Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển hóa tâm huyết của cử tri thành động lực phát triển

Mai Hữu| 20/10/2022 06:07

(HNM) - Sáng nay (20-10), kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri trước kỳ họp cho thấy, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chủ động lắng nghe, tiếp thu nghiêm túc, bảo đảm các ý kiến tâm huyết của cử tri được gửi đến Quốc hội. Từ đó chuyển hóa thành những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường quản lý nhà nước, tạo động lực phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và chuyên gia, cử tri trao đổi bên lề hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố và lấy ý kiến góp ý Luật Đất đai (sửa đổi), tháng 8-2022.

Chủ động lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri

Từ đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tư, với việc dịch Covid-19 đã được kiểm soát, lần đầu tiên từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã trực tiếp tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã, thay vì tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp trực tuyến như trước đây. Trong đó, đa số các hội nghị tiếp xúc cử tri được tổ chức tại các xã, phường, thị trấn; đặc biệt, cử tri vùng xa, vùng đồng bào dân tộc như xã Thụy An (huyện Ba Vì), xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) cũng được trực tiếp gặp gỡ, kiến nghị với đại biểu Quốc hội. Cử tri Kiều Quang Huấn (huyện Thạch Thất) cho rằng, việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại xã cho thấy sự sâu sát, gần gũi, tạo điều kiện cho nhân dân ở cơ sở được bày tỏ trực tiếp ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng đến đại biểu dân cử.

Ngoài ra, nhằm thông tin kịp thời đến cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tập trung đăng tải trên trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin cơ sở về nội dung liên quan đến kết quả giải quyết kiến nghị cử tri tại kỳ họp trước và một số kiến nghị của cử tri quan tâm, cũng như những nội dung liên quan đến kỳ họp thứ tư để nhân dân nắm bắt. Qua đó, tại các hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tư, cử tri Thủ đô bày tỏ đánh giá cao Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nói chung, các đại biểu Quốc hội nói riêng đã tích cực chuyển tải kiến nghị, nguyện vọng của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Từ đó, kinh tế - xã hội trên địa bàn ngày càng phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Bên cạnh đó, từ sau kỳ họp thứ ba, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề, khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến các dự án luật đang và sắp được Quốc hội xem xét, cho ý kiến như Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai (sửa đổi), thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của hàng nghìn chuyên gia, nhà khoa học, cử tri Thủ đô.

Ngoài ra, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đánh giá, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, tham gia đầy đủ và đóng góp nhiều ý kiến tại các cuộc giám sát. Những nội dung giám sát chuyên đề được thực hiện đồng bộ trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, các vấn đề an sinh được cử tri quan tâm. Trong năm 2022, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã phối hợp tổ chức nhiều đoàn giám sát chuyên đề của các Ủy ban của Quốc hội về giám sát tại thành phố Hà Nội. Đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tham gia tích cực cùng các đoàn khảo sát do các tổ giúp việc Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về khảo sát tại thành phố Hà Nội trước khi tổ chức làm việc chính thức với thành phố.

Kiến nghị những vấn đề cấp thiết

Có thể khẳng định, thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV trên địa bàn thành phố Hà Nội, cử tri bày tỏ đặc biệt quan tâm đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tiên tại kỳ họp thứ tư. Trong đó, cử tri đánh giá cao dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, đồng thời đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai một cách chặt chẽ, sát với thực tế, bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Cử tri Vũ Đức Diện (quận Bắc Từ Liêm) đề nghị quá trình soạn thảo, xem xét dự thảo luật cần quan tâm các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm nguyên tắc thu hồi đất, chú trọng xem xét quy định khi đã xác định bỏ khung giá đất, thực hiện các dự án thu hồi đất... Còn cử tri Phạm Văn Trung (quận Long Biên) đề nghị cần quan tâm đến chính sách bồi thường đất vườn, đất ao; xác định giá đất ở đô thị khi thu hồi đất; chính sách tái định cư... khi thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án.

Đánh giá kinh tế đất nước đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên hiện đang có tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc, cử tri Trần Văn Tiến (huyện Ba Vì), cử tri Nguyễn Anh Dũng (quận Đống Đa) cho rằng, một trong những nguyên nhân là việc chậm cải cách tiền lương và tăng lương cho công chức, viên chức nói chung và cán bộ, công chức cơ sở nói riêng. Cử tri Thủ đô cũng bày tỏ kiến nghị Quốc hội xem xét thực hiện cải cách tiền lương, tăng lương cho cán bộ, công chức ngay tại kỳ họp lần này.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, điều chỉnh chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) nhằm cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, về cơ chế tài chính, tự chủ trong y tế, giáo dục… để sớm giải quyết căn cơ, dứt điểm tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư y tế, thiếu trang thiết bị phục vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cử tri và nhân dân cũng đề nghị nghiên cứu đưa giá sách giáo khoa vào danh mục do Nhà nước quản lý giá…

Ngoài ra, cử tri và nhân dân Thủ đô đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tham mưu để Đảng, Nhà nước chỉ đạo sơ kết bước đầu Nghị quyết số 29-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế. Nếu cần thiết có sự điều chỉnh để bảo đảm mục tiêu Trung ương Đảng đề ra, nhất là những vấn đề liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa, xã hội hóa, tự chủ đại học cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Cử tri cũng kiến nghị với Đảng, Nhà nước tiếp tục tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham ô, tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước; khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; có hình thức phù hợp biểu dương, động viên những tấm gương tiêu biểu dám dấn thân vào nơi khó khăn, đương đầu với việc khó vì lợi ích chung…

Thông qua 28 buổi tiếp xúc cử tri trực tiếp trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV và các hội nghị tiếp xúc cử tri, khảo sát chuyên đề, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai khẳng định, bên cạnh việc tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội giải quyết theo thẩm quyền, các ý kiến, kiến nghị của chuyên gia, nhà khoa học, cử tri đã giúp Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đánh giá khách quan công tác triển khai thực hiện quy định, chính sách pháp luật liên quan đến các dự án luật đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Từ đó, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tiếp thu, tổng hợp đầy đủ ý kiến để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo luật tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Các ý kiến, nguyện vọng của cử tri thành phố Hà Nội gửi đến kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đều là những vấn đề cấp thiết đang đặt ra đối với đất nước. Mong rằng, Quốc hội cùng các cấp, ngành sớm có biện pháp giải quyết hiệu quả, đưa Thủ đô, đất nước phát triển mạnh mẽ trong năm 2023 và những năm tiếp theo, tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, các đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Theo chương trình làm việc, trong phiên khai mạc kỳ họp, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến sẽ trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV...

Phiên khai mạc sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Dự kiến, chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội trong thời gian 21 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 15-11-2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển hóa tâm huyết của cử tri thành động lực phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.