Nông thôn mới

Chuyện giữ nghề nơi “xứ mây” Phú Vinh

Bài và ảnh: Giang Thanh 18/03/2024 - 06:10

Cũng chẳng ngoa khi gọi làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là “xứ mây”. Một phần bởi làng nghề đã có thâm niên hơn 400 năm lịch sử, phần khác vì nơi đây là xứ sở của mây tre, là nơi quy tụ những “bàn tay lụa” khéo léo bậc nhất Hà Nội.

Ở Phú Vinh, sức sống làng nghề được tạo thành từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của những người làm nghề.

lang-nghe.jpg
Bằng tình yêu với nghề, những nghệ nhân làng nghề mây tre đan Phú Vinh đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới phù hợp với thị trường.

Những “kỹ nghệ” chỉ có ở Phú Vinh

Hà Nội là nơi quy tụ số lượng làng nghề lớn nhất cả nước và Phú Vinh cũng có chỗ đứng nhất định trong “bản đồ” đó. Gần đây, người ta biết đến Phú Vinh nhiều hơn khi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội nói đến sản phẩm lồng bàn “màn tuyn” có giá bạc triệu của vợ chồng ông Trần Văn Khá và bà Nguyễn Thị Tiến. Chiếc lồng bàn ấy được làm tinh xảo đến mức sợi mây đan kết nên nó mỏng và mềm mại tựa như sợi tơ.

Cũng bị thu hút bởi câu chuyện trên, song chỉ khi thực sự đặt chân đến làng nghề tôi mới nhận rõ sức sống mạnh mẽ của “xứ mây”. Tại đây, câu nói của người xưa truyền lại “Yêu nghề thì nghề chẳng phụ”, có lẽ chẳng sai. Chẳng thế mà dù đã trải qua sự biến thiên của thời gian, giờ đây nghề mây tre vẫn có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Nhắc chuyện nghề, nhắc đến thương hiệu Phú Vinh của làng, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Mây tre Phú Vinh chia sẻ, “bí quyết” để sức sống nơi đây không lụi tàn hoàn toàn xuất phát từ việc những người làm nghề chăm chút và làm ra sản phẩm bằng trái tim yêu nghề. Mỗi sản phẩm nơi đây, từ cái nơm, cái vó, cái mủng, cái giỏ xưa kia và đến nay là những chiếc lồng bàn, bức tranh, túi xách làm từ mây tre đều kết tinh sức sáng tạo, sự cần cù của người làng. Sự bền bỉ bám nghề và sáng tạo không ngừng ấy đã giúp nhiều thế hệ người làng trụ được với nghề truyền thống.

Theo các cao niên trong làng kể, nghề mây tre đan có ở nơi đây từ những năm 1700. Làng Phú Vinh ban đầu có tên Phú Hoa Trang, dịch nôm thì còn có ý là ngôi làng được trời phú cho người dân có bàn tay khéo léo. Vào năm 1800, Phú Hoa Trang đổi tên thành làng Phú Vinh. Có người cắt nghĩa cái tên đó là phú quý và vinh hiển, nhưng có người lại cho rằng tên gọi Phú Vinh là chỉ hậu vận, sự đi lên và trường tồn của làng nghề.

Không rõ tích làng, tên gọi và các mốc lịch sử được lưu truyền có thực sự chuẩn xác hay chỉ là ước lượng. Thế nhưng, cho đến nay, có một điều không thể phủ nhận là những người sinh ra ở mảnh đất này đều có tố chất đặc biệt về đan lát. Có gia đình đã vài thế hệ liền theo nghề, hoặc các anh chị em đều làm nghề. Cha truyền con nối, dần dần nghề mây tre đan trở thành nghề truyền thống của làng.

Nghề đan lát cũng có khuôn mực của nó. Chẳng hạn, để làm ra một sản phẩm tốt thì không thể thiếu khâu phơi sấy và chẻ mây. Chẻ mây, thoạt nghe tưởng chừng đơn giản, chỉ cần kề con dao nhỏ là có thể tách sợi. Ấy nhưng không, đây là khâu đòi hỏi sự tỉ mẩn, công phu. Nếu chẻ cây mây nhỏ làm tư, làm sáu thì chẻ cây to hơn sẽ làm bảy hoặc chín sợi. Khi mây được chẻ xong, loại sợi nhỏ có thể dùng để làm những loại hàng quý, sợi to dùng để đan cạp, gia cố sản phẩm.

Khi đã có nguyên vật liệu thì còn cần kỹ thuật đan, cài để tạo nên sản phẩm. Với những người làm nghề, có một quy luật bất thành văn khi đan những sản phẩm như dần, thúng bằng tre là nếu người thợ đã đan lóng mốt thì chỉ được bắt nan lóng mốt, đan lóng đôi chỉ được bắt đều lóng đôi. Nếu bắt sang lóng ba, lóng tư là sản phẩm bị lỗi. Với đan mây cũng vậy, khi đan chân dung, đã bắt năm thì phải đè năm, không thể chểnh mảng bắt sáu hoặc bốn... Dĩ nhiên, đó là những kỹ thuật cơ bản, với những người hành nghề lâu năm thì việc đan cũng tựa như họa sĩ ngồi vẽ tranh vậy. Chỉ qua hai màu trắng và đen của sợi mây, những nghệ nhân sẽ không bị bó hẹp trong các kỹ thuật cơ bản mà họ sẽ sáng tạo để làm nên những nét chân dung, những hình ảnh núi đồi trập trùng phóng khoáng và đẹp đẽ.

lang-nghe-1.jpg
Một số sản phẩm mây tre đan của làng nghề Phú Vinh.

Tìm hướng ra mới cho sản phẩm

Làng Phú Vinh nổi tiếng với các sản phẩm mây tre đan đẹp mắt, tinh xảo với hàng trăm mẫu mã, thể loại khác nhau. Không chỉ làm ra những vật dụng gia đình, mộc mạc đậm chất làng quê như khay, đĩa, rổ, rá..., người làm nghề còn sáng tạo và phát triển sâu những sản phẩm nội thất, đồ trang trí như bàn ghế, bình hoa, chao đèn...

Làng nghề bây giờ phát triển nhưng không phải ai cũng biết Phú Vinh cũng từng có những quãng trầm. Người xưa thường ví “Hay làm nghề hát, mạt làm nghề đan” để nói lên nỗi vất vả nhọc nhằn, lấy công làm lãi của nghề đan lát. Hơn hết, khi các sản phẩm bằng nhựa xuất hiện trên thị trường thì cũng là lúc người dân Phú Vinh bước vào quãng trầm của nghề. Có những gia đình phải bỏ nghề vì bỗng chốc sản phẩm làm ra không được chuộng, đời sống kinh tế bấp bênh. Nhắc chuyện này, bà Nguyễn Thị Hiên, người có thâm niên hơn 30 năm đan lát cho biết, từ nhỏ bà cũng như anh chị em trong nhà đều được tiếp xúc với những sợi mây, được ông bà, cha mẹ chỉ dạy cách đan lát. Cứ vậy, bà thầm lặng bám nghề. Bà rút ra rằng, dù đầu ra của sản phẩm làng nghề đôi lúc khó khăn song nhiều người vẫn bền bỉ và bám nghề đến tới bây giờ. Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường, đặc biệt là nhu cầu của thị trường quốc tế, các doanh nghiệp làng nghề của Phú Vinh đã bắt đầu hướng đến sản xuất những dòng sản phẩm chuyên biệt.

Sự chuyển mình của làng nghề Phú Vinh gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường, kết nối với khách hàng. Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung chia sẻ, hiện nhiều gia đình đã biết đẩy mạnh kênh bán hàng qua mạng bằng việc lập trang Facebook, trang web để nhiều người tìm đến mua dễ dàng hơn. Đặc biệt, các nghệ nhân làng Phú Vinh cũng tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ, lễ hội để quảng bá sản phẩm. Chính sự thích nghi nhanh nhẹn đó đã giúp thương hiệu làng nghề ngày một vươn xa.

Ngoài những điều kể trên, có một điều khác nữa mà tôi tâm đắc khi đến Phú Vinh, đó là sự tâm huyết, lòng say nghề và “đôi bàn tay lụa” của nghệ nhân. Nhìn nghệ nhân Nguyễn Văn Trung làm việc, có thể thấy sự tỉ mẩn đáng kinh ngạc khi ông “sáng tác” tranh bằng mây. Dùng sợi mây, nan tre để “đan tranh” đã khó, nhưng còn khó hơn nhiều khi dùng nó để tả chân dung một con người. Để có bức tranh đẹp, người nghệ nhân phải chuẩn bị những sợi mây mỏng manh mượt mà như lụa, sử dụng kết hợp tới 15 - 16 lối đan. Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung tâm niệm, nếu đẹp mà không giống thì cũng bỏ đi, nếu giống mà lại không có hồn thì cũng vô ích. Có lẽ, chính bởi tâm niệm như vậy nên từng có bức chân dung Bác Hồ do nghệ nhân Nguyễn Văn Trung làm ra, khách hàng gần xa đã đánh giá cao và trả với mức giá 80 triệu đồng.

Qua sự tìm tòi, học hỏi và sáng tạo không ngừng, các nghệ nhân tài hoa “xứ mây” Phú Vinh đã thổi hơi thở của thời đại mới vào những sản phẩm tưởng chừng xưa cũ và quen thuộc, giúp mây tre đan Phú Vinh tiếp tục khẳng định vị trí và giá trị riêng của mình. Hơn hết, ở Phú Vinh, bất kỳ ai cũng có thể nhận ra rằng, việc giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống không chỉ là câu chuyện phát triển kinh tế mà còn là cách bảo lưu nét văn hóa và bản sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện giữ nghề nơi “xứ mây” Phú Vinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.