Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện không quá lạ

Lâm Vũ| 22/04/2011 07:16

(HNM) - Việc phát hiện hai ngôi mộ và một giếng cổ tại khu vực Ciputra Hà Nội (thôn Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội) được dư luận quan tâm trong những ngày qua.


Vùng đất cổ và những ngôi mộ cổ


Các chuyên gia đưa hiện vật được khai quật dưới mộ cổ lên.    


Theo Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, thôn Nhật Tảo - nơi phát hiện ra hai ngôi mộ và một giếng cổ - có tên nôm là làng Kiểu. Đây là một làng cổ có niên đại hàng nghìn năm cùng một cụm với các làng Bạc (Thượng Thụy), làng Gạ (Phú Gia), làng Xù (Phú Xá). Tại làng Gạ còn giữ được một bản thần tích viết cách đây 200 năm cho biết, vào thời Bắc thuộc (179 TCN-938), khi nước ta còn bị nhà Đường cai trị, Thứ sử Quảng Châu là Lư Hoán sang làm Đô hộ Giao Châu đã đóng ở đây và lập quán Già La thờ vua Đường Minh Hoàng, sau đổi thành quán Khai Nguyên, nay là chùa Khai Nguyên. Như vậy, xa xưa, đây là nơi tụ cư đông đúc nên suốt một dải từ cụm các làng cổ nói trên đến Xuân Đỉnh có nhiều gò đống mà kỳ thực là các mộ người Hán, như ở làng Quán La (cạnh làng Gạ) có một ngôi mộ Hán mà nhân dân quen gọi là chùa Hang.

Nếu dựa theo sự hiện diện của các ngôi mộ Hán thì vùng đất này có niên đại khoảng 2.000 năm. “Tất nhiên, ở vùng đất cổ thì không thiếu gì hài cốt, lăng mộ nên chuyện tìm ra ngôi mộ cổ như trên là rất bình thường", nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đánh giá. Ông lý giải thêm, cụm làng cổ là nơi tụ cư của quan lại người Hán thì tất nhiên phải rất đông đúc, đặc biệt đây là nơi một viên Thứ sử tên là Lư Ngư (có tài liệu ghi là Lư Hoán, Lư Anh) mở quán. Là nơi có người sống thì tất nhiên phải có người chết nên các ngôi mộ mà chúng ta đã, đang và sẽ gặp là chuyện hết sức bình thường. Việc phát hiện ra một giếng cổ cũng là chuyện không lạ vì ở đâu có dân cư, ở đấy phải có nước để sinh hoạt. Cũng theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, hai ngôi mộ cổ vừa phát hiện có phải có từ thời Lục Triều (thế kỷ IV-thế kỷ VI) hay không, cần phải nghiên cứu sâu hơn.

Những hiện vật có giá trị


Cán bộ Viện Khảo cổ khai quật tại giếng cổ. Ảnh: Nguyễn Hưng


Ngày 14-4, PGS. TS Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, người trực tiếp khai quật hai ngôi mộ và một giếng cổ đã mời các nhà khoa học đến hiện trường xem xét. Các nhà khoa học nhận định, hiếm khi có hai ngôi mộ đẹp như vậy. Viện trưởng Viện Khảo cổ học Tống Trung Tín cho biết, thường thì, khi các nhà khoa học đến được những ngôi mộ như thế này, chúng đã bị phá, nhưng hai ngôi mộ này lại gần như nguyên vẹn, trong đó chứa nhiều hiện vật quý. Theo ông Nguyễn Lân Cường, đây là hai ngôi mộ đặc biệt vì có hai cái sống ở phía trên, có tác dụng như cái khóa giữ cho ngôi mộ chắc chắn và đó cũng là điểm khác biệt so với các ngôi mộ đã được phát hiện. Về mặt khảo cổ, đây là một ngôi mộ tiêu biểu cho thời Lục Triều, PGS.TS Nguyễn Lân Cường khẳng định, nhưng mộ to lâu đời hơn vì nó nằm sâu hơn. Một chi tiết đáng chú ý là trong vách mộ, hoa văn của hai bên lại khác nhau. Hoa văn mộ to là hoa văn đồng tiền và trám lồng, hoa văn mộ nhỏ là hoa văn xương cá. Đặc biệt là trong mộ to phát hiện được khoảng 40 viên gạch, mà rìa cạnh có chữ Hán (bên trái là bộ "thổ", bên phải là bộ "mộc"). Các nhà khoa học hiện chưa xác định được đây là chữ gì. Có ý kiến nhận định, đây có thể là họ của người chủ ngôi mộ hoặc là hiệu của viên gạch.

Các nhà khảo cổ đã thống kê trong mộ to có 28 hiện vật, gồm 9 cái đinh đóng quan tài, một hạt chuỗi bằng thủy tinh, một phiến đá lục màu xanh, đồ gốm, một bát đồng đã vỡ; trong mộ bé có 5 hiện vật mà quý nhất là chiếc bình đầu gà còn rõ cả mào gà, mắt gà. Trong mộ to có một hiện vật rất quan trọng là hạt thóc, hạt gạo cháy trong lớp bùn đáy mộ và trong hai chiếc bát cổ. Giải thích tại sao lớp thóc gạo thì còn, trong khi quan tài, xương đã tiêu tán, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết: gạo để trong bát, mộ nằm trong nước, sau một thời gian, bùn chảy vào phủ lên trên lớp gạo đó nên lớp gạo này nằm nguyên trong bát. Lớp thóc rải dưới mộ cũng vậy, một thời gian sau khi chôn, nước đưa bùn từ ngoài vào ngập đáy quan tài và lớp đất sét lọt vào trong sẽ giữ được hạt thóc. Quan tài và xương cốt lộ lên trên sẽ bị tiêu đi vì khi có khoảng không, vi khuẩn sẽ hoạt động và "ăn" hết. Trên thực tế, những ngôi mộ hàng nghìn năm chôn trực tiếp trong đất thì còn, nhưng nếu chôn vào trong tiểu thì ít khi còn.

Giếng cổ được các nhà khoa học nhận định có cùng niên đại với hai ngôi mộ. Đến nay, các nhà khoa học đã đào sâu thêm khoảng 5m và phát hiện ra nhiều mảnh sành, sứ, gạch có niên đại muộn hơn, khoảng thế kỷ VII, VIII, IX.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, hiện có 3 phương pháp để bảo quản hai ngôi mộ. Thứ nhất là quây lại, làm mái để tránh mưa gió. Các hiện vật sẽ được làm thành mẫu vật để các nhà nghiên cứu, người dân và khách du lịch đến tham quan. Thứ hai, chuyển cả hai ngôi mộ về Bảo tàng Hà Nội. Thứ ba, lấp đi, sau này có điều kiện thì khai quật lại. Về giếng cổ, được biết Bảo tàng Hà Nội đã có công văn đề nghị di dời toàn bộ về bảo tàng để trưng bày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện không quá lạ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.