(HNMCT) - Đã đưa bạn đọc đi dọc, đi ngang, đi xuyên khám phá Hà Nội hay đếm 5.678 bước chân quanh hồ Gươm, mới đây nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến mang đến cho độc giả những lát cắt về một Hà Nội ngoại ô trong cuốn sách mới nhất: “Dọc ngang Ba Vì” (NXB Hội Nhà văn, 2023).
Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, từ xưa đến nay, vì những mục đích khác nhau, các quốc gia vẫn diễn ra việc phân chia lại địa giới hành chính, và Việt Nam không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, hiếm có vùng đất nào nay tách mai nhập nhiều như xứ Đoài. Dù địa giới hành chính liên tục thay đổi nhưng văn hóa, lối sống, phong tục, tập quán của Ba Vì cơ bản vẫn tiếp nối truyền thống.
Không đi sâu vào lịch sử, địa dư, văn hóa dân gian, “Dọc ngang Ba Vì” kể những câu chuyện xưa và nay còn ít được biết tới, giúp bạn đọc hiểu thêm về vùng đất “Sơn kỳ, Thủy tú, Nhân hòa”. Đó là một Ba Vì “núi Tổ của nước Nam” với hành trình khám phá bí ẩn Đền Thượng, chiêm ngưỡng mây Ba Vì ảo diệu, và đi tìm câu trả lời tại sao không phải Tam Vì mà là Ba Vì? Núi Ba Vì được coi là nóc nhà của Hà Nội, nhưng khác với nóc nhà Đông Dương ở Lào Cai, nóc nhà Hà Nội rất thiêng.
Đó là một Ba Vì với “sông Tổ uốn quanh”, với “sông Tích giăng lụa mênh mông”, với những bến đò ngang, những cây cầu, với những công trình hồ Suối Hai “nhân dân sáng tạo hồ trong/ mà cho trăm đỉnh ghen cùng Tản Viên”, hồ Đồng Mô - một trong rất ít hồ nhân tạo đẹp nhất Việt Nam.
Đó là một Ba Vì mà sản vật đặc sắc không chỉ có mía, mà còn có củ mài Bất Bạt, lụa trắng Cổ Đô, các loài cây quý, hiếm, lạ như hoàng thảo, vô phong, đa đá lệch và rừng Ba Vì còn được gọi là “vườn thuốc tự nhiên”. Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, Hà Nội hôm nay trùng trùng nhà cao tầng, và tương lai sẽ còn thêm nữa, dân số cũng sẽ liên tục tăng, nếu không có rừng Ba Vì lọc không khí ô nhiễm và nhả ô xy thì Hà Nội có thể sẽ "khó thở".
Đưa độc giả đến thăm cộng đồng các dân tộc Ba Vì, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến thong thả kể chuyện về những người phụ nữ anh hùng, về người Mường họ Nguyễn họ Đinh, về người Dao Quần chẹt, về “mảnh đất có nhiều cái đầu tiên” với làng chài đầu tiên bỏ sông lên bờ, những đồn đầu tiên ở miền Bắc, xứ sở cà phê đầu tiên. Còn “Ba Vì mạn chuyện” mang đến những câu chuyện lý thú về “Đền thờ Bác Hồ”, “Khu di tích Đá Chông”, “Thanh niên Tòng Bạt vật tay với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, “Hàng xóm” của Thánh Tản Viên”, “Phục hồi khu nghỉ dưỡng từ phế tích”...
Văn hóa Ba Vì phong phú và đặc sắc, không thể không nhắc trong “Dọc ngang Ba Vì”. Theo tác giả, Ba Vì xưa thuộc xứ Đoài, vùng đất cổ, lại là nơi cư trú của người Mường, người Kinh nên có nhiều cổ tục lạ. Văn hóa dân gian của người Mường Ba Vì rất phong phú, ẩm thực Mường cũng rất độc đáo. Ba Vì có nhiều nhà cổ, đình cổ - là chỉ dấu về thế giới quan của người Việt xưa, là tài sản quý về nghệ thuật kiến trúc chạm khắc trên gỗ.
Kể những câu chuyện còn ít được biết đến về vùng đất cách trung tâm Thủ đô vài chục cây số, “Dọc ngang Ba Vì” rõ sức hút với những ai yêu mến Hà Nội và thích tìm hiểu về Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.