(HNM) - Có người coi Hà Nội chẳng khác gì một cái làng lớn. Người khác lại coi Hà Nội là tập hợp các làng quanh thành Thăng Long xưa. Dù thế nào đi nữa, đã động đến làng thì không thể thiếu "cây đa, giếng nước, sân đình". Có một người đã tìm, chọn, chụp ảnh giếng Hà Nội để ghi lại hồn cốt làng Việt.
Ta đã quen với "Phố Phái", "Gốm Đoan", "Gốm Toàn", giờ sẽ nghe thêm "Bích Giếng" - cái tên mà nhiều người đặt cho nhiếp ảnh gia Lê Bích. Anh có vẻ xứng với biệt danh ấy bởi cho đến nay vẫn là người chụp nhiều nhất về giếng ở Việt Nam.
Xem ảnh Lê Bích, ít ai nghĩ anh đến với nhiếp ảnh muộn. Mãi tới 2005 Bích mới xách máy đi chụp mỗi đận rảnh rỗi. Thấy được, nghĩ đẹp, anh đăng lên các diễn đàn ảnh, chờ góp ý. Nhiều người nhận ra Bích chụp ảnh làng quê rất đẹp, tỏ ý khen. Nhưng cội rễ khiến Lê Bích, vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thành chuyên gia chụp làng quê và tìm ra tình yêu với giếng là người bố. Bố Lê Bích trước làm nghề sơn mài. Ngày nhỏ, cứ cuối tuần ông lại về các làng nghề làm việc, dẫn theo cậu con trai. Bích tha thẩn xem bố làm việc, loanh quanh khắp làng tìm tòi này nọ.
Ban đầu Bích chụp ảnh phong cảnh làng quê, con người, chùa chiền, nghề truyền thống, những điều mà anh thích. Ảnh về giếng cũng có, nhưng chỉ là những cú bấm máy tình cờ khi chụp làng. Quách Đông Phương là người đã truyền cảm hứng cho anh, qua một triển lãm mang tên "Cổng xưa" của nghệ sĩ này vào năm 2011. Chung cái tình với làng quê, sau những cuộc "trà dư tửu hậu" tình cờ với "Quách Cổng", Bích nhận ra "tình yêu" của mình là giếng. Bích mê mải chụp, mê mẩn ngắm từ cách xếp gạch, vết chạm khắc thành giếng đến màu nước giếng, rêu phong… Tuần nào Bích cũng chạy xe máy về các làng quê, tìm giếng để chụp. Anh hỏi han tỉ mỉ người dân, nhất là người già, rồi cả các nhà khoa học về nguồn gốc giếng và những chuyện liên quan. Anh tìm thông tin về từng chiếc giếng đã chụp, rồi ghi lại chi tiết địa điểm, độ sâu, niên đại, hiện trạng… chả khác là bao so với cách làm của các nhà khoa học.
Nói không quá, nhờ Bích mà giếng được công chúng quan tâm nhiều hơn. Sau khi chùm ảnh của Bích về giếng được tải lên mạng, VTV đã làm hẳn một bộ phim về giếng làng Việt Nam và mời anh tham gia với tư cách là người dẫn chuyện. Mới đây, anh cùng VTV6 làm hai bộ phim về giếng cổ Hoàng Thành Thăng Long và những giếng thiêng ở Hà Nội. Bích vui lắm vì giờ đây ai biết hoặc thấy nơi đâu có giếng là "ới" anh ngay.
Hơn 300 giếng mà Lê Bích đã chụp được anh chia thành 4 loại: Giếng chùa, giếng đình, giếng làng và giếng Hà Nội. Sở dĩ Thủ đô có một mảng riêng là vì Lê Bích sinh trưởng tại Hà Nội, anh nhận thấy mỗi cái giếng đều có nét tinh tế, sự linh thiêng gắn với đất Thăng Long. Vả lại, sau quãng thời gian ngược xuôi tìm giếng ở khắp các vùng miền, Bích nhận ra rằng giếng Hà Nội đem lại cho anh nhiều chuyện "để run rẩy và chiêm nghiệm".
Ban đầu là những giếng ở khu phố cổ, khoảng trên 100 tuổi, phần lớn là giếng gia đình, giờ ít ai dùng dù nước vẫn trong, có chăng chỉ những người cao tuổi dùng tắm rửa, giặt giũ theo thói quen. Bích lọ mọ trong ngõ ngách để chụp. Ở mỗi phố Nhà Chung, Hàng Bông, Ngõ Huyện, Tạm Thương, Phủ Doãn, Lý Quốc Sư… còn một vài cái, có chỗ là cả một quần thể. Dù hơn một lần "bị đuổi như đuổi tà" nhưng Bích chưa bao giờ bỏ cuộc bởi mỗi chuyến "viễn chinh" có thể mang lại hiệu ứng không thể ngờ tới. Anh đã nhận được dòng phản hồi "quý hơn vàng" của một Việt kiều ở Mỹ: "Ôi, đây chính là cái giếng của tuổi thơ tôi, nhà tôi ở đấy, anh em tôi uống nước ở đấy. Cảm ơn Lê Bích đã đưa tôi về miền ký ức đẹp đẽ ấy".
Rồi đến quần thể giếng ở Hoàng thành Thăng Long, những thứ mà ngoài những nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, không ai khác được tiếp cận. Bích may mắn là nhiếp ảnh gia duy nhất được chụp chi tiết 11 trong tổng số 26 chiếc giếng tại nơi "lắng hồn núi sông" này. Giếng ở Hoàng thành vừa đẹp vừa bí ẩn. Đẹp nhất là giếng thời Trần có thành xếp gạch hình xương cá. Cổ nhất có lẽ là giếng Đại La, khoảng 1.000 năm tuổi, dù bị đất đá lấp nhưng khi được khơi là nước giếng lập tức về đầy, trong vắt.
Hà Nội là nơi có nhiều giếng thiêng và vẫn được người dân hương khói, tôn giữ. Như giếng Trung Kính Thượng ở phố Nguyễn Ngọc Vũ (Cầu Giấy) có cây hoa sữa kề bên. Tục rằng, người phụ nữ nào thiếu sữa nuôi con thì sắm lễ ra giếng cầu, bứt cành hoa sữa về treo là sẽ dồi dào sữa ngay. Giếng ở làng Phú Diễn (Bắc Từ Liêm) dưới đáy có ba phiến gỗ lim, hằng năm dân làng vẫn đem nước đi cúng Thánh, làm lễ cầu an. Còn giếng cổ ở làng Giàn (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) có từ thời Hai Bà Trưng. Tết trước, Bích đón giao thừa bên giếng ở Chàng Sơn (Thạch Thất) để được chứng kiến tục lệ vào thời khắc chuyển giao năm cũ, người dân lấy nước giếng dâng cúng Thành hoàng làng, cúng tổ tiên để cầu năm mới ấm no.
Càng đi, càng chụp, Lê Bích càng thấy rõ một phần di sản đang phai dần. Phố thị mọc lên, đất đai thu hẹp, bao giếng làng bị lấp vùi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.