(HNM) - Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 20-11-2006 của Thành ủy Hà Nội chỉ rõ: ''Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân Thủ đô tích cực phòng ngừa, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo chuyển biến mạnh mẽ để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân...''. Tuy nhiên, đến nay hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn.
Hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong ảnh: Thành viên Ban giám sát đầu tư cộng đồng phường Kiến Hưng (Hà Đông) giám sát thi công xây dựng chùa Đa Sĩ. Ảnh: Bá Hoạt |
Chưa rõ trách nhiệm người đứng đầu
Chỉ ra căn bệnh ''kinh niên'' không chỉ riêng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (PCTNLP), Thông báo kết luận hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy - UBND - HĐND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và sở, ban, ngành quý IV-2009 đã nhận định: Hiệu quả công tác PCTNLP còn thấp, chưa đáp ứng với yêu cầu và mong đợi của Đảng và nhân dân; nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thật đầy đủ, sâu sắc, chưa thấy hết tính nghiêm trọng về chính trị, đạo đức, lối sống cũng như tính chất khó khăn, phức tạp, lâu dài của cuộc đấu tranh này. Công tác quản lý nhà nước, quản lý cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn lỏng lẻo; tính tiên phong, gương mẫu, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, chưa thể hiện rõ...
UBND TP Hà Nội cũng khẳng định, công tác này thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đã đề ra. Nhiều sở, ngành chưa xây dựng được kế hoạch công tác PCTN hoặc chưa xác định rõ lĩnh vực nào, khâu nào dễ xảy ra TNLP để có biện pháp phòng ngừa cụ thể (?). Nhiều đơn vị chưa tham mưu đề xuất được với TP các biện pháp cụ thể, hữu hiệu PCTNLP để chỉ đạo thực hiện trên địa bàn; chưa chủ động kiểm tra, thanh tra nên đã để xảy ra một số vụ việc phải xử lý. Điển hình như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở quận Hoàng Mai; sai phạm tại Chi cục Thuế quận Thanh Xuân, Ban Quản lý dự án quận Hai Bà Trưng; bồi thường GPMB ở Hải Bối (Đông Anh), phường Phú Thượng (Tây Hồ)...
Trong năm qua, TP đã phát hiện 23 đơn vị để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 24 cán bộ, công chức vi phạm; chuyển đổi vị trí đối với 803 cán bộ, công chức. Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức được nhìn nhận là đã phần nào góp phần ngăn ngừa tham nhũng của cán bộ, công chức. Song việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra tham nhũng còn nể nang, thiếu kiên quyết và việc xử lý cũng mới chỉ được thực hiện ở một số đơn vị.
Công khai trước công luận những tham nhũng, tiêu cực
Tiếp tục xác định PCTNLP là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm của TP, giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao hiệu quả PCTNLP là đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và của cán bộ, đảng viên. Trong đó, tăng cường tuyên truyền các tấm gương có thành tích trong phát hiện, đấu tranh PCTNLP. Kịp thời xét xử nghiêm minh và công bố công khai để dư luận biết, lên án các hành vi và cá nhân phạm tội tham nhũng; đồng thời, coi việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng là yêu cầu quan trọng có tác dụng tích cực và hiệu quả để giáo dục, răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo, các cấp ủy đảng phải làm tốt công tác chỉ đạo, phòng ngừa, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên để phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng trong nội bộ; gắn công tác PCTNLP với việc thực hiện cuộc vận động ''Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh''... Mục tiêu là để làm sao mỗi cán bộ, đảng viên phải coi nhiệm vụ PCTNLP là công việc hằng ngày, là việc làm của bản thân, gia đình, người thân, của cơ quan, đơn vị và phải bắt đầu từ sự gương mẫu của bản thân mình. Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức một cách cụ thể, rõ ràng, đặc biệt là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo quản lý để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị mình phụ trách, một khâu rất quan trọng là phải phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong mặt trận này. Cần xây dựng cơ chế để nhân dân chủ động, tích cực, hăng hái tham gia phản ánh, tố giác TNLP với các cơ quan Đảng, Nhà nước. Chủ động phối hợp với cơ quan báo chí của TƯ và TP kịp thời đưa tin, biểu dương ''người tốt, việc tốt'', những người dũng cảm đấu tranh chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực; chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí để công khai những vụ việc TNLP được phát hiện, xử lý. Có như vậy, công tác PCTNLP mới thực sự hiệu quả và đi vào chiều sâu, tạo được niềm tin và đồng thuận xã hội.
Hà Nội đang tập trung mọi nỗ lực để hoàn thành các công việc cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp. Lửa thử vàng, gian nan thử sức, ''thời gian từ nay tới đại hội cũng chính là giúp cho các tổ chức đảng có điều kiện nhận xét, đánh giá rõ hơn về bản lĩnh, năng lực và đạo đức của cán bộ, ai là người luôn vì cái chung và ai là người chỉ lo cho cá nhân'' - phát biểu chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tại Hội nghị lần thứ 19 BCH Đảng bộ TP Hà Nội càng cho thấy quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP trên mặt trận PCTNLP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.