nâu, dân làng thường lấy bùn dưới đầm nhuộm màu cho vải nên mới có câu ca dao: “Đồng Lầm có vải nâu non/Có hồ cá rộng, có con sông dài”. Vải Đồng Lầm mỏng như voan, được nhuộm từ bùn lấy ở cánh đồng làng thành vải nâu non hay nâu sồng, nổi tiếng nhất là vải Rồng. Vải Rồng đẹp có tiếng gần xa, sau được gọi bằng cái tên vải Đồng Lầm - gắn với một vùng đất có đầm nước rộng, nhiều bùn. Và từ một loại bùn đặc biệt, riêng có của vùng đất này cộng với bàn tay khéo léo của người dân địa phương, đã tạo nên sản phẩm làm đẹp nức tiếng.

Nhấp một chén trà, giọng ông trưởng tộc họ Lê hào hứng hẳn lên: “Làng Đồng Lầm là cái tên dân dã nhưng đã được sinh ra cùng thời với sự kiện vua Lý dời đô ra thành Thăng Long, giờ cũng đã hơn nghìn tuổi, chúng tôi tự hào lắm, phải ghi nhớ để truyền lại cho con cháu. Cũng nhờ cái tên này mà chúng tôi đã tìm được quê cha đất tổ, giờ có xuống suối vàng gặp tổ tiên cũng mãn nguyện lắm rồi”.

Mối lương duyên của hai vùng đất

Ông Lê Văn Cứ nhớ như in giây phút đầu tiên được đặt bước chân lên thềm đá đình Kim Liên - một trong bốn “tứ trấn”, trấn phía nam kinh thành Thăng Long xưa. Hồi hộp, xúc động nghẹn ngào đến không cầm được nước mắt. Dâng hương tưởng nhớ tổ tiên mà cứ ngỡ mình đang trong giấc mơ. Trọn vẹn một năm vất vả, lặn lội tìm kiếm cuối cùng ông và các cháu con cũng đã tìm về được đúng mảnh đất mà hơn 500 năm trước, tổ tiên đã vâng lệnh vua, ra đi để khai giang lập ấp, mở mang bờ cõi. Năm 2004, dòng họ Lê ở Phong Cốc, Quảng Yên long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 570 năm cụ Thủy tổ từ kinh thành Thăng Long về đây lập ấp. Rất đông con cháu từ mọi miền Tổ quốc đã về đông đủ để được nghe cụ trưởng tộc tuyên bố “tin vui đại sự”. Sau đó, hơn 40 người đã cùng tham dự chuyến hành hương về đình Kim Liên, với đầy đủ lễ vật đặc sản của miền biển để dâng hương tưởng nhớ tổ tiên.

Xúc động hơn nữa là sau khi nghe được câu chuyện tìm về cội nguồn dòng tộc của ông Cứ, Ban khánh tiết đình Kim Liên, Đảng ủy và chính quyền phường Phương Liên đã nồng hậu tiếp đón như đón những người con xa quê trở về, tình cảm thân thiết như anh em một nhà. Và đều đặn, từ đó đến nay năm nào cũng vậy, cứ đến ngày mở hội đình Kim Liên 16-3 âm lịch hằng năm, ông Cứ lại cùng nhiều con cháu dòng họ Lê và các dòng họ khác ở Phong Cốc, Quảng Yên lại về dâng hương tưởng nhớ tổ tiên. Hai phường Phong Cốc và Phương Liên cũng đã kết nghĩa anh em, thường xuyên giao lưu, thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, đặc biệt là trong thờ cúng tổ tiên, góp phần gìn giữ, phát triển những giá trị văn hóa đất kinh kỳ nơi vùng đất đông bắc của Tổ quốc.

Từ 17 cụ Tiên công đến đây khai hoang, đắp đê lấn biển, đến nay cả vùng đảo Hà Nam thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã trở thành vùng đất phát triển về kinh tế và dày đặc những công trình văn hóa. Chỉ tính riêng trên địa bàn phường Phong Cốc - phường trung tâm của đảo Hà Nam đã có hai di tích được xếp hạng kiến trúc nghệ thuật, đó là đình Cốc và miếu Cốc. 5/10 nhà thờ các dòng họ được công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ngoài ra, Phong Cốc còn lưu giữ được những lễ hội truyền thống đặc sắc như lễ hội Tiên công, Xuống đồng, đình Cốc… Những ngày lưu lại ở Quảng Yên, tôi may mắn gặp được nhà văn Dương Phượng Toại, một người con của đảo Hà Nam, người đã hơn 40 năm nghiên cứu về văn hóa, con người và đã xuất bản 8 cuốn sách về quê hương mình. Nhưng ông bảo vẫn chưa đủ, mỗi viên gạch lát ở sân đình Cốc cũng đủ trở thành một câu chuyện dài kỳ. Vùng đất linh thiêng này còn nhiều chuyện kỳ lạ, nhưng lạ kỳ nhất vẫn là mối nhân duyên gắn bó với đất kinh thành Thăng Long xưa. Rồi ông kể cho tôi nghe về cây lộc vừng đại thụ duy nhất trên đất Quảng Ninh được trồng ở xóm Thượng Kiều, xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên. Theo các bậc cao niên trong làng, cây lộc vừng này do một thương gia người làng Cốc đem từ kinh đô Thăng Long về trồng cách đây đã hơn trăm năm. Mùa thu, lộc vừng nở từng chùm hoa đỏ buông xuống đan thành những tấm mành mỏng mảnh tuyệt đẹp khiến nhiều người Quảng Yên tưởng như đang được chiêm ngưỡng cây lộc vừng đại thụ bên hồ Hoàn Kiếm.

Những năm gầy đây, các đoàn đại biểu họ Lê, họ Vũ, họ Ngô, họ Dương… thường xuyên tìm về dâng hương tại đình Kim Liên, giao lưu, tìm nhận cội nguồn càng gắn chặt thêm tình nghĩa đồng hương giữa hai quê. Người Quảng Yên ở Quảng Ninh vẫn da diết hướng về Thủ đô với niềm tự hào, trân trọng. Uống nước nhớ nguồn, người dân nơi đây vẫn phát huy truyền thống khai hoang lấn biển xây dựng quê hương, truyền thống giữ nước và gìn giữ bề dày văn hóa của đất kinh kỳ ngàn năm. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện những người Thăng Long đắp đê lấn biển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.