(HNMCT) - Nhiều người biết đến Huy Cận (tên đầy đủ là Cù Huy Cận) với tư cách là một nhà thơ nổi tiếng, một chính khách từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng như Bộ trưởng Bộ Canh Nông (nay là Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, tác giả của những vần thơ "Lửa thiêng" cũng chính là người đã ký Nghị định thành lập Học viện An ninh nhân dân năm 1946.
Học viện An ninh nhân dân được thành lập ngày 25-6-1946 theo Nghị định số 215/NV-NĐ và ngày này cũng trở thành ngày truyền thống của đơn vị. Thật thú vị khi chúng tôi được biết người ký Nghị định đó lại là một nhà thơ nổi tiếng - nhà thơ Huy Cận, lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Bộ Nội vụ được giao quản lý ngành Công an ở thời điểm đó).
Không chỉ có vậy, những năm đầu của chính quyền cách mạng non trẻ, nhà thơ Huy Cận còn liên quan đến nhiều sự kiện của lực lượng Công an.
Cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 80-SL ngày 31-12-1945, trong đó có cử ông Cù Huy Cận vào Ban Thanh tra đặc biệt. Ban này có toàn quyền “Điều tra, hỏi chứng, đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi (Sắc lệnh số 64-SL ngày 23-11-1945). Và cũng chính nhà thơ Huy Cận với cương vị thành viên Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã đại diện cho ngành Công an trả lời chất vấn về công tác của ngành Công an và vụ án Ôn Như Hầu trong phiên chất vấn đầu tiên của lịch sử Quốc hội và lịch sử ngành Công an vào ngày 31-10-1946 (Theo "Biên bản kỳ họp lần thứ 2 Quốc hội khóa I").
Với chuyên án ở phố Ôn Như Hầu, theo cuốn “Hồi ký song đôi”, nhà thơ Huy Cận kể về việc ông đã cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng - quyền Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ sau khi ra chỉ thị cho Công an truy lùng bọn phản động, lưu manh đã đến "hắc điếm" Ôn Như Hầu kiểm tra các chứng cứ về âm mưu lật đổ chính quyền cũng như bắt cóc tống tiền, thủ tiêu nạn nhân.
Dưới đây là trích đoạn phần trả lời đanh thép của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cù Huy Cận: “Có mấy đại biểu Quốc dân đảng bị bắt như ông Lê Ninh, Hoàng Ngọc Bách, Phan Kích Nam, Vũ Đình Tri đều có tài liệu rõ ràng. Những ông này trước khi bắt được hỏi ý kiến Ban Thường trực Quốc hội và đã được thỏa thuận. Tất cả những người này đã can vào tội trực tiếp hay gián tiếp dự vào các cuộc bắt cóc tống tiền như vụ Ôn Như Hầu”.
Ông Cù Huy Cận còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời giao phụ trách vấn đề giúp đỡ nước bạn Lào. Theo "Biên bản họp Hội đồng Chính phủ năm 1945" và cuốn "Hồi ký song đôi" của nhà thơ Huy Cận, ông được Chính phủ ủy nhiệm giúp đỡ bí mật cho cách mạng Lào, thông qua đại diện là Hoàng thân Suphanuvông để tổ chức kháng chiến. Chính phủ Việt Nam lúc đó đã giúp vũ khí trị giá 4.000 đồng tiền Đông Dương và giao cho tỉnh Quảng Trị giúp 2 tiểu đội đi theo Hoàng thân Suphanuvông sang Lào. Có thể nói, Huy Cận là người đầu tiên được Chính phủ giao thực hiện công tác an ninh tình báo đối ngoại - giúp đỡ bí mật cho cách mạng nước ngoài.
Có thể thấy, nhà thơ Huy Cận quả thật có duyên với ngành Công an và để lại những dấu mốc đặc biệt với 3 sự kiện đầu tiên của ngành Công an: Ông là người đầu tiên thực hiện chức năng của một “Điều tra viên cao cấp nhất”; ông là người ký văn bản thành lập các trường, lớp huấn luyện công an đầu tiên; và ông là người đầu tiên đại diện cho ngành Công an trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn đầu tiên của lịch sử Quốc hội.
Trao đổi với ông Cù Thu Anh, con trai nhà thơ Huy Cận, hiện là Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, chúng tôi được biết thêm, sau này với cương vị Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ, Bộ trưởng đặc trách công tác Văn hóa nghệ thuật..., nhà thơ Huy Cận còn có nhiều dịp làm việc, phối hợp với ngành Công an, với các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an mà thường xuyên là những vị tướng phụ trách lĩnh vực an ninh văn hóa, chính trị nội bộ như tướng Dương Thông, Quang Phòng, Khổng Minh Dụ... Nhưng ông vẫn luôn tự hào khi nhắc lại những năm tháng trực tiếp gắn bó với ngành Công an thời kỳ bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ những năm 1945 - 1946, đặc biệt là ký Nghị định 215/NV-NĐ hình thành các trường lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ công an cách mạng.
Với những đóng góp của mình vào sự nghiệp cách mạng của đất nước và dân tộc, nhà thơ Huy Cận đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.