Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển giao công nghệ: Nên đơn giản thủ tục để tránh chi phí cho doanh nghiệp

Bảo Hân| 02/06/2017 18:55

(HNMO) - Ngày 2-6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Dự thảo Luật này được đánh giá là sẽ giúp đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học công nghệ, thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) đổi mới, sáng tạo cũng như tháo gỡ vướng mắc trong việc hợp tác giữa DN, nhà trường, các viện nghiên cứu và các đơn vị chuyển giao. Vì vậy, nhiều đại biểu khi góp ý kiến có chung quan điểm rằng luật nên đơn giản hóa các thủ tục để tránh lãng phí và tránh chi phí không cần thiết cho DN.

Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình).


Đại biểu (ĐB) Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) cho rằng, dự thảo luật nên bổ sung quy định cụ thể về trường hợp nào chủ đầu tư cần xin ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực; trường hợp nào phải xin ý kiến của UBND cấp tỉnh nơi triển khai dự án.

Để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, thuận lợi khi áp dụng luật trong thực tiễn, theo ĐB Bùi Thu Hằng, quy định về thẩm định công nghệ nên được thiết kế theo hướng quy định từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư đến khâu quyết định đầu tư và trong mỗi giai đoạn có quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện. Đồng thời, dự luật cần quy định rõ về hồ sơ và thủ tục thẩm định công nghệ đối với dự án đầu tư công.

Về cấp phép chuyển giao công nghệ và đăng ký chuyển giao công nghệ, theo quy định của dự thảo luật, tất cả các dự án đầu tư thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao đều phải được thẩm định, cho ý kiến trong giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc trong giai đoạn quyết định đầu tư. Nhưng tại điểm a khoản 2 Điều 28 lại quy định việc chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao phải được sự chấp thuận của Bộ Khoa học và Công nghệ, trừ trường hợp đã được thẩm định ý kiến công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương, hoặc quyết định đầu tư. ĐB Bùi Thu Hằng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm về quy định này.

Để đơn giản hóa các thủ tục, tránh lãng phí và tránh chi phí không cần thiêt cho doanh nghiệp, ĐB Lê Quân (Hà Nội) đề nghị bổ sung vào Điều 18 quy định về vấn đề "một cửa", một đầu mối và quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, cục, vụ, sở, vì thực tế hiện nay khi DN đi xin giấy phép đều phải qua rất nhiều đầu mối khác nhau.


ĐB Lê Quân (Hà Nội).


Dự thảo luật đã có bước tiến là quy định một bộ chủ quản, một ngành liên quan đầu mối, nhưng ĐB  Lê Quân cho rằng, cần phải quy định rõ hơn là trong thời hạn bao nhiêu ngày các đơn vị, bộ, sở, ban, ngành liên quan phải cho ý kiến. Quá thời hạn đó, cơ quan chủ trì thẩm định dự án có quyền và nghĩa vụ quyết định trả lời ý kiến cho DN, tránh để DN nộp hồ sơ một nơi nhưng vì chưa có ý kiến của cơ quan khác mà chưa được trả lời.

Chọn vấn đề gây bức xúc trong thời gian qua là hiện tượng chuyển giá trong chuyển giao công nghệ, ĐB Phạm Đình Toản (Hưng Yên) cho biết, trong quá trình góp vốn bằng công nghệ ở các dự án đầu tư, công ty mẹ thường chuyển về công ty con để kê khai giá trị công nghệ cao hơn rất nhiều so với giá trị thực tế, sau đó công ty con chuyển giá trị đó về công ty mẹ dưới hình thức khấu hao, tạo ra hiện tượng lãi thật, lỗ giả nhằm trốn thuế. Khoản 3, Điều 27 dự thảo Luật đã quy định một số trường hợp phải kiểm toán giá công nghệ. Tuy nhiên, cần quy định đơn vị đủ điều kiện kiểm toán trong lĩnh vực này vì đây là lĩnh vực khó và dễ hợp lý hóa.

ĐB Phạm Đình Toản (Hưng Yên).


Mặc khác, dự thảo luật cũng nên quy định rõ về tổ chức thẩm định giá được quy định tại Luật Giá. Hiện tại, các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ định giá theo Luật Giá đều đăng ký định giá công nghệ, nhưng trên thực tế, hầu hết các tổ chức này đều chưa thực hiện dịch vụ định giá công nghệ, chưa có chuyên gia chuyên biệt cho công tác định giá công nghệ. Vì vậy, Điều 51 của dự thảo Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) cần quy định thêm về điều kiện đặc thù, ngoài các điều kiện chung đã được quy định trong Luật Giá, mà tổ chức hoạt động định giá công nghệ phải đáp ứng được, như số lượng và số năm kinh nghiệm tối thiểu của các thẩm định viên, chứng chỉ, bằng cấp, điều kiện, cơ sở vật chất kỹ thuật tối thiểu... Đồng thời, làm rõ trách nhiệm chủ động phối hợp của các cơ quan như: Thuế, hải quan, thanh tra trong việc thanh tra, kiểm tra, giám định để kịp phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm đối với hành vi chuyển giá về công nghệ; bổ sung hành vi cấm chuyển giá trong chuyển giao công nghệ... 


Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã tiếp thu ý kiến các đại biểu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển giao công nghệ: Nên đơn giản thủ tục để tránh chi phí cho doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.