Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện làm báo ở Nhà tù Côn Đảo thời Mỹ Ngụy

Hồng Nhung| 21/06/2015 10:12

(HNMO) - Trong cảnh tù đày, để có một tờ báo đã khó, việc làm báo trong nhà tù đầy khắc nghiệt như nhà tù thời Mỹ Ngụy càng là việc “không tưởng”. Nhưng những gì còn lại đến nay cho phép chúng ta xác định rằng, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975), tù chính trị có làm báo.

Trong quá trình tìm hiểu về báo chí trong tù, chúng tôi đã khám phá ra một số tài liệu hiếm hoi, quan trọng đồng thời việc gặp gỡ những người trực tiếp làm ra các tờ báo đó đã giúp chúng tôi có được nhiều thông tin quan trọng về “một thời làm báo” gian khổ nhưng hào hùng giữa chốn “địa ngục trần gian”.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến việc làm báo tại nhà tù Côn Đảo thời Mỹ Ngụy – một nhà tù nổi tiếng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” với chế độ lao tù vô cùng khắc nghiệt, có thể nói là vào loại bậc nhất ở nước ta.


Trang bìa tờ Xây dựng và Sinh hoạt (ảnh chụp lại từ cuốn “Những tờ báo của tù nhân Côn Đảo”, tác giả Bùi Văn Toản)



Báo viết tay

Khu B Trại 6 là nơi giam giữ lực lượng tù câu lưu, là trọng điểm đánh phá quyết liệt của kẻ địch từ sau ngày đảo chính Ngô Đình Diệm năm 1963. Đây cũng là nơi đi đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết cách mạng ở nhà tù Côn Đảo.

Vừa tiến hành đấu tranh đòi địch giải quyết các yêu cầu trong cuộc sống, vừa phát triển các loại hình sinh hoạt tinh thần, trong đó có việc làm báo (trước mắt ở từng phòng, sau phát triển ra quy mô toàn trại) là chủ trương của đảng ủy trại trong cuộc kiểm điểm sau đợt đấu tranh tuyệt thực ròng rã 19 ngày.

Chủ trương được tập thể đồng tình, lực lượng thực hiện có thừa nhưng những yêu cầu tối thiểu cho việc ra mắt tờ báo, tập nội san chỉ là con số 0 tròn trĩnh: không giấy, không bút mực, vì đây là những thứ kẻ địch cấm đoán tuyệt đối.

Nhưng rồi, tập thể dạn dày trong chiến đấu ác liệt, với tinh thần tập hợp và phát huy kinh nghiệm, sự sáng tạo của từng cá nhân trong khó khăn thiếu thốn, những người tù ở Khu B Trại 6 đã biết cách biến cái không thể thành có thể một cách tài tình. Bằng công tác binh, địch vận, công tác tranh thủ, thông qua y tế, nhà bếp và cả trật tự, từng phòng rồi từng trại có được những tập vở học sinh cùng những chiếc ruột bút bi hiệu “Bic”. Số lượng rất hạn chế nhưng cũng đủ đáp ứng yêu cầu.

Loại giấy trên chỉ được dùng để viết bản chính thức còn bản thảo thì phải tận dụng tất cả thứ gì có thể để viết như bao thuốc lá, thùng carton, vỏ bao xi măng, giấy gói bưu kiện... mà người nhà gửi vào. Tất cả đem ngâm nước tách mỏng thành nhiều tờ, đến khi không còn tách được nữa mới thôi, nếu không, chắc chắn sẽ bị phê bình là lãng phí! Men theo thành giếng, hồ nước, chỗ nào cũng có giấy phơi. Bao thuốc lá viết được 3 mặt, tờ giấy xi măng viết 4 mặt, một miếng thùng carton 3 lớp viết đến 6 mặt.

Ruột bút không thể mua nhiều được nên chỉ dùng cho việc viết bản chính thức. Hết mực, anh em trong tù tự chế mực, bơm vào dùng tiếp.

Công thức làm mực trong tù tuy đơn giản nhưng cũng trải qua nhiều công đoạn thử nghiệm đến toát mồ hôi. Những người tù chính trị sử dụng gói thuốc nhuộm đen mua được trong lúc địch cho bán hàng tiếp liệu (thuốc này vốn được dùng để nhuộm quần áo cho đỡ bẩn vì không có xà phòng) trộn chung với glycérine có ở bộ phận y tế (loại thuốc bơm thụt hậu môn để chống táo bón) đem đun trên ngọn lửa nhỏ cho đến khi cô đặc lại theo ý muốn, sau đó bơm mực vào viết. Nhưng có khi mực không xuống, lúc mực chảy lem nhem, họ lại mày mò, rút kinh nghiệm, tiếp tục điều chỉnh cho đến khi cảm thấy đạt yêu cầu. Những trang viết trong các tập báo có nét đậm, chính là đã sử dụng loại mực tự tạo này.

Nhược điểm của loại mực tự tạo là lâu khô và hay thấm sang mặt sau trang giấy, buộc người viết phải hết sức cẩn thận. Bút hết mực, họ dùng kim vá áo đẩy hòn bi ra rồi kê miệng hút mực vào đầy ống, lắp bi lại là có thể dùng tiếp. Nhiều khi hút mạnh, mực trào vào miệng, mấy ngày cũng không tẩy sạch vết đen. Nhưng có được như thế, họ cho rằng đã tốt lắm rồi, không ai phàn nàn gì cả.

Để trang trí cho bìa và các tựa bài viết, những “nhà báo” trong tù tự chế mực với các loại màu sắc bằng cách: màu vàng chế từ bột nghệ - vốn là quà của gia đình gửi ra dùng làm thuốc bổ phổi hoặc ngâm vài viên thuốc bọc đường màu. Màu đỏ lấy từ thuốc đỏ của y tế hoặc lớp vỏ đỏ bọc ngoài viên thuốc. Màu xanh dương là màu của bleu méthylène - thuốc trị ghẻ.

Cọ vẽ sẵn cả "kho", muốn lúc nào cũng có, cỡ nào cũng sẵn. Những nhánh dương tươi, cọng chổi quét nhà, cứ lột hết vỏ, vót xéo đầu, cắn dập ra rồi sử dụng.

Đối tượng tham gia viết bài, chủ yếu vẫn là thanh niên, sinh viên, có lẽ bàn tay không quên cầm bút viết dù trong cảnh lao tù. Nhưng bên cạnh đó, các cụ già đã đến lục tuần (mà ngoài đời, khi nhìn, chắc ai cũng đoán không dưới 80) cũng tích cực tham gia. Sulfarlem Lê Đình Toán (Bắc Ninh), cụ già đã bị “nhập hộ khẩu Côn Đảo” năm 1945 về trước, rồi cụ AK Huỳnh Tài (Đại Lộc, Quảng Nam) một diễn viên hát bội trong tù vẫn thường xuyên góp bài cho “Xây dựng”. Vi trùng Koch tấn công nát hai buồng phổi, phải tạm trú lâu dài trong bệnh xá mà hai cụ vẫn lạc quan, ngồi nắn nót từng dòng.

Công tác in ấn có cả một đội ngũ biên soạn không còn tính đến giờ giấc. Vẽ bìa, trình bày... đều có phân công rõ ràng. Khỏe cũng chép, mệt cũng chép, bị bệnh, ra máu vẫn cố gắng chép. Đói, bệnh không làm họ bận lòng, miễn báo ra mắt đúng ngày dự định. Một cảnh tượng nhiều người thường chứng kiến là: trong một góc phòng giam với ánh sáng lờ mờ, khó nhìn rõ mặt, người chép báo căng mắt, còng lưng bên chiếc thùng carton dùng đựng quần áo và đồ dùng, chăm chú nắn nót từng con chữ, đôi lúc phải dừng lại vì cơn ho rồi khạc ra một búng máu tươi vào chiếc lon. Anh không dừng tay mà tiếp tục xin được viết cho xong tờ báo.

Có lúc địch đang tấn công các dãy phòng đối diện, ở bên này người chép bài vẫn tiếp tục chép cho kịp ngày ra mắt. Người chép cứ chép, người chuẩn bị hủy đã phải sẵn sàng. Nếu địch tấn công, lực lượng bảo vệ chặn cửa giằng co, trong góc phòng, một que kẽm gai đánh xuống nền phòng giam, tia lửa bắn vào đầu con cúi, thêm vài hơi thổi, lửa sẽ cháy bùng và toàn bộ bản thảo, phút chốc biến thành tro. Anh em quyết không để rơi vào tay địch, dù chỉ một trang viết.

Chép xong, đóng tập, xén cạnh cho đúng kích thước 13x19cm, bằng chiếc dao cưa ống thuốc mài sắc cạnh. Xong xuôi, anh em ấn loát mới thở phào nhẹ nhõm, chuẩn bị bắt tay vào tập kế tiếp.

Nhuận bút, thù lao cho tác giả và người chép bài không phải là điếu thuốc rê mà là nét mặt hồ hởi và những lời bình phẩm của đồng đội.

Báo sau khi phát hành, đến tay từng độc giả, được gom lại, bọc một lớp nilon, cho vào chai thủy tinh, phân công người đem chôn cất. Cất vì không nỡ hủy và không để cho địch lấy được, chứ chưa nghĩ đến việc lưu giữ cho ngày sau.

Ngay những ngày đầu năm 1973, trước khi có Hiệp định Paris, trại có 2 radio do ông Phạm Văn Ba mang ra trong chuyến lưu đày cuối tháng 12-1972. Một trong hai chiếc radio này do hai anh bạn tù người Pháp là Jean Pierre Débris và André Menras (người phất cờ Giải phóng trước trụ sở Hạ viện Sài Gòn giữa năm 1970) tặng cho tù chính trị ở nhà lao Chí Hòa trước khi hai anh bị trục xuất về Pháp. Sang năm 1974, trại có thêm 1 chiếc radio nữa từ anh em ở nhà bếp mua được chuyển vào. Tuy nhiên, chỉ có chiếc radio lớn sử dụng được đến ngày giải phóng, hai chiếc còn lại sử dụng trong thời gian ngắn vì không có pin phù hợp. Đây là phương tiện cung cấp thông tin thường xuyên cho tù nhân. Việc theo dõi radio hoàn toàn bí mật. Toàn trại chỉ có vài người trong lãnh đạo biết mà thôi.

Tiến sĩ sử học, AHLĐ Bùi Văn Toản, lúc còn là tù chính trị tại Côn Đảo giai đoạn kháng chiến chống Mỹ có may mắn được phân công theo dõi và bảo quản chiếc radio lớn cho đến giải phóng, phải tạo chỗ cất giấu bí mật ngay cả trong nội bộ, việc theo dõi được tiến hành ban đêm sau giờ giới nghiêm. Ông cho biết: “Những gì nghe được, tôi ghi tốc ký trong bóng tối, hôm sau chép lại trên giấy rồi chuyển cho Bí thư Đảng ủy trại. Từ đây, tin tức được phân loại và Đảng ủy phân công người chép theo từng loại. Loại chỉ phổ biến trong lãnh đạo và loại phổ biến rộng rãi trong trại giam. Thêm người thứ ba chép ra mỗi thứ 10 bản để gửi đến từng phòng. Cứ hai ngày, anh em trong phòng được nghe phổ biến tin tức thời sự. Hàng tháng hoặc hai tháng một lần, toàn trại lại được nghe thuyết trình có phân tích, đánh giá tình hình chung và âm mưu thủ đoạn của địch…”

Báo miệng

Theo những gì người cựu tù Côn Đảo mang tên Nguyễn Phú Thọ thuật lại trong một bản chép tay với tiêu đề “Tiếng kêu của tù nhân Côn Đảo” (hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III) thì sau khi ký hiệp định Paris, “thông báo phát thanh” trở thành hình thức đấu tranh phổ biến.

“Thông báo” là đưa ra yêu sách, nguyên vọng của tù nhân bằng tiếng nói, được thực hiện đột xuất trước một sự việc mang tính chất nhất thời; “phát thanh” cũng như thông báo nhưng được chuẩn bị lâu hơn và diễn ra trong thời gian dài hơn. Hình thức “thông báo phát thanh” có từ đợt đồng khởi năm 1970 của tù nhân Côn Đảo, nói lên đời sống thực sự, tố cáo âm mưu, thủ đoạn của địch, phối hợp với tình hình bên ngoài của nhân dân và lời tố cáo của chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam tại Hội nghị Paris.

Cũng với hình thức đấu tranh này, tù nhân nói lên nguyện vọng của mình, tranh thủ hàng ngũ địch để thêm bạn bớt thù, làm giảm khó khăn cho tù nhân, giác ngộ họ trở về với nhân dân.

Những người tù chính trị gọi hình thức đấu tranh này là “phát thanh thông báo” nhưng theo nhà báo Nguyễn Thành trong cuốn “Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam” thì tác giả khẳng định “đây là hình thức Báo miệng”.

Theo cựu tù Nguyễn Phú Thọ, người thông báo được anh em chọn là người có tiếng nói to nhất, rõ nhất, giàu nghị lực và can đảm, dùng hai tay đưa trước miệng để làm loa hướng về mục tiêu thông báo. Địch thường xuyên tìm cách phá hoại bằng cách gây ồn ào, xúi giục trật tự ném đã, dùng cây đâm, có nơi dùng nước sôi tạt vào phòng. Người thông báo được một số anh em khỏe mạnh đứng trước để che chở.

Thông báo phát thanh của tù nhân Côn Đảo đã trở thành phổ thông và có kết quả. Nhiều phái đoàn ngoại quốc ra thăm Côn Đảo mà chính quyền không cho tù nhân tiếp đón vì sợ nói lên sự thật. Khi phái đoàn đi bên ngoài, tù nhân thông báo, phái đoàn dừng lại nghe và có lần họ thu vào máy ghi âm. Thông báo còn là hình thức đấu tranh hiệp đồng lẫn nhau. Trong một trại có việc thông báo, các trại khác cách xa mấy trăm mét lắng nghe và có trách nhiệm nhớ nội dung truyền đi nơi khác.

Trong bản tự thuật “Tiếng kêu của tù nhân Côn Đảo”, người cựu tù Nguyễn Phú Thọ còn ghi lại những bài “phát thanh thông báo” sau ngày hòa bình được ký kết. Những bài này hầu hết đều do các anh em tù mang về sau ngày giải phóng. Dưới đây là một số trong những bài “báo miệng” đó:

“Bản thông báo được phát thanh từ ngày 1/1/1972 đến 15/1/1972 sau vụ đàn áp đẫm máu ngày 1/1/1972 tại khu F Chuồng Cọp.

Khu F thông báo:

Đói khổ đã chồng chất trên đói khổ, chẳng những không cải thiện, nhà cầm quyền Sài Gòn ở Côn Đảo còn tăng cường bóp xiết đời sống, giam hãm hà khắc tù chính trị trong Chuồng Cọp tối mệnh danh là trại 7 tiếp tục duy trì chủ trương đàn áp khủng bố tù nhân.

Ngày 1/1/1972 nhà cầm quyền Côn Đảo chủ trương cho một số người cầm gậy gộc dao găm ngang nhiên xông vào khu F, chuống cọp 7, cứ từ 3 đến 5 người đàn áp 1 người bệnh tật làm cho 20 người bị thương, trong đó có 8 người trọng thương: ra máu phổi, cổ, đầu...

Đây là một chủ trương ném đá giấu tay của nhà cầm quyền Sài Gòn, duy trì đánh đập tù rồi đổ lỗi cho tù nhân nhằm mục đích sát hại tù chính trị.

Chúng tôi toàn thể tù chính trị khu F đồng thanh phản đối kịch liệt và tố cáo hành động nói trên của nhà cầm quyền Côn Đảo trước dư luận.

Chính quyền Sài Gòn phải chịu trách nhiệm về vụ đàn áp này cũng như chịu trách nhiệm về sinh mạng của những người bị đánh trọng thương.

Nhà cầm quyền Sài Gòn phải đảm bảo an toàn tất cả đời sống tù nhân.

Nhà cầm quyền sài Gòn phải chấm dứt vĩnh viễn chủ trương đàn áp, khủng bố tù chính trị.

Ban quản đốc Côn Đảo phải trực tiếp giải quyết thỏa đáng vụ đàn áp xảy ra tại trại 7 khu F.

Khu F Chuồng Cọp 7

Côn Đảo 1/1/1972”


“Bản thông báo này được phát thanh với yêu cầu chính là phối hợp với phong trào cách mạng bên ngoài làm sức ép cho địch trong việc ký hiệp định Paris từ ngày 14/9/1972 – 22/10/1972, mỗi ngày phát thanh 3 lần. 4h sáng, 1h30 trưa và 9h tối.

Thư ngỏ đến anh em binh sĩ công chức và giám thị Côn Đảo,

Các bạn thân mến!

Muốn nhắn lời cùng các bạn nhưng sao được nên chúng tôi mượn tiếng nói trong thư nhỏ này gửi đến các bạn lời thăm hỏi chân thành gia đình đoàn tụ và đủ sống, đồng thời chuyển đến các bạn những lời tâm tư chân thành trên tình thần hòa hợp hòa giải dân tộc của chúng tôi.

Các bạn! Trong lúc chúng tôi xa quê hương thân yêu, xa gia đình trìu mến thì tình cảm gần nhất là tình cả dân tộc qua các bạn, những người hiện sống bên chúng tôi.

Các bạn nghe nói, ngục tù Côn Đảo là nơi địa ngục trần gian, biết bao nhiêu tù nhân chính trị đã chết vì bị đánh đập gông xiềng, vì đói cơm khát nước, vì thiếu thuốc men chữa trị và hàng trăm người đã trở thành phế nhân, bệnh tật và đời sống chưa được bảo đảm.

Chắc có lần các bạn đã nghe nhà cầm quyền Sài Gòn nói: nhà cầm quyền đã lo đầy đủ cho đời sống tù nhân nhưng tại chúng tôi muốn làm rối, ... (tài liệu khó đọc - NV) nhà cầm quyền.

Không! không phải thế đâu các bạn, sự thật là chúng tôi bị ăn đói hơn 1 năm qua triền miên với khô đắng mắm chua, thậm chí muối cũng không đủ ăn.

Các bạn thử nghĩ, những người bệnh tật đang khi sức yếu như chúng tôi mà phải ăn đói, ăn lạt, từ ngày này sang ngày khác thì sống được bao lâu trong khi thuốc men lại quá ít.

Các bạn có tưởng tượng được không khí ánh sáng là của thiên nhiên mà đối với chúng tôi lại rất hiếm. Mỗi ngày ngoài 2h mở cửa thì chúng tôi bị giam hãm trong 4 bức tường.

Trong anh em chúng tôi có người không án mà bị giam giữ 17, 18 năm trong tù. Có người đã mãn hạn tù từ lâu mà vẫn không được trả tự do mà lại còn bị giam nhốt cực hình nơi Chuồng cọp lao 7 này. Tình cảm gia đình, bạn bè là nguồn an ủi lớn lao đối với chúng tôi qua thư từ, thăm nuôi, thế mà cũng bị nhà cầm quyền hạn chế.

Mà như thế vẫn chưa đủ đâu các bạn. Nhà cầm quyền còn duy trì chủ trương đàn áp, khủng bố, duy trì đánh đập tù, gây nên cảnh nồi da xáo thịt trong tù.

Những điều trên đây chắc các bạn khó hình dung đó là sự thật vì bởi một sự che giấu rất kín đáo của nhà cầm quyền hòng gây nên hận thù giữa các bạn với chúng tôi.

Các bạn thân mến, giờ này chắc các bạn đang bôn ba, lăn lóc với cuộc sống hàng ngày hoặc các bạn lặng lẽ ngồi trên tháp canh, gió lạnh, đang hướng về quê hương yêu dấu mà trầm tư suy nghĩ một nỗi niềm riêng thì bên tai các bạn dồn dập tiếng kêu đói khổ, tiếng kêu đau ốm của tù nhân mà trong ấy có thể có người thân trong gia đình, bạn bè hoặc ít ra cũng có người đồng hương, xứ sở của các bạn.

Có lúc tiếng kêu van đó cũng làm các bạn bực mình. Nhưng chúng tôi tin tưởng với tâm sự chân thành này thì các bạn sẽ hiểu rằng đó là những tù nhân vô cùng đâu khổ trong đấu tranh dòi quyền sống.

Các bạn vì hòa bình độc lập tinh thần hòa hợp dân tộc và trong truyền thống thiêng liêng của tổ tiên ta là: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” thì các bạn càng thông cảm cho chúng tôi và các bạn đã thấy trong thời gian văn minh hiện nay mà nhà cầm quyền Sài Gòn lại dựng nên 384 hầm cọp mệnh danh là trại 7 để khủng bố kìm kẹp tù nhân.

Nhưng chắc chắn các bạn cũng như chúng tôi đều tin rằng: “âm mưu tàn bạo của đế quốc Mỹ và bè lũ hiếu chiến nhất định thất bại, hòa bình, độc lập và hòa hợp dân tộc nhất định sẽ đến với chúng tôi.

Chuồng cọp 14/9/1972
Chúng tôi, những người đang bị giam nhốt tại Chuồng cọp Côn Đảo”


“Dưới đây là bài phát biểu mang tính chất bình luận được phát thanh trong đợt đấu tranh mừng hòa bình, từ 6h sáng ngày 29/1/1973 – 9h tối 31/1/1973

Khu F phát biểu với nhà cầm quyền về trả tự do cho tù nhân

... Hiện nay quân đôi viễn chinh xâm lược Mỹ thua rút ra khỏi miền Nam, hòa bình đã vãn hồi. Nhân dân ta đã chiến thắng... thì không lý do gì nhà cầm quyền hữu trách đương kim lại tiếp tục giam giữ những người yêu nước, đấu tranh cho ủy ban độc lập thống nhất tổ quốc.

Còn tiếp tục giam giữ những người yêu nước là đi ngược lại nguyện vọng thiêng liêng của dân tộc.

Còn tiếp tục cầm tù anh em quân phạm là còn kéo dài sự đau khổ của nhân dân.

Cần phải chấm dứt chế độ lao tù khắc nghiệt. Nhà hữu trách phải gấp rút trả tự do cho những người bị bắt vì lý do chính trị và đồng bào bị giam giữ đúng theo hiệp định. Phóng thích toàn thể quân phạm, thường phạm là nạn nhân của chiến tranh và xã hội.

Chuồng Cọp 29/1/1973”

Cuộc chiến đấu trong nhà tù mang tính sống còn và luôn biến động. Không một ai có thể hình dung ngày mai của chính mình, bởi cái chết luôn rình rập cận kề. Không ai nghĩ đến việc những tờ báo mình làm ra sẽ được lưu giữ trong bao lâu và mai sau, lịch sử sẽ đánh giá thế nào.

Nhưng lịch sử thật công bằng, những gì tưởng đã thất lạc hoàn toàn lại lần lượt được hiện ra. Dù số lượng các tờ báo tù được nhắc đến, được sưu tầm và thống kê lại cho đến hôm nay còn rất khiêm tốn nhưng thiết nghĩ cũng đủ để chúng ta khẳng định: Báo chí là một công cụ giao lưu rất cần thiết trong đời sống tinh thần của con người. Và có một điều chắc chắn nữa là báo miệng và báo viết tay của tù chính trị Côn Đảo trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã làm phong phú thêm lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam cũng như tinh thần lạc quan trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu độc lập, tự do cho tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện làm báo ở Nhà tù Côn Đảo thời Mỹ Ngụy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.