(HNM) - Khi chuyện kinh phí dành cho tập luyện, thi đấu, chế độ dinh dưỡng, thuê bác sĩ hồi phục… còn nhiều khó khăn, sự xuất hiện của các chuyên gia hay bác sĩ tâm lý (BSTL) ở các đội thể thao (TT) tại Việt Nam quả là xa xỉ. Tuy nhiên, sớm muộn gì thể thao Việt Nam (TTVN) cũng phải nhìn nhận đúng đắn hơn về vai trò của họ, không thì còn nhiều "vàng" rơi một cách đáng tiếc.
Bác sĩ thể thao đóng vai trò quan trọng đối với việc tập luyện, thi đấu của VĐV. Ảnh: Hồ Ý |
Cũ người…
Chưa thể xác định rõ các BSTL đến với TT thế giới từ khi nào nhưng hiện tại, đó là một phần không thể thiếu trong các nền TT phát triển.
Đội tuyển bóng đá Pháp của HLV L.Blanc đã khởi đầu ì ạch trong hai trận đầu của vòng loại Euro 2012. Sự căng thẳng là nguyên nhân rõ ràng khiến cầu thủ không thể hiện hết khả năng, đánh mất sự tự tin, dẫn đến lối chơi thiếu sự gắn kết. Để giải tỏa tâm lý cho các ngôi sao và giúp cầu thủ trẻ tự tin, L.Blanc đã mời về một BSTL. Không biết BSTL làm gì cụ thể cho đội tuyển Pháp, chỉ biết sau đó đoàn quân của L.Blanc băng băng trên đường đến VCK Euro 2012 với một lối chơi mạnh mẽ, chắc chắn và không thiếu kỹ thuật - điều mà người hâm mộ Pháp mong chờ. Không phải tự nhiên L.Blanc nghĩ đến việc mời BSTL. Trước đó, khi còn huấn luyện CLB Bordeaux, ông đã áp dụng "bài" này để đưa CLB đến chức vô địch Pháp.
Thành công của tiền đạo người Ukraine A.Shevchenko tại AC Milan cũng gắn với BSTL De Michelis. Khi chuyển tới Chelsea và bị mất phong độ, việc đầu tiên Shevchenko nghĩ đến là tìm tới BS De Michelis, người có thể giúp anh thích nghi nhanh hơn với cuộc sống và môi trường bóng đá Anh. Điều này cho thấy vai trò của đội ngũ này quan trọng thế nào. Ngay ở châu Á, khái niệm BSTL trong các đội TT cũng không xa lạ. Để chuẩn bị cho mục tiêu giành ngôi vị số 1 Olympic năm 2008, lãnh đạo ngành TT Trung Quốc cũng phải nhờ đến đội ngũ BSTL để giúp VĐV tránh khỏi sức ép không đáng có. Nhờ đó, đoàn Trung Quốc vươn lên dẫn đầu Olympic 2008 một cách ngoạn mục.
Sẽ có một quan niệm khác?
Trước đây, hầu như các đội thể thao cấp địa phương không có BS thể thao nên nhiều VĐV không được sơ cứu kịp thời, chấn thương từ nhẹ chuyển thành nặng và phải giải nghệ sớm. Vài năm gần đây thì y học thể thao mới được chú ý. Các đội bóng đá chuyên nghiệp đã thuê hẳn các BS thể thao có chứng chỉ để chăm sóc cầu thủ. Các lớp đào tạo được mở ra. Gần đây nhất là tại ASIAD 16, việc cử gần chục chuyên gia hồi phục sức khỏe (trong đó có 2 người Đức) theo đoàn cho thấy bước tiến vượt bậc về ý thức chăm sóc sức khỏe cho VĐV. Rõ ràng, ngành thể thao đã nhận thấy rõ vai trò của y học thể thao trong tập luyện, thi đấu.
Thế nhưng đội ngũ BS thể thao hiện tại ở Việt Nam mới chỉ có thể đáp ứng nhu cầu chẩn đoán, chữa trị những chấn thương "nhìn thấy được" cũng như giúp VĐV hồi phục thể lực. Còn những triệu chứng hay chấn thương về tinh thần thì chưa có BS chuyên. "Tâm lý yếu" là nguyên nhân thường được nhắc đến trong nhiều thất bại của VĐV Việt Nam, kể cả với những VĐV dày dạn kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Tình trạng "thử kêu, đốt xịt" không hiếm. Năm 2009, tại SEA Games 25, người hâm mộ đã chết lặng khi chứng kiến U23 Việt Nam thua đau trước U23 Malaysia dù trước đó tưởng như ta đã nắm chắc phần thắng. Nhưng ở trận đó, U23 Việt Nam đáng thua bởi sự căng thẳng thấy rõ, không thể hiện hết khả năng. Gần nhất, tại ASIAD 16, phát súng cuối bắn ra ngoài bia của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh khiến anh mất chiếc HCV cá nhân tưởng đã chắc trong tay, làm nhiều người tiếc nuối. Sau này, giới phân tích chỉ ra rằng, nếu ở phát đạn ấy, anh không nghĩ đến chiếc HCV ASIAD mà chỉ nghĩ đến việc bắn trúng đích thì đã đăng quang rồi. Để làm được việc này, ngoài Hoàng Xuân Vinh và HLV của anh, còn phải cần đến một BSTL, người có thể chỉ ra những tình huống căng thẳng mà VĐV có thể gặp phải trong cuộc đấu và cách giải quyết.
Đến giờ này, vẫn chưa thấy sự xuất hiện BSTL trong các đội TTVN. Những thất bại gần nhất ở ASIAD 16 có lẽ sẽ khiến lãnh đạo ngành phải nghĩ đến việc bổ sung BSTL cho đoàn TTVN tại các giải quốc tế. Tốn, nhưng còn hơn tiết kiệm mà mất huy chương!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.