Em không biết việc làm của em là đúng hay sai, em cũng không biết anh có giận em hay không, nhưng em muốn anh cứu được nhiều người khác...
Anh không thể ở lại, anh ra đi nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi anh vẫn thở và đôi mắt của anh vẫn sáng ngời, theo dõi thấy được mẹ con em sống như thế nào, anh nhé,” người thiếu phụ trẻ thì thầm...
Chị khẽ chạm vào tay anh, những ngón tay từng biết bao lần lùa vào tóc chị, từng biết bao lần tay chị nằm gọn trong tay giờ buông xuôi… trôi theo băng ca đi vào phòng mổ, nơi anh sẽ tiếp tục sống thêm những cuộc đời khác. Chị đã không khóc giờ khắc đó, những giáo sư, bác sỹ trong ca phẫu thuật cấy ghép cũng không ai khóc.
Dường như họ đều tin rằng, họ không có mặt ở đây chỉ để vĩnh biệt người thiếu tá quân đội ấy đi vào cõi vĩnh hằng mà là cùng với anh làm những sứ mệnh mới, những sứ mệnh thiêng liêng của anh Bộ đội Cụ Hồ: hết lòng vì nhân dân.
Nối dài suối nguồn của sự sống
Những ngày tháng 3, liên tiếp nhiều tin vui trong ngành y học được biết tới, đó là ca ghép phổi thành công đầu tiên từ người cho chết não thành công đầu tiên tại Việt Nam. Đây là một kỳ tích đáng tự hào của ngành y và những người làm khoa học. Và đáng khâm phục hơn, đó là có tới 6 bệnh nhân của cả hai miền Nam-Bắc đã được “hồi sinh” sự sống nhờ nguồn tạng được hiến từ một chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam - Thiếu tá Lê Hải Ninh.
Thiếu tá Lê Hải Ninh là cán bộ thuộc Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202, Quân đoàn 1, người trai Yên Mô, Ninh Bình đang ở tuổi 45 bỗng nhiên bị đột quỵ. Người vợ trẻ lên Hà Nội khi anh được chuyển lên Bệnh viện trung ương Quân đội 108 chẳng kịp quay về nhà dặn dò hai cậu con trai còn nhỏ dại.
Trung tướng Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện trung ương Quân đội 108 bùi ngùi kể lại, Thiếu tá Lê Hải Ninh được tuyến trước chuyển tới bệnh viện ngày 23-2 trong tình trạng vô cùng nguy kịch. Anh bị đột quỵ não xuất huyết dưới nhện lan tỏa, phù não, sau hội chẩn đã được hội đồng chuyên môn kết luận bị chết não.
Có lẽ vị tướng đã vô cùng sửng sốt khi người thiếu phụ xinh xắn, dáng gầy nhỏ tưởng như sắp quỵ xuống bởi mệt mỏi vì thời gian túc trực bên chồng, bởi nỗi đau tận cùng của người vợ khi đã làm hết sức mà chẳng thể níu giữ lại người chồng yêu thương đã ngay lập tức lại cùng gia đình đưa ra quyết định dũng cảm và đáng khâm phục đến vậy.
Trong phòng bệnh, với đủ loại máy móc xung quanh người anh Ninh, khi biết chồng mình không thể qua khỏi, chị Tạ Thị Kiều và gia đình đã bàn bạc và thống nhất tình nguyện hiến tạng của anh để những người bệnh khác có cơ hội được nhìn thấy, được thở và để trái tim anh vẫn còn tiếp tục được đập trên cuộc đời này.
Và tim, phổi, hai thận, hai giác mạc của người con Yên Mô, Ninh Bình đã được gia đình hiến để ghép cho 6 người trong ca ghép tạng xuyên Việt vào cuối tháng 2 vừa qua.
Các y bác sỹ mặc niệm Thiếu tá Lê Hải Ninh. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
“Bố mẹ, em và các con muốn anh cứu được nhiều người khác”
Đó là lời nhắn nhủ của người vợ trẻ trước giờ sinh ly tử biệt với người chồng thân yêu. Chị cũng muốn anh biết rằng, bố mẹ anh, chị và các con đều đồng thuận để được thấy anh “cải tử” cho những bệnh nhân khác có thể sống.
Tại buổi “Sơ kết đánh giá thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam” cũng là lễ “Tôn vinh cố Thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình” diễn ra chiều 28-3 tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108, sau phút mặc niệm tri ân Thiếu tá Lê Hải Ninh, Giáo sư-bác sĩ, Trung tướng Mai Hồng Bàng đã xúc động chia sẻ, đây là nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng thiện nguyện nhân đạo và nhân văn sâu sắc của bệnh nhân và gia đình Thiếu tá Ninh. Họ dù đang trong tâm trạng mất mát nhưng vẫn trải lòng mình với quan điểm “Cho đi là còn lại” và “Chết không phải là chấm hết mà cuộc sống vẫn tiếp tục được nối dài”.
Từ tạng hiến của Thiếu tá Ninh, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) thực hiện ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não.
Bệnh nhân nhận phổi từ Thiếu tá Ninh là anh Trần Ngọc Hanh, 54 tuổi, người Nam Định. Trái tim của anh được ghép cho một chàng trai trẻ ngụ tại Tiền Giang, còn quả thận ghép cho cô gái trẻ ở Ninh Thuận. Cả hai bệnh nhân này đều có hoàn cảnh khó khăn, không đủ tiền chi phí cho ca ghép tạng nên được Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ và kêu gọi cộng đồng giúp sức. Một quả thận và hai giác mạc của anh Ninh được ghép cho 3 bệnh nhân khác.
Hiện cả 6 người được Thiếu tá Ninh cho tạng ghép đều đang dần bình phục về sức khỏe, họ đã được cứu sống một cách kỳ diệu.
Tại lễ tôn vinh, chị Tạ Thị Kiều lặng lẽ cùng hai cậu con trai còn nhỏ dại khiêm tốn nghe bố chồng, bố đẻ của Thiếu tá Lê Hải Ninh nói về quyết định của gia đình.
Ông Lê Xuân Cựu - bố của Thiếu tá Lê Hải Ninh. (Ảnh: PV/vietnam+) |
Giữa không gian gần như tĩnh lặng không có một tiếng động, ông Lê Xuân Cựu chầm chậm tỏ lòng mình: “Đồng chí Thiếu tá Lê Hải Ninh là con em của chúng tôi, đồng thời cũng là một sỹ quan quân đội, đồng đội của các chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc con chúng tôi mất đi là một nỗi tổn thất to lớn của gia đình chúng tôi không có gì bù đắp được”.
“Dẫu biết rằng, cái gì xảy ra rồi cũng sẽ xảy ra, cái gì mất đi rồi cũng không thể lấy lại được. Tuy nhiên, trong sâu thẳm tâm tưởng của gia đình chúng tôi vẫn còn day dứt những nỗi buồn khó tả”.
“Quyết định hiến tạng của con tôi để cứu sống những người khác đã được đưa ra chóng vánh với sự đồng thuận nhất trí cao giữa bố mẹ, vợ-con, các anh chị em ruột thịt hai bên gia đình và hoàn toàn tự nguyện. Chúng tôi hiểu rằng, sự ‘cho đi’ là ‘còn mãi mãi'…”
Và nỗi đau của người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh như phần nào vợi nguôi khi thông tin trực tiếp từ Bệnh viện trung ương Quân đội 108 xác nhận rằng, các ca ghép tạng được lấy từ sự hiến tạng của Thiếu tá Lê Hải Ninh đã rất thành công.
Cả hội trường như lặng đi, không ít những người lặng lẽ đưa tay lau nước mắt khi ông Cựu chia sẻ: “Các ca ghép thành công đem lại sự sống cho 6 người thật sự là nguồn an ủi, động viên xen lẫn tự hào của gia đình, họ tộc chúng tôi”.
“Qua việc làm cụ thể của gia đình mình, chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng, phong trào hiến tạng sẽ được lan toả rộng rãi trong toàn xã hội, để có thể giúp cho nhiều người đang cần tạng để ghép mà chưa có nguồn can thiệp, giúp họ ở lại và cống hiến thêm cho cuộc đời, cho xã hội”, ông Lê Xuân Cựu chia sẻ.
Hai con trai và những người thân trong gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Sáng mãi phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ
“Thiếu tá Lê Hải Ninh, một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, một chiến sỹ bộ đội đã ra đi, nhưng những phẩm chất 'anh Bộ đội Cụ Hồ' từ anh, từ gia đình anh đã và đang lan tỏa, cho cuộc đời này những tấm lòng “cho đi là còn mãi”, để cuộc đời của nhiều con người có cơ hội được 'nở hoa' thêm lần nữa”, Trung tướng Mai Hồng Bàng xúc động chia sẻ tâm tư đáp lời người cha.
Ông khẳng định, hành động cao đẹp này của Thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình sẽ là động lực làm lan tỏa tới hàng triệu trái tim, lan tỏa khắp cộng đồng về tình yêu thương và trách nhiệm của mỗi người dân nói chung và mỗi quân nhân nói riêng đối với gia đình, đồng chí, đồng đội và toàn xã hội.
Người thiếu tá quân đội nhân dân ấy đã ra đi, nhưng trái tim của anh vẫn còn đập trên cõi đời này, lá phổi của anh vẫn thở… Đồng chí, đồng đội, vợ con và gia đình mãi nhớ anh, một người lính trung kiên, người con hiếu thuận, người cha mẫu mực, người chồng đầy yêu thương, ấm áp, nghĩa tình…
Lãnh đạo Bệnh viện 108 trao thẻ bảo hiểm y tế cho toàn thể bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ, vợ con Thiếu tá Lê Hải Ninh. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Theo giáo sư Bàng, trái tim anh Ninh hiện đập trong lồng ngực một nam thanh niên 30 tuổi, hai lá phổi cứu một người 54 tuổi, hai quả thận cứu hai người khác nhau ở hai đầu đất nước, hai giác mạc đem lại ánh sáng cho hai người.
“Dẫu biết rằng những việc làm của chúng tôi đều rất nhỏ bé trước nghĩa cử cao cả của đồng chí và gia đình đồng chí, nhưng đó là tình cảm và trách nhiệm của chúng tôi đối với đồng chí và gia đình của đồng chí. Ở nơi đồng chí đã cho đi, suối nguồn sự sống của đồng chí sẽ tiếp tục được nối dài, hình ảnh và cơ thể của đồng chí sẽ vẫn mãi còn lại trong trái tim và ký ức những người ở lại” - Giám đốc Bệnh viện 108 nói.
“Chúng ta không có cơ hội làm quá nhiều điều vì cuộc đời ngắn ngủi nên chúng ta chọn làm những điều thật tốt. Anh Ninh đã ra đi nhưng trái tim anh vẫn đang đập, lá phổi anh đang thở, ánh mắt anh vẫn có thể dõi theo vợ con và những người thân yêu”, ông Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện 108, chia sẻ.
Nâng tầm y học Việt Nam
Những năm qua, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công nhiều ca ghép tạng bao gồm thận, gan, tim, tụy, giác mạc và một số bộ phận khác. Tuy nhiên, ghép phổi vẫn là một thách thức đối với các y bác sỹ, không chỉ ở nước ta mà trên thế giới.
Ngày 26-2, ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não - lá phổi của anh Ninh - cho một bệnh nhân được tiến hành trong liên tục 8 giờ (từ 10-18 giờ) với sự tham gia của hơn 60 thầy thuốc, bác sỹ, phẫu thuật viên, kỹ sư, dược sỹ, điều dưỡng, nhân viên phục vụ tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Ngoài ra, kíp mổ còn có sự tham gia của hai chuyên gia đến từ Pháp và Bỉ.
Sáu ca ghép tạng được thực hiện chỉ trong vòng 40 giờ từ khi bệnh nhân được xác định chết não.
Thành công của ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên đã chứng minh những nỗ lực chinh phục đỉnh cao y học Việt Nam, khi đội ngũ y bác sỹ làm chủ kỹ thuật khó, đặc biệt mở ra cơ hội mới cho nhiều bệnh nhân.
Nói về ca phẫu thuật lịch sử, Tiến sỹ Ngô Vi Hải - Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tim mạch (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết: “Vì thời gian “vàng” cho tạng như tim, phổi chỉ khoảng 6 tiếng kể từ khi lấy ra, với thận là 18 tiếng, nên chúng tôi đã phải phối hợp rất nhịp nhàng với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để điều phối các ca ghép. Tại hai đầu cầu Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh đã liên hệ với ngành hàng không để vận chuyển tạng trong các thùng chuyên dụng bằng hai chuyến bay khác nhau.
Sau khi kíp phẫu thuận lấy tim của người hiến, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã chuyển tim vào hộp đựng chuyên biệt đưa lên máy bay đi thành phố Hồ Chí Minh, sau đó quả thận được chuyển tiếp đi chuyến bay sau đó. Việc phối hợp phải được tính toán từng phút vì tim và phổi không để quá 6 giờ sau khi lấy khỏi cơ thể người hiến. Thận để được lâu hơn nhưng không quá 18 giờ”.
Bác sỹ Hoàng Anh Dũng - chuyên gia ghép tạng từ Vương quốc Bỉ cho biết, ông đánh giá rất cao về những tiến bộ kỹ thuật ghép tạng của Bệnh viện 108. Các chuyên gia của Bệnh viện 108 đã thực sự làm chủ kỹ thuật ghép rất khó khăn, phức tạp này. Ca ghép phổi lịch sử của Bệnh viện 108 đã đánh dấu bước tiến lớn trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam trên bản đồ ghép tạng thế giới.
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, thành công của ca ghép phổi từ người cho chết não là một niềm vui lớn của ngành y tế. Đây là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn, ý chí vươn lên của tập thể, Đảng ủy, Ban giám đốc của Bệnh viện trung ương Quân đội 108 trong một thời gian ngắn với một đề tài độc lập cấp Nhà nước và Đề án thành lập Trung tâm Khoa học Công nghệ tăng cường nghiên cứu và phát triển kỹ thuật ghép mô ở cơ thể người của Bệnh viện 108. Điều này cũng thể hiện sự trường thành của y học Việt Nam.
Ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên đã thành công. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho hay, ngày 15-10-2015, Bộ Khoa học và Công nghệ giao Bệnh viện trung ương Quân đội 108 triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ độc lập cấp quốc gia: “Nghiên cứu triển khai ghép phổi lấy từ người cho chết não”.
Sau đó Bệnh viện được Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng tin tưởng giao thực hiện đề án khoa học công nghệ tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108.
Đồng tình với Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh chia sẻ: “Ghép phổi từ người cho chết não là một trong những kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng, không chỉ đòi hỏi các chuyên gia thành thục các kỹ thuật chuyên môn mà còn có sự chỉ đạo phối hợp giữa nhiều bên. Đây là một sự đột phá về khoa học công nghệ và y học. Đây cũng là thành tích đặc biệt xuất sắc không chỉ của thầy thuốc, của Bệnh viện trung ương Quân đội 108 mà còn của cả ngành y tế Việt Nam. Điều đó cũng bổ sung thêm minh chứng để đánh dấu nền y học Việt Nam trên bản đồ thế giới”.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khoẻ nhân nhân” cho Thiếu tá Lê Hải Ninh và kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp hiến mô bộ phận cơ thể người” cho anh và gia đình anh. Bệnh viện 108 đã quyết định trao thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại Bệnh viện 108 cho toàn thể bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ, vợ con Thiếu tá Lê Hải Ninh. Cũng tại đây, Giáo sư Mai Hồng Bàng đã trao bản cam kết tuyển dụng đặc cách các con anh (hai con trai) vào làm việc tại Bệnh viện 108 nếu các cháu theo nghiệp y khoa và có nhu cầu làm việc tại viện. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.