Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện kể bên nhà sàn Bác Hồ

ANHTHU| 19/05/2008 09:01

Câu chuyện dưới đây được ghi theo lời kể của đồng chí Cù Văn Chước (1928-2007), nguyên Trưởng phòng Văn thư Văn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, người được giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức xây dựng ngôi nhà sàn tại Phủ Chủ tịch. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 118 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm ngày Bác Hồ ở và làm việc tại ngôi nhà sàn trong Phủ Chủ tịch (5/1958-5/2008), báo Hànộimới xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Khách tham quan nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh.

LTS:Câu chuyện dưới đây được ghi theo lời kể của đồng chí Cù Văn Chước (1928-2007), nguyên Trưởng phòng Văn thư Văn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, người được giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức xây dựng ngôi nhà sàn tại Phủ Chủ tịch. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 118 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm ngày Bác Hồ ở và làm việc tại ngôi nhà sàn trong Phủ Chủ tịch (5/1958-5/2008), báo Hànộimới xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tôi tham gia cách mạng từ năm 1946 và theo suốt hành trình kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cuối năm 1956 đang là Chủ nhiệm cung cấp của Tổng đội thanh niên xung phong tôi được cấp trên điều chuyển về nhận nhiệm vụ mới ở Văn phòng Chủ tịch nước. Sau mấy tháng phụ trách Nhà khách Phủ Chủ tịch, anh Phan Mỹ, phụ trách văn phòng và anh Vũ Kỳ, thư ký của Bác chuyển tôi sang làm việc tại phòng văn thư, trực tiếp phục vụ Bác trong công việc và đời sống hàng ngày. Phòng văn thư là đơn vị duy nhất của Văn phòng Chủ tịch nước lúc đó đến ngày Bác qua đời (9-1969). Cán bộ thuộc phòng văn thư số lượng trên dưới chục người làm mọi công việc liên quan đến sự điều hành đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Văn phòng tiếp nhận, phân loại, chuyển giao tài liệu tới các cơ quan có trách nhiệm, theo dõi đôn đốc các công việc liên quan, trình Bác để trả lời yêu cầu của các bộ, ngành, các địa phương, trực ban, làm vườn, nấu bếp, lái xe... Phòng văn thư còn trực tiếp phục vụ Bác làm việc, hội họp và tiếp khách. Bác Hồ không có gia đình riêng, phục vụ Bác trong công việc và sinh hoạt thường ngày đều do văn phòng đảm nhiệm. Mấy anh em chúng tôi, trừ một số ít có gia đình ở Hà Nội, số còn lại có vợ con ở quê, một vài người chưa lập gia đình thì ở luôn trong cơ quan nay là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Lúc tôi nhận nhiệm vụ tại phòng văn thư, Bác Hồ đang ở ngôi nhà một tầng phía bên trái Phủ Chủ tịch, gần sát hồ nước. Nay gọi là nhà 54. Ngôi nhà đó xây gạch, sàn nhà lát bằng gỗ, vốn là nhà nghỉ tạm của những công nhân trực điện phục vụ Phủ toàn quyền cũ. Khi Bác đến ở nhà này, máy phát điện dự phòng đã dọn đi nhưng trên nền rải sỏi cuội quanh gốc bàng vẫn còn nhiều vết dầu máy vương lại loang lổ, anh em chúng tôi bảo nhau dọn sạch hết. Tôi nhớ khoảng cuối năm 1957, việc làm một ngôi nhà khác để Bác ở được đặt ra. Khi chọn đất làm nhà, có ý kiến đề nghị lấy luôn khoảng đất khá rộng lúc đó là ruộng thí nghiệm trồng thử những giống lúa năng suất cao. Khu ruộng này nằm ở chếch phía trái nhà 54, bên kia hồ nước, chỗ vườn quả ngày nay. Nhà làm ở đó sẽ thoáng, thưa cây cao và có nhiều ánh sáng mặt trời, đất bằng phẳng nên dễ thi công hơn. Biết vậy, Bác nói với anh em văn phòng cứ để nguyên đất đó trồng lúa và còn nhắc khi chọn được giống nào năng suất cao, hợp với khí hậu, hợp với đất trồng thì đem ra nhân đại trà ngay để nông dân có đủ ăn.

Ít lâu sau, Bác trực tiếp chọn khoảnh đất chỗ làm nhà sàn hiện nay. Khoảnh đất này lúc đó cây cỏ mọc đầy, có chỗ cỏ lau mọc cao hơn đầu người, che khuất tầm nhìn. Văn phòng và anh em cảnh vệ cùng đơn vị công an vũ trang chặt cỏ phát quang cả khu vực. Bác bận nhiều việc nhưng đôi lần Bác tranh thủ ra cùng làm và động viên anh em. Việc thiết kế ngôi nhà được giao cho anh Nguyễn Văn Ninh (1908-1975), quê ở Đông Kinh, Lạng Sơn, kiến trúc sư tốt nghiệp trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương làm việc ở Cục Thiết kế kiến trúc đảm nhiệm. Anh Ninh được Bác mời vào gặp. Bác nêu ý kiến muốn làm một căn nhà gỗ có cầu thang ở một đầu hồi theo kiểu nhà sàn của đồng bào Việt Bắc. Bác còn dặn anh Ninh nhà đặt theo hướng nhìn ra hồ nước nuôi cá trước mặt, nhà phải có hành lang, kích thước của cầu thang, độ cao của nhà sao cho thoáng. Bác nhắc anh Ninh dùng loại gỗ bình thường để làm, chỉ cốt lấy chắc là được. Sau buổi làm việc và ra “đề bài” của Bác, anh Ninh thiết kế tầng trên nhà sàn có 3 gian trình xin ý kiến của Bác. Bác xem bản thiết kế và nói: Nhà sàn của đồng bào chỉ có 1 gian.Anh Ninh về sửa lại. Đến lúc duyệt thiết kế, Bác đồng ý cho làm tầng trên 2 gian “để chú Tô cùng ở với Bác”.Sau này, do công việc khác nhau, sinh hoạt gia đình riêng khác cuộc sống độc thân của Bác, Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn ở ngôi nhà phía ngoài nhà sàn, nhưng Bác và gia đình Thủ tướng vẫn cùng ăn chung một bếp do hai đồng chí Đinh Văn Cẩn, Đặng Văn Lơ trực tiếp phục vụ trong đó đồng chí Cẩn là bếp trưởng chịu trách nhiệm chính. Mãi đến tháng 7-1969, lúc Bác mệt nhiều, cần có chế độ chăm sóc riêng, nhà bếp mới tách anh Lơ tiếp tục sang phục vụ Thủ tướng.

Theo thiết kế, nhà sàn có chiều dài hơn 10m, chiều rộng hơn 6m, trừ phần làm hành lang và cầu thang, hai phòng tầng trên mỗi phòng có diện tích chừng hơn 10m. Giá sách đặt chìm ở vách ngăn giữa phòng làm việc và phòng ở tầng trên, bệ xi măng lót mặt gỗ để làm ghế ngồi ở tầng dưới là sáng kiến riêng của Bác sau khi đã chuyển về ở nhà sàn một thời gian mới làm thêm. Ngôi nhà được thi công trong hơn 1 tháng, từ đầu tháng 4-1958 đến giữa tháng 5-1958 mới hoàn thành. Việc thi công giao cho đơn vị bộ đội thuộc Cục Doanh trại của Tổng cục Hậu cần quân đội. Đội có trên 30 thợ do anh Nguyễn Kim Toàn là đội trưởng. Khi làm nhà, cũng có đôi lần sau giờ làm việc Bác sang xem. Thời gian thi công, tôi (Cù Văn Chước) được giao trực tiếp tổ chứccông việc và anh Tăng Văn Dong, đội 1 đơn vị cảnh vệ lo việc bảo vệ công trình. Chúng tôi cùng anh Ninh và đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ để ngôi nhà sớm được hoàn thành. Lúc đó, mọi người chỉ tâm niệm một điều làm sao để ngôi nhà làm ra hợp với ý Bác, Bác hài lòng là chúng tôi sung sướng lắm. Tôi nhớ ngày 15-5 ngôi nhà hoàn thành, đúng dịp sinh nhật Bác. Hai ngày sau, 17-5-1958 Bác chuyển sang chỗ ở mới. Bác nhắc văn phòng thu xếp mời toàn thể đơn vị thi công đến cho Bác gặp để “Cám ơn anh em đã giúp làm nhà cho Bác”. Ngày 18-5-1958, tất cả anh em trực tiếp tham gia làm nhà sàn được gặp Bác, cùng được nghe lời Bác cám ơn “Các chú đã giúp Bác làm xong ngôi nhà”. Phấn khởi nhất là được chụp ảnh cùng Bác.

Phía trước ngôi nhà, ở thanh ngang sàn gỗ tầng trên có gắn một tấm biển đá trắng nhỏ đề ngày 17-5-1958, đó là ngày Bác dọn đến ở. Anh Ninh thiết kế tấm biển xong đưa cho tôi trình để xin ý kiến Bác. Bác đồng ý rồi mới làm. Vì vậy, biển gắn vài ngày sau khi Bác đến ở là thế. Cũng ngày 17 đó, mười một năm ba tháng sau, vào ngày 17-8-1969, khi khám bệnh, do có những biểu hiện bệnh lý của tim, bác sỹ đề nghị Bác Hồ không được lên xuống cầu thang ở nhà sàn nữa. Cũng từ đó, đến 2-9-1969, Bác không có dịp trở lại nhà sàn.

Sinh thời, ngôi nhà sàn đó Bác chỉ để ở, làm việc, tiếp khách... Bộ Chính trị dưới sự điều hành của Bác có một số cuộc họp ở tầng dưới nhà sàn. Các sinh hoạt thường ngày khác vẫn ở nhà 54. Có lần Bác mệt, trời lại mưa, nhà bếp đề nghị đưa cơm sang nhà sàn nhưng Bác không đồng ý. Người nói: Để Bác tự đi, tự rèn luyện. Cũng với tinh thần đó, Bác đưa ra kế hoạch tự rèn luyện sức khỏe đi thăm đồng bào miền Nam. Từ năm 1965, hàng ngày Người tập đi bộ trong khu vực phía sau Phủ Chủ tịch. Bác muốn thực hiện ý định đi thăm đồng bào miền Nam khi chúng ta chưa thắng lợi hoàn toàn vì theo Bác “đi thăm lúc đó mới có tác dụng động viên, khuyến khích thêm anh em”. Con đường để Bác tự tập luyện này được bắt đầu từ phía sau nhà sàn, vòng theo tường bảo vệ rồi trở lại nhà sàn. Bác đi hàng ngày sau thành một lối đi nhỏ gọi là Đường mòn Hồ Chí Minh. Một lần, buổi chiều Bác đang tập đi bộ thì Bác Tôn Đức Thắng sang thăm. Bác Tôn đứng chờ một lúc ở đầu nhà sàn, Bác Hồ đi bộ về tới nơi, hai Bác sóng vai nhau cùng đi và nói chuyện. Cả hai mái đầu, tóc đều bạc phơ.

Những năm 1960, tôi được giao nhiệm vụ trực tiếp đọc báo, làm tin phục vụ Bác. Vì vậy, trước lúc Bác nghỉ trưa, nghỉ tối, trừ những ngày Bác đi công tác, dưỡng bệnh, tôi đều sang nhà sàn, lên phòng Bác ở để làm nhiệm vụ của mình. Tôi thường ngồi ngay sàn gỗ để đọc tin, đọc báo phục vụ Bác. Nhiều lần, có việc đột xuất, buổi trưa hay chiều muộn, khi tôi đang làm tin ở nhà sàn, các anh Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Lê Đức Thọ... còn từ cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng ở bên đường Nguyễn Cảnh Chân sang báo cáo Bác ở tầng trên nhà sàn. Tôi nhớ, tối ngày 5-7-1967, tôi làm làm tin phục vụ Bác thì anh Nguyễn Chí Thanh sang nhà sàn chào Bác để hôm sau lên đường vào chiến trường sớm. Bác và anh ngồi nói chuyện ngay giường ngủ của Bác. Không ngờ đêm đó, anh đột ngột trở bệnh phải cấp cứu. Nghe tin, Bác Hồ nói với bác sỹ Nhữ Thế Bảo và văn phòng mang ngay thuốc riêng của Bác sang Bệnh viện 108 cấp cứu cho anh Thanh. Lễ tang anh Thanh tổ chức ở Câu lạc bộ Quân đội, Bác đến viếng và Người đã khóc. Tôi cũng không ngờ mình lại là người chứng kiến lần cuối cùng, ở ngôi nhà sàn, Bác Hồ gặp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Khi Bác đi xa, ngôi nhà sàn vẫn được giữ nguyên như lúc Bác ở. Đầu nhà phía cầu thang vẫn để chiếc ghế mây dài Bác nghỉ lưng, ba chiếc điện thoại và chiếc mũ sắt phòng không của Bác. Phía bên đầu kia của nhà sàn, vẫn nguyên bể cá vàng Bác cho đặt để lấy chỗ cho các cháu thiếu nhi chơi. Hồ cá Bác cho thả để cải thiện bữa ăn, hàng dâm bụt, những cây hoa mộc, hoa dạ hương, cây cam, cây bưởi... Bác cho trồng quanh nhà vẫn được giữ gìn và chăm sóc như khi Bác ở. Nhớ thương Bác, theo yêu cầu của nhân dân và bạn bè quốc tế, từ năm 1970, nhà sàn Bác Hồ đã đón khách vào thăm. Năm 1975, nhà sàn Bác Hồ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng. Mỗi năm nhà sàn Bác Hồ đón hàng triệu lượt khách đến thăm và cảm nhận sự giản dị mà trí tuệ của Bác trong một khung cảnh thiên nhiên gần gũi. Nhà sàn nơi Bác Hồ ở chứa bao nguồn cảm xúc. Ở đây không còn giới hạn là nơi ăn chốn ở thông thường mà đã là một phần của con người Bác, một phần của cuộc đời Bác và chính ngôi nhà sàn đã góp phần tạo nên tên tuổi của Người anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất: Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với tôi, khi đang công tác hay đã nghỉ hưu, dù đã gần 80 tuổi, mỗi lần vào “Cõi Bác” tôi vẫn thấy bâng khuâng nhớ Bác vô cùng. Tôi vẫn như thấy bóng dáng Bác đi trên con đường rải sỏi, như vẫn đang được làm tin, làm báo phục vụ Bác. Nhất là những lúc sau giờ làm việc buổi chiều, tôi bỗng như nghe tiếng Bác gọi “Cúc cu” - Đó là “ngôn ngữ” riêng Bác quy ước để gọi anh em chúng tôi mỗi khi có việc. Và nhất định liền sau đó là tiếng đáp “Dạ, thưa Bác” của bất kỳ ai lúc đó đang ở gần nhà sàn Bác nhất. Chúng tôi làm như vậy vì Bác đã dặn: Mỗi người đều có công việc của mình. Bác làm việc của Bác. Các chú làm việc của các chú. Khi cần Bác sẽ gọi.

Nguyễn Khánh Anh ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện kể bên nhà sàn Bác Hồ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.