(HNM) - Anh Nguyễn Duy San (ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đang công tác tại Vùng 5 Hải quân (Phú Quốc, Kiên Giang), được nghỉ phép về thăm nhà. Về đến nhà, chỉ có mỗi cậu con trai đang học lớp 7, anh hỏi:
- Mẹ đâu con?
- Dạ, con cũng không bít (biết), nghe nói bố về mẹ đi cá kiếm (kiếm) ít cua về nấu canh cho bố - cậu con đáp ráo hoảnh.
Giật mình vì cách ăn nói của con, nhưng anh San vẫn bình thản:
- Mùa này thì kiếm cua ở đâu được con?
- Chắc là mẹ lại tàu lượn (đi) đến nhà bà ngoại bố ạ, chỗ bà ngoại lúc nào cũng sẵn.
Đến lúc này thì anh San không giữ được bình tĩnh, gắt:
- Con ăn nói kiểu gì vậy hả?
- Dạ, con có nói gì đâu bố? Cậu con vẫn vô tư
trả lời.
Vì mới đi xa về nên anh San không muốn quá căng thẳng nên im lặng. Thế nhưng, sau bữa ăn tối, vừa buông bát, cô con gái đang học lớp 12 đứng dậy:
- Con xin lỗi bố, con pho ghét (forget - quên) hôm nay có buổi sinh hoạt chi đoàn, con phải gâu ao (go out - ra ngoài) đây. Chúc bố ngủ ngon nhé, bai bai.
Anh San lắc đầu ngán ngẩm, còn chị Hoa - vợ anh an ủi: Bọn trẻ bây giờ nó vậy mình ạ, chấp chúng nó làm gì.
Viết thư gửi Người Xây Dựng, anh San chia sẻ: Không phải là chấp hay không chấp bọn trẻ, mà vấn đề ở chỗ, việc sử dụng ngôn ngữ một cách tùy tiện làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, thậm chí ảnh hưởng tới văn hóa, lối sống. Chuyện tưởng nhỏ nhưng không nhỏ và rất đáng để suy ngẫm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.