(HNM) - Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, hạ tầng chưa hoàn thiện, đồng bộ, thiếu tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và đơn vị quản lý… là những vướng mắc, tồn tại hiện nay tại một số khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Rác bao vây KCN Thạch Thất - Quốc Oai. |
Những khúc mắc bên trong
Khu công nghiệp (KCN) Thạch Thất - Quốc Oai nằm trên địa bàn xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) và thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) rộng gần 150ha có vị thế khá đẹp nằm cạnh đại lộ Thăng Long. Nhìn từ xa là những nhà xưởng sừng sững, rất quy củ, nhưng khi đến gần, chúng tôi gặp ngay cảnh nhếch nhác. Cả chục lều lán dựng tạm bợ trên vỉa hè để bán hàng. Vào giờ cao điểm, người dân còn tràn xuống lòng đường, trải bạt bày hàng hóa khiến khu vực này như một “chợ cóc”. Đi sâu vào trong, hàng loạt đống rác thải đổ tràn ra đường, lấp cả vỉa hè. Khi trời mưa to, công nhân thậm chí còn phải bì bõm lội vào làm việc vì một số tuyến đường ngập trong nước. Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ địa chất nằm ở lô đất trung tâm KCN nhiều năm nay khổ sở vì mùi xú uế rác thải xung quanh "bao vây", "tấn công". Ông Nguyễn Đình Thịnh, Giám đốc Công ty cho hay: KCN (phần diện tích thuộc thị trấn Quốc Oai) đã đi vào hoạt động từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa có điện chiếu sáng, rác không được thu gom thường xuyên nên gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường.
Khác với KCN Thạch Thất - Quốc Oai, KCN Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có hạ tầng rất khang trang, sạch đẹp, kiến trúc hài hòa nhưng cũng đang còn nhiều tồn tại. KCN này do Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ (Tập đoàn Phú Mỹ) làm chủ đầu tư từ năm 2007 có diện tích 170,1ha. 10 năm qua, KCN đã thu hút được 70 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư với tỷ lệ lấp đầy hơn 80% diện tích đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng (gần 140ha). Tuy nhiên, vẫn còn 3,25ha thuộc địa giới xã Phú Nghĩa và Tiên Phương chưa được bàn giao cho Tập đoàn Phú Mỹ vì các chủ sử dụng đất chưa đồng ý với chính sách giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, KCN Phú Nghĩa còn thiếu hụt nguồn nước sạch trong nhiều năm qua. Với 70 doanh nghiệp cùng hơn 10.000 lao động, nhưng tại KCN chỉ khai thác, đáp ứng được hơn 500m3 nước/ngày đêm, trong khi nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp hiện tại là khoảng 2.000m3 nước/ngày đêm nên nhiều doanh nghiệp đã phải tự khoan giếng. Ông Đàm Tiến Bội, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Mỹ cho biết: KCN có nhiều doanh nghiệp tiếp tục thuê đất xây dựng nhà xưởng; nếu toàn bộ KCN được lấp đầy thì nhu cầu sử dụng nước khoảng 6.000m3/ngày đêm. Để phục vụ các doanh nghiệp, Tập đoàn Phú Mỹ đã đầu tư Nhà máy nước sạch có công suất 6.000m3/ngày, đêm với tuyến đường ống dẫn nước thô kéo từ hệ thống 6 giếng khoan tại xã Phụng Châu về nhà máy. Sau 3 năm triển khai dự án đã hoàn thành 85% khối lượng công việc nhưng dự án đến nay vẫn bê trễ vì một bộ phận người dân xã Phụng Châu không đồng tình…
Hạ tầng ngoài hàng rào thiếu đồng bộ
KCN Nam Thăng Long rộng 30ha, tỷ lệ sử dụng đất đã lấp đầy 100%. Theo quy hoạch, có rất nhiều tuyến đường nối từ các quốc lộ, đường vành đai vào KCN, nhưng sau 10 năm hoàn thành hạ tầng phía trong hàng rào KCN, đến nay vẫn chưa có con đường kết nối nào phía ngoài được hoàn thiện bảo đảm tiêu chuẩn phục vụ hoạt động sản xuất. Để giải quyết đường tạm vào KCN, UBND huyện Từ Liêm (cũ) đã cho phép các phương tiện giao thông có tải trọng dưới 25 tấn được đi tạm trên tuyến đê Đông Ngạc - Thụy Phương. Đây là tuyến đê quai cùng đường dân sinh có mặt cắt nhỏ, thiết kế chịu tải thấp, thực tế chỉ cho phép xe tải trọng dưới 10 tấn lưu thông, mặt đê đã xuống cấp nên không bảo đảm an toàn; còn các xe có tải trọng lớn phải đi vòng từ Nhổn theo đê sông Hồng vào KCN. Thậm chí, đã có lần nhiều phương tiện vận chuyển hàng hóa ra, vào KCN bị người dân chặn đường, không cho đi trên đê quai vì sợ hỏng đường…
Dẫn chứng những bức xúc của doanh nghiệp, ông Vũ Hồng Việt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng Hiệp hội Công thương Hà Nội chìa ra một bản kiến nghị dày đặc chữ ký của các doanh nghiệp từ năm 2014 về vấn đề giao thông cho KCN và cho hay: Vừa qua, thành phố đã đồng ý đầu tư tuyến đường nối từ đường Phạm Văn Đồng qua Trường Đại học Mỏ địa chất tới đường Hoàng Quốc Việt kéo dài để vào KCN. Hiện điểm đầu và cuối tuyến đã được UBND quận Bắc Từ Liêm triển khai gần hoàn thiện; phần giữa tuyến do Ban Quản lý hạ tầng các KCN làm đại diện chủ đầu tư đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Hy vọng, khi tuyến đường hoàn thiện sẽ giải được bài toán giao thông cho KCN “ốc đảo” này.
Cũng liên quan đến hạ tầng ngoài hàng rào KCN, dự án đường gom KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ) đã dở dang vài năm nay do “tắc” trong giải phóng mặt bằng. Đây là diện tích đất được UBND xã Phú Nghĩa bán trái thẩm quyền cách đây 25 năm. Người dân mua đất ở khu vực này đã nộp tiền, đã được địa phương đo, giao mốc giới… Tuy nhiên, đến năm 1997, việc bán đất đã bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành Kháng nghị số 50/KSTTPL, yêu cầu thu hồi toàn bộ diện tích đất UBND xã Phú Nghĩa đã bán cho các hộ làm nhà ở dọc theo quốc lộ 6A… Song, nội dung này đã không được UBND xã Phú Nghĩa và huyện Chương Mỹ khắc phục tại thời điểm đó. 10 năm sau, vào cuối năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ra quyết định thu hồi hơn 784.000m2 đất tại các xã Phú Nghĩa, Tiên Phương, Ngọc Hòa (Chương Mỹ), chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất kinh doanh, giao Tập đoàn Phú Mỹ thực hiện dự án (DA) đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phú Nghĩa (phần mở rộng), trong đó có cả phần diện tích UBND xã đã bán trái thẩm quyền. Tuy nhiên, do quyền lợi của những hộ mua đất trái thẩm quyền chưa được các cấp giải quyết nên dự án làm đường gom của Tập đoàn Phú Mỹ tại những vị trí này vẫn bất động.
Đã có một số phương án định áp dụng cho phần đất này, song có phương án không được UBND thành phố đồng ý vì không thỏa đáng về mặt pháp lý, có phương án lại không nhận được sự đồng tình của các hộ dân... Về việc này, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết: Huyện cũng muốn giải phóng mặt bằng để Tập đoàn Phú Mỹ triển khai dự án hoàn thiện hạ tầng cho KCN, nhưng đây là những tồn tại cũ nên khi giải quyết phải rất thận trọng, đúng quy trình pháp lý, không thể nóng vội…
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.