Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển mạnh từ nhận thức sang hành động

Phạm Văn Khánh| 29/08/2012 07:07

(HNM) - Phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm môi trường là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, góp phần thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

Xác định rõ, đây là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án, với quyết tâm cao để Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn có hệ thống xử lý chất thải lớn của Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền

Giải quyết dứt điểm các điểm "nóng"

Phấn đấu xây dựng thành phố xanh, phát triển bền vững, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, kiểm soát và khắc phục tình trạng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường. Một trong những giải pháp được thành phố quan tâm ưu tiên là giải quyết dứt điểm các điểm "nóng" về ô nhiễm như làm sạch môi trường sông, hồ; thu gom, xử lý rác thải, nước thải, bụi từ các khu công nghiệp tập trung; cải tạo môi trường làng nghề, khu dân cư, bệnh viện... Các dự án được đầu tư kịp thời bước đầu đã phát huy tác dụng. Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành việc xử lý dứt điểm 24/25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện chỉ còn một cơ sở là Bệnh viện Đống Đa đang trong quá trình vận hành thử nghiệm trạm xử lý nước thải. Trong số 24 cơ sở đã cơ bản xử lý khắc phục tình trạng ô nhiễm, có 23/24 cơ sở được cấp chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để, một cơ sở đang hoàn thiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận theo quy định.

Trong lĩnh vực thí điểm xử lý ô nhiễm hồ và kêu gọi xã hội hóa cải tạo một số hồ trên địa bàn Hà Nội đã đạt được những kết quả khả quan. Sau hai năm thử nghiệm xử lý tại 12 hồ cho thấy đã giảm mùi hôi rõ rệt, giảm hiện tượng cá chết, chất lượng nước ổn định hơn. Hiện Hà Nội đã xây dựng đề án xã hội hóa kêu gọi doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp để cải tạo 45 hồ. Đến nay, hàng chục doanh nghiệp đã hưởng ứng và cam kết đóng góp 296 tỷ đồng và đăng ký 430 tỷ đồng vốn đầu tư theo hình thức BT, BOT cho các dự án cải tạo hồ ở Hà Nội.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tuyên truyền sử dụng chế phẩm làm sạch nước thải tại các hộ trên lưu vực sông Tô Lịch, thí điểm trên địa bàn của bốn phường tại khu vực đầu nguồn là Vĩnh Phúc, Cống Vị, Nghĩa Đô, Quan Hoa. Hiện tại đã tiến hành phát chế phẩm cho gần 3.000 hộ và dự kiến sau khi kết thúc chương trình có khoảng 10.000 hộ được sử dụng chế phẩm. Trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đều thành lập các tổ thu gom rác sinh hoạt, mỗi ngày thu gom, vận chuyển, xử lý khoảng 5.000 tấn rác thải đến nơi quy định. Tại khu vực ngoại thành, các xã, thị trấn đã tự xây dựng các điểm chôn lấp rác thủ công có kiểm soát, quy mô nhỏ phục vụ cho công tác chôn lấp rác tạm thời ở nông thôn.

Để môi trường ngày càng sạch hơn, thành phố tiếp tục chỉ đạo đầu tư dự án xử lý rác thải theo công nghệ tái chế và ép phục vụ xuất khẩu tại Khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn, giai đoạn I với công suất 2.000 tấn/ngày. Quy hoạch điểm tập kết trung chuyển chuyển đất thải, phế thải xây dựng tại các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng với tổng diện tích khoảng 115ha.

Tạo bước chuyển mạnh mẽ

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu với UBND TP, giai đoạn từ nay đến năm 2015, triển khai xây dựng 2-3 nhà máy xử lý nước thải tập trung, phấn đấu 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 100% chất thải rắn ở nội thành, 80% chất thải rắn ở ngoại thành được thu gom và xử lý, 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải rắn nguy hại và 100% chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường hoạt động kiểm soát ô nhiễm, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường; triển khai các chương trình quan trắc chất lượng môi trường; nhân rộng những phương án, mô hình xử lý rác sinh hoạt quy mô nhỏ hiệu quả ở cấp huyện, xã tại khu vực 18 huyện ngoại thành. Sở đề xuất các cơ chế, chính sách hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn trong hoạt động quản lý; sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư và đẩy mạnh công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường; tổ chức thực hiện "Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường"...

Với nỗ lực và quyết tâm cao của Sở Tài nguyên và Môi trường và sự phối hợp tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền và mọi người dân, chắc chắn việc phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn sẽ chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức sang hành động cụ thể.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển mạnh từ nhận thức sang hành động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.