(HNM) - Hôm qua, hạn cuối cùng các Bộ Y tế, Tài chính phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thông tin việc đưa sữa vào danh mục thực phẩm bổ sung làm giá sữa tăng cao.
Chuyện giá sữa liên tục tăng tuy không mới nhưng sau phản ánh của chương trình thời sự (Đài Truyền hình Việt Nam), dư luận lại đặc biệt quan tâm. Bởi dường như, lâu nay, giá cứ tăng nhưng không quy được trách nhiệm cho ai, chỉ người tiêu dùng phải gánh chịu. Nay đã "chỉ tên" được "thủ phạm" nên nhiều người đòi hỏi "làm cho ra nhẽ". Nhưng cuối cùng, cái nhẽ ấy lại nằm ở "căn bệnh" muôn năm cũ: Sự yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước.
Bộ Y tế đã làm rõ lý do vì sao sữa bột mà các bà mẹ thường mua cho con, nay lại mang tên thực phẩm bổ sung dinh dưỡng hay thực phẩm công thức bổ sung dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thì mọi hàng hóa khi lưu thông phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) tương ứng. Bộ Y tế đã ban hành các QCKT đối với các sản phẩm cho phù hợp với quy định của luật cũng như tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Codex) mà các nước thành viên của WTO phải tuân thủ.
Theo QCKT, những sản phẩm quen gọi là sữa bột trước đây được thay đổi là sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ là phù hợp với các QCKT của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Đây là các sản phẩm dạng bột đáp ứng được các nhu cầu về vitamin, khoáng chất và các dưỡng chất theo từng lứa tuổi, cho trẻ đến 12 tháng tuổi, từ 6 đến 36 tháng tuổi… Các sản phẩm dinh dưỡng công thức thông thường có hàm lượng đạm khoảng 11-18%, có tỷ lệ đạm whey - protein dễ tiêu và đạm casein-protein khó tiêu phù hợp với bộ máy tiêu hóa của trẻ và được bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng theo công thức bắt buộc nhất định đúng với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (gần 30 loại vitamin, khoáng chất), bảo đảm cho sự phát triển của trẻ nhỏ, giúp trẻ em không bị còi cọc, thiếu máu, khô mắt, quáng gà... Còn sữa bột, theo QCKT quốc gia, chỉ dùng làm nguyên liệu để chế biến ra các sản phẩm khác như sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ, sữa cho người già, bà mẹ mang thai và không thể dùng cho trẻ nhỏ do hàm lượng protein quá cao (34%) và tỷ lệ protein khó tiêu (casein) cao hơn nhiều lần so với protein dễ tiêu (whey).
Với các quy định trong QCKT trên, Bộ Y tế khẳng định, sự thay đổi này hoàn toàn chỉ về tên gọi, còn bản chất hàng hóa là không thay đổi. Trách nhiệm của doanh nghiệp là vẫn phải thực hiện kê khai giá với cơ quan chức năng theo quy định. Sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định tại Luật Giá bản chất là các sản phẩm dinh dưỡng công thức này. Sẽ chẳng có gì đáng nói về câu chuyện "bình mới" mà "rượu cũ" nếu như không có người "phát hiện" ra rằng, vì việc thay tên gọi mà các công ty sữa không chịu quản lý về giá khiến người tiêu dùng chịu sự tăng giá vô tội vạ của sữa như thời gian qua.
Sự thật không hẳn như vậy.
Sữa bột dùng cho trẻ em đã mang tên mới từ ngày 1-1-2011 nhưng phải sau đó một năm rưỡi, Luật Giá mới được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2013. Tiếc là, trong suốt quá trình xây dựng luật, những hàng hóa đặc biệt như sữa đã không được nghiên cứu đầy đủ nên trong Luật Giá, điểm h, điều 15 chỉ quy định "sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi" thuộc loại "hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá". Những mặt hàng thuộc danh mục này sẽ phải đăng ký giá và chịu sự kiểm tra các yếu tố hình thành giá. Tuy nhiên, vì luật chỉ ghi "sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi", thông tư hướng dẫn đến nay vẫn chưa được ban hành, nên những sản phẩm bản chất là sữa nhưng mang tên sản phẩm dinh dưỡng công thức đã… không chịu sự điều tiết của Luật.
Nhưng có phải chỉ vì "thay tên đổi họ" mà giá sữa trở thành "con ngựa bất kham"? Trên thực tế, cả trước lẫn sau thời điểm sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi được gọi đúng tên, giá sữa đều leo thang. Trong 6 năm qua, sữa đã 30 lần tăng giá. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong giai đoạn 2007-2010, giá sữa tăng 17%. Từ tháng 1 năm 2011 đến nay, giá sữa vẫn tiếp tục tăng. 6 tháng đầu năm nay, đã có 5 doanh nghiệp sữa gửi thông báo tăng giá từ 2% đến 16%. Không chỉ sữa ngoại mà cả sữa nội cũng "tát nước theo mưa". Biện luận cho việc tăng giá luôn là giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, tiền lương cũng tăng… Nhưng, vừa qua, khi hải quan thông báo giá nhập khẩu sữa, người tiêu dùng mới té ngửa rằng, giá bán lẻ sữa ở thị trường trong nước cao gấp nhiều lần giá vốn. Thậm chí, ở nước ta còn tồn tại một nghịch lý, trong khi giá sữa nguyên liệu trên thế giới đều giảm nhưng không có doanh nghiệp sữa nào giảm giá, mà ngược lại còn tăng giá. Rõ ràng, chúng ta chưa quản lý được giá. Vì sao?
Cơ quan quản lý giá luôn than khó vì không thể xác định giá nguyên liệu đầu vào khi công ty sữa đăng ký tăng giá, trong khi thông tin này không phải là thông tin mật, nhất là trong thời buổi công nghệ thông tin hiện nay. Theo các chuyên gia, muốn biết đâu là giá thành thực sự của sản phẩm không khó, kể cả với các sản phẩm nhập khẩu. Thêm nữa, các giải pháp quản lý giá hiện mang nặng tính hành chính. Dù vậy, nó cũng không được thực hiện đến nơi, đến chốn. Từ năm 2012 đến nay, 7 văn bản kiểm tra quản lý giá sữa đã được ban hành nhưng thực tế không thực hiện thường xuyên. Yêu cầu kê khai giá chỉ là sự giám sát hành chính vì không thể nào kiểm soát được giá bán. Mỗi khi các công ty rục rịch tăng giá thì mới thanh, kiểm tra theo kiểu "đánh trống bỏ dùi". Doanh nghiệp lợi dụng sự lỏng lẻo này để tăng giá, trốn kê khai giá…, nhưng vẫn không vi phạm các quy định của pháp luật. Trong khi đó, trên thị trường hiện có hàng nghìn mặt hàng sữa, kênh phân phối chính lại là các cửa hàng chuyên doanh của tư nhân nên cơ quan quản lý giá "lực bất tòng tâm", muốn kiểm soát cũng không có đủ lực lượng và thời gian.
Quản lý giá sữa không phải là quá khó mà là buông lỏng. Nếu không thẳng thắn nhìn nhận điểm yếu này thì dù công thức dinh dưỡng dành cho trẻ dưới 6 tuổi được Cục An toàn thực phẩm và Cục Quản lý giá thống nhất coi đó là sữa, mặt hàng thuộc danh mục bình ổn, sẽ vẫn bất ổn.
Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân từ công tác quản lý giá, còn có những nguyên nhân kinh tế dẫn đến thực trạng này. Sự yếu kém của các doanh nghiệp thương mại nhà nước trong việc tham gia thị trường sữa cũng khiến cho việc khống chế giá sữa trở thành vô vọng. Gần 200 nhà nhập khẩu sữa đều là tư nhân, không có một tổng công ty thương mại nhà nước nào tham gia thị trường nóng bỏng này, trong khi đây lại là những đơn vị có thể đóng vai trò đầu mối để dẫn dắt thị trường. Ngành công nghiệp sữa trong nước lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo thống kê, trên thị trường Việt Nam đang có gần 500 dòng sản phẩm sữa, nhưng lượng sữa sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và chủ yếu phục vụ cho sản xuất sữa nước. Khoảng 70% còn lại là nhập khẩu, trong đó 50% là sữa nguyên liệu và 20% là sữa thành phẩm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng sữa của người tiêu dùng vẫn liên tục tăng (mức tiêu thụ bình quân của người Việt đã đạt gần 15 lít sữa/năm nhưng vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực). Theo báo cáo mới đây của Nielsen Việt Nam, những ngành hàng mà người tiêu dùng thấy liên quan đến sức khỏe và dinh dưỡng vẫn tăng trưởng ở mức 2 con số, bất chấp những khó khăn về kinh tế, trong đó 90% số người tiêu dùng coi sữa là thực phẩm lành mạnh. Nhu cầu sử dụng tăng, trong khi sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nên đã tạo cơ hội cho sữa, nhất là sữa nhập khẩu, tăng giá.
Các chuyên gia của ngành công nghiệp sữa nhận định, hiện nay và nhiều năm nữa, ngành sữa trong nước còn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Ðể có sản phẩm tốt, có sức cạnh tranh không chỉ cần đầu tư lớn, công nghệ cao, tầm nhìn xa mà còn là xây dựng thương hiệu. Ðây không phải là công việc của vài năm, mà thậm chí vài chục năm... Nhưng khó mấy cũng phải làm. Về lâu dài, phát triển công nghiệp sữa trong nước là giải pháp gốc để dùng hàng hóa điều chỉnh hàng hóa, giúp ổn định giá sữa ở mức hợp lý. Nhà nước phải có cơ chế cho sản xuất sữa trong nước phát triển như miễn thuế cho nông dân nuôi bò sữa, cho đồng cỏ và thiết bị sản xuất sữa, ưu đãi về tín dụng, lãi suất... Chỉ có cách đầu tư dài hạn cho sản xuất thì giá sữa mới không trở thành mối lo thường trực của người tiêu dùng, để các ngành không phải tìm cách đổ lỗi cho nhau mỗi khi sữa tăng giá. Đây cũng là giải pháp gốc để góp phần nâng cao chất lượng, thể trạng của các thế hệ người Việt trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.