(HNM) - Tăng trưởng về chất tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trong năm 2014.
Ngành dệt may Việt Nam cần đặt trọng tâm phát triển ODM trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả. Ảnh: Nhật Nam |
Khảo sát của Vinatex cho thấy, đi đầu trong số các đơn vị thành viên về tỷ lệ gia công hàng ODM hiện nay là Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú, với hình thức ODM chiếm khoảng 70-90%. Còn lại, rất ít thành viên của Vinatex làm ODM, tỷ lệ chỉ đạt từ 5 đến 10%, xoay quanh các mặt hàng chủ lực như sơ mi, quần Âu và jacket. Các doanh nghiệp tư nhân, cũng có một số đơn vị năng động xây dựng năng lực thiết kế, tạo mẫu, chủ động nguồn cung ứng nguyên phụ liệu do đó tiếp cận được gần với phương thức ODM. Điển hình như Công ty Minh Trí, là đơn vị có năng lực sản xuất tương đối lớn với 800.000 sản phẩm/tháng. Tiếp đến là những đơn vị có năng lực chủ yếu trong khoảng 100.000-150.000 sản phẩm/tháng như Vitajean, Việt Vương, Nam Sơn… Tuy nhiên, hầu hết đơn vị tư nhân đang tiếp cận phương thức sản xuất ODM chưa có đủ năng lực marketing và bán hàng để tiếp cận trực tiếp với những nhà nhập khẩu, bán lẻ dệt may lớn trên thế giới. Trong khi đó những tập đoàn nước ngoài đang đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam như Esquel, Crystal, TAL Group, Epic… chủ yếu chỉ đặt nhà máy may ở Việt Nam, các công đoạn thiết kế và cung ứng nguyên phụ liệu thực hiện theo mạng lưới quốc tế của họ.
Theo các chuyên gia, DN may mặc Việt Nam nói chung, các đơn vị thành viên Vinatex nói riêng đang đứng trước những cơ hội rất thuận lợi để phát triển ODM trong chuỗi giá trị toàn cầu. Xu thế chuyển dịch của ngành dệt may thế giới cùng các cuộc đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương đang rất có lợi cho Việt Nam. Ngoài những yếu tố thuận lợi về ổn định chính trị-xã hội, vị trí địa lý, nguồn lao động và chi phí sản xuất, các thành viên Vinatex còn có sự phối hợp nhất định. Tuy nhiên, nếu không tranh thủ thuận lợi này để đẩy mạnh chuyển dịch sang làm hàng FOB (mua đứt, bán đoạn) và ODM thì thời gian tiếp theo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Khi đó, sự mở rộng của các hiệp định thương mại tự do sang các đối thủ cạnh tranh khác khiến lợi thế thuế quan bị thu hẹp; cạnh tranh từ các đối thủ có chi phí thấp đang nổi lên như Bangladesh, Myanmar; khối FDI cạnh tranh ngay trên sân nhà… sẽ khiến những đơn vị phụ thuộc hoàn toàn vào hình thức gia công sẽ có nguy cơ giảm, mất đơn hàng cả trên thị trường xuất khẩu và nội địa.
Trước tình hình đó, các đơn vị cần đặt trọng tâm phát triển ODM trong chuỗi giá trị toàn cầu, với những yếu tố như tạo sự khác biệt và giá trị gia tăng cho khách hàng, chia sẻ rủi ro và lợi nhuận, phát triển bền vững… Để làm được điều đó, DN cần tập hợp lực lượng với quy mô đủ lớn theo chuỗi, trong đó, từng đơn vị tập trung vào thế mạnh cốt lõi của mình theo từng khâu sợi-dệt-nhuộm hoàn tất-may để có sự chuyên môn hóa và kết nối chặt chẽ; có sự phân công, liên kết, phối hợp để có thể cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác và ở cấp độ cao hơn với các tập đoàn lớn; phân bổ lợi ích hợp lý trong chuỗi sợi-dệt-nhuộm hoàn tất-may-hạt nhân ODM, trong đó có sự cam kết chia sẻ giữa các đơn vị tham gia chuỗi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.