Xã hội

Chuyện nghề tư vấn, trợ giúp xã hội

Mai Hoa 06/09/2023 - 06:25

Làm công tác tư vấn, trợ giúp xã hội ở Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội thường phải trực tiếp nhận thông tin 24/7, kịp thời tư vấn, kết nối các bên để thực hiện trợ giúp cho những đối tượng yếu thế.

Với niềm đam mê, tâm huyết, yêu nghề, những người làm nghề tư vấn, trợ giúp xã hội đã vượt qua khó khăn, vất vả, góp sức mình giải quyết nhiều vấn đề nóng bỏng, thiết thân đối với người cần trợ giúp, đúng nơi, đúng lúc, đôi khi là cứu được cả mạng người…

xh.jpg
Nhân viên Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội tiếp nhận thông tin, hỗ trợ những đối tượng yếu thế.

Những câu chuyện ám ảnh

Với người làm nghề tư vấn, trợ giúp xã hội, có những vụ việc khó có thể tưởng tượng nhưng lại xảy ra trong thực tế. Đơn cử như có vụ việc em gái bị chính anh trai xâm hại tình dục nhiều năm liền. Khi sự việc được thông báo đến cơ quan bảo vệ trẻ em thì trẻ bị chính bố mẹ mình bạo lực, buộc phải liên tục chạy trốn, tạm lánh ở các nơi để bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình. Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới về vụ việc này, Trưởng phòng Tư vấn và Trợ giúp, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Trịnh Thị Phương cho biết: "Ngay khi nhận được thông tin, chúng tôi xác định đây là trường hợp cần bảo vệ khẩn cấp nên đã phối hợp cùng với địa phương đưa trẻ vào cơ sở bảo trợ xã hội để bảo đảm an toàn cho trẻ. Hiện nay, sức khỏe, tâm lý của trẻ đã ổn định, trẻ đi học bình thường, hòa nhập với bạn bè và gia đình".

Hay như chuyện chị N.T.H (huyện Ba Vì), do tin lời người quen hứa tìm cho công việc ổn định mà bị lừa bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Sau 16 năm, chị trở về Việt Nam, không việc làm, ngôn ngữ hạn chế, sức khỏe yếu. Mặc cảm, tự ti khiến chị gặp không ít những khó khăn khi hòa nhập với cộng đồng. Qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã tư vấn cho chính quyền địa phương về chính sách, quy trình, thủ tục, xác minh nạn nhân theo quy định, đồng thời thường xuyên liên hệ với chị H. để tư vấn, tham vấn tâm lý, cung cấp quy định của pháp luật, chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, kỹ năng giải quyết vấn đề. Nhân viên tư vấn, trợ giúp xã hội nắm bắt nhu cầu và kết nối nguồn lực với tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam để phối hợp trợ giúp cho chị H.

Đó chỉ là hai trong nhiều vụ việc mà các nhân viên tư vấn, trợ giúp đối tượng thuộc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội tiếp nhận xử lý mỗi ngày. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, thông qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoặc số hotline của Trung tâm 0243.2233.111, cùng một số nguồn khác, Phòng Tư vấn và Trợ giúp của trung tâm đã tiếp nhận, tư vấn, trợ giúp 542 vụ việc với 592 đối tượng, trong đó, đa phần là các trường hợp bị xâm hại, bạo lực gia đình, bị ngăn cản quyền thăm, gặp con sau ly hôn…

Trợ giúp các đối tượng yếu thế

Quá trình thực hiện tư vấn, trợ giúp nạn nhân, không ít vụ việc có tính chất phức tạp khiến nhân viên tư vấn gặp phải áp lực, căng thẳng, bởi đây là công việc rất đặc thù, làm việc với đối tượng yếu thế là chủ yếu. Hằng ngày, phải có người trực 24/7 tất cả các ngày trong tuần để bảo đảm công tác can thiệp, trợ giúp cho các nhóm đối tượng kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp. Nhiều vụ việc xâm hại, bạo lực xảy ra trong đêm, có tính chất phức tạp, đòi hỏi phải xử lý ngay, vì nếu chậm trễ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của đối tượng.

Trong quá trình trợ giúp, cán bộ phải đến xã, phường, thị trấn để phối hợp với chính quyền địa phương làm việc trực tiếp với đối tượng nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến sức khỏe nếu như tiếp xúc với đối tượng mắc bệnh truyền nhiễm HIV/AIDS, lao…, thậm chí, có đối tượng còn hung hãn, sử dụng hung khí, có hành vi chống đối… Khó khăn là vậy, nhưng mỗi nhân viên Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đều xác định đã gắn bó với nghề, với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thì phải luôn tận tâm, luôn trăn trở làm sao để hỗ trợ, trợ giúp cho các đối tượng yếu thế được kịp thời và hiệu quả.

Đánh giá cao hiệu quả của công tác tư vấn, trợ giúp xã hội, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết: Người làm nghề phải đặt lợi ích của đối tượng là mục tiêu quan trọng nhất trong hoạt động nghề nghiệp, có ý thức bảo vệ lợi ích lâu dài và liên tục cho đối tượng, tôn trọng đời tư, quyền tự quyết và quyền bảo mật của đối tượng. Không những phải là người ham học hỏi, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc, nhân viên tư vấn, trợ giúp xã hội còn cần phải có tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt, phải có lòng đam mê, tâm huyết, yêu nghề, bảo đảm 100% đối tượng khi tiếp nhận đều được tư vấn, tham vấn, trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với nhu cầu của đối tượng và đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện nghề tư vấn, trợ giúp xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.