(HNMO) - Đó là khi bị kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể, không nghiền nát, chà xát kiến nhằm tránh độc tố tiết ra; rửa sạch vết thương bằng xà phòng càng sớm càng tốt khi bị dính chất độc...
Những ngày qua, thời tiết mưa ẩm khiến kiến ba khoang xuất hiện tại nhiều khu dân cư của Hà Nội. Anh Nguyễn Văn Vui (ở chung cư Gelaxia 885 Tam Trinh, quận Hoàng Mai) cho biết, gia đình ở tầng 5, con trai anh đang ngủ đã bị kiến ba khoang bò lên mặt cắn. Cháu đã dùng tay di nên mặt và tay bị phồng rộp nên gia đình phải đưa bé đi bệnh viện.
Còn chị Nguyễn Thanh Huyền (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, những ngày qua, hàng xóm nhà chị liên tục phát hiện kiến ba khoang. Do có con nhỏ nên gia đình chị luôn phải đóng kín cửa ban công và cửa sổ để tránh loại côn trùng này vào nhà.
Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trung tâm Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương, kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình xây dựng…, xuất hiện nhiều vào mùa mưa bởi độ ẩm cao thuận lợi cho sự phát triển. Loài kiến này ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên thường bay vào nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn.
Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Chất này chủ yếu gây bỏng da, có thể nhầm với tổn thương trong bệnh zona thần kinh.
Vết thương do kiến ba khoang đốt có đặc điểm điển hình như tổn thương thường xuất hiện ở các vùng da hở trên cơ thể (mặt, hai tay); vết thương là vệt dài hoặc thành đám, ban đầu là những nốt ban đỏ rồi sưng lên thành mụn mủ. Người bị dính độc tố của kiến ba khoang thường đau rát, ngứa, khó chịu. Một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân.
Bác sĩ Lê Ngọc Duy tư vấn, khi bị kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể, không nghiền nát, chà xát kiến nhằm tránh độc tố tiết ra. Nếu bị dính chất độc của kiến, không gãi hay chà mạnh vùng da bị tổn thương, không tiếp xúc các vùng da lành với nơi bị dính độc tố.
Rửa sạch vết thương bằng xà phòng càng nhanh càng tốt khi bị dính chất độc, sau đó bôi hồ nước.
Khi da bị tổn thương tấy đỏ, lan rộng, cần đến cơ sở y tế khám, không nên tự ý mua thuốc điều trị nhằm tránh các biến chứng nặng hơn.
Không dùng tay, chân trực tiếp giết kiến, mà cần dùng vật dụng khác nhằm tránh độc tố của kiến tiếp xúc vào da.
Để phòng kiến ba khoang, cần vệ sinh phòng ở sạch sẽ, thoáng mát. Buổi tối nên tắt các bóng điện có ánh sáng xanh, tím (bóng đèn huỳnh quang, bóng tuýp), thay vào đó là bóng điện có ánh sáng đỏ, vàng. Trước khi đi ngủ, kiểm tra kĩ giường gối, chăn chiếu.
Kiến ba khoang (một số nơi còn gọi là kiến khoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, kiến cong) là loài côn trùng, có màu đen - vàng cam xen kẽ, thân mình thon, dài 1-1,2cm. Loài kiến này có 3 đôi chân, 2 đôi cánh, trong đó có đôi cánh dài mỏng trong suốt, bay và chạy nhanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.