Vẫn còn tới hơn 200 doanh nghiệp trên tổng số 289 đơn vị phải cổ phần hóa theo kế hoạch trong năm nay chưa hoàn thành. Với những doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa, việc thiếu thông tin, bằng chứng để kiểm chứng sự hiệu quả lại là vấn đề được giới chuyên gia tỏ ra nghi ngại.
Đưa ra con số trong Hội nghị đối thoại cấp cao giữa Bộ Tài chính và Nhóm đối tác tài chính công tổ chức sáng nay (23/7), ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, hiện đã có 61/289 doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa.
Tiến độ này mặc dù được ông Tiến đánh giá là nhanh so với thời gian trước nhưng với kế hoạch được giao, lãnh đạo ngành tài chính thừa nhận "chặng đường sắp tới vẫn còn dài."
Đặc biệt, theo ông, hiện vẫn còn 57 doanh nghiệp chưa triển khai quá trình cổ phần hóa. Đây là những đơn vị theo ông đã được Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành kiểm điểm và đưa ra giải pháp chấn chỉnh.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Những con số trên được ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhắc lại với đánh giá: "cải cách doanh nghiệp Nhà nước đang khó khăn hơn khi còn 228 doanh nghiệp nữa chưa cổ phần hóa."
Ngoài vấn đề về số lượng, đại diện ADB cũng thẳng thắn, việc tái cơ cấu hiện mới chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp Nhà nước nhỏ trong khi với những đơn vị lớn, phức tạp thì còn nhiều vấn đề không rõ ràng. Nhiều tồn tại ở khu vực doanh nghiệp lớn được vị chuyên gia này chỉ ra là tài sản, nợ không rõ ràng, quản trị doanh nghiệp yếu, thiếu minh bạch và những điều ấy theo đại diện này, là làm "nản lòng" nhà đầu tư mới.
Với những doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa, chuyên gia kinh tế của ADB cũng cho rằng, việc cổ phần hóa mới thực hiện "một phần." Ông Aaron Batten giải thích cho cụm từ này rằng, hiện Việt Nam mới chỉ tập trung bán một lượng nhỏ cổ phần Nhà nước và khu vực tư nhân hiện vẫn kiểm soát ít cổ phiếu tại các doanh nghiệp. Thực tế ấy theo ông khiến nhà đầu tư tư nhân chỉ có ít quyền trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp.
Đại diện ADB cũng đưa ra tính toán của mình với con số, hiện chỉ có khoảng 8% doanh nghiệp Nhà nước cung cấp bản báo cáo tài chính trên trang web.
"Tức là có sự thiếu rõ ràng, thiếu minh bạch và khó đo lường tình hình hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa," đại diện ADB nói.
Đây cũng là vấn đề chuyên gia của ADB kiến nghị với phía cơ quan chức năng Việt Nam. Theo ông, phía Việt Nam cần xác định những mô hình doanh nghiệp sau cổ phần hóa thành công và những đơn vị nào còn hoạt động kém.
"Hoạt động cải cách doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam vẫn còn thiếu thông tin, bằng chứng để đánh giá kết quả của việc thực hiện," đại diện ADB nhận định.
Bởi vậy, việc xác định được mô hình trên theo ông sẽ có bằng chứng để nhân rộng cũng như là thước đo cho các đơn vị khác trong quá trình thực hiện.
Đóng góp thêm cho Việt Nam về vấn đề này, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) cho rằng, cổ phần thực tế chỉ là "bước đầu tiên" trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Bước quan trọng sau đó theo ông là làm sao cải thiện được khả năng quản trị doanh nghiệp của các đơn vị sau cổ phần hóa.
Hiện chỉ có khoảng 8% doanh nghiệp Nhà nước cung cấp bản báo cáo tài chính trên trang web. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN) |
Ông khẳng định, đây là quá trình mà sự hiện diện của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ đóng góp vai trò quan trọng. Theo ông, cơ quan chức năng Việt Nam cần xây dựng quy trình hướng dẫn để đảm bảo việc chuyển giao quyền sở hữu của các doanh nghiệp Nhà nước tại những đơn vị khác sang SCIC.
Trả lời cho những nghi ngại của giới chuyên gia, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, thực tế, Chính phủ hiện đã có giải pháp bán vốn theo lô. Điều này đồng nghĩa, các nhà đầu tư đủ năng lực vốn, trình độ quản trị và cam kết ở lại lâu dài với doanh nghiệp thì hoàn toàn có thể mua theo lô. Thậm chí, Nhà nước có thể bán hết phần vốn ở lĩnh vực không cần nắm giữ cho các nhà đầu tư.
Tuy vậy, với việc công khai thông tin, ông Tiến cho biết, hiện cơ quan chức năng đã có quy định về việc công khai và sẽ có chế tài cho việc công bố, công khai thông tin.
Với những doanh nghiệp lớn bị các chuyên gia cho rằng tiến độ cổ phần hóa còn chậm, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ đẩy nhanh, sửa đổi những giải pháp về tài chính, xử lý nợ để đảm bảo tiến độ thực hiện với khu vực trên được thực thi đẩy đủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.