Kinh tế

Chuyển đổi số từ tự động hóa chuỗi sản xuất

Lam Giang 21/11/2023 - 21:07

Để chuyển đổi số thành công, trước tiên doanh nghiệp phải tự động hóa, từ đó cải tiến các khâu, điều hành sản xuất và các phần việc thành chuỗi để nâng cao năng suất.

rang-dong.jpg
Phân xưởng lắp ráp đèn LED hiện đại của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh internet

Tự động hóa là then chốt

Chia sẻ về chìa khóa để chuyển đổi số thành công tại hội thảo “Xu hướng công nghệ mới trong chuyển đổi số ngành Công Thương” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 21-11, ông Nguyễn Hoàng Kiên, Quản đốc Xưởng Điện tử LED và thiết bị chiếu sáng, Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông nhấn mạnh tới việc tự động hóa sản xuất.

Theo ông Kiên, muốn thông minh hóa sản xuất trước tiên phải tự động hóa, từ đó cải tiến các khâu. Không tự động hóa đồng nghĩa không thu thập được dữ liệu và các phần liên quan đến việc cải tiến không thể thực hiện được.

Theo ông Kiên, đến hết 10 tháng năm 2023, tốc độ tăng trưởng sản phẩm ở Rạng Đông đạt mức 20%, lượng hàng hóa tăng nhanh, mặt bằng sản xuất và các khu vực liên quan thiếu. Vấn đề này được giải quyết nhờ áp dụng sản xuất thông minh thông qua tự động hóa. Cụ thể, doanh nghiệp lập kế hoạch sản xuất và liên kết với các đối tác cung ứng vật tư, nhà cung cấp, cung ứng vật tư theo lộ trình sản xuất đưa ra, do đó tồn kho vật tư luôn bằng 0. “Để đạt được điều này phải bảo đảm dây chuyền sản xuất thông suốt, các khâu, phần việc phải nhịp nhàng thì các nhà cung cấp vật liệu mới theo đúng nhịp”, ông Kiên nói.

Tính đến nay, tại Rạng Đông đã có hơn 80% dây chuyền lắp ráp tự động liên hoàn, năng suất lao động các dây chuyền tăng từ 200% đến 300%.

Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đang tận dụng khá hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua việc ứng dụng công nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số, từng bước phát triển sản xuất thông minh.

Điển hình như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được vinh danh là doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc với hoạt động triển khai mạnh mẽ ở tất cả các đơn vị thành viên. Minh chứng là trước kia cán bộ EVN phải tới từng cột ghi số điện, ngày nay, với việc ứng dụng hệ thống công tơ điện tử, hệ thống điện thông minh đã đem lại nhiều hiệu quả cho doanh nghiệp, giảm thiểu nguồn lực, chi phí tham gia vận hành.

Trong lĩnh công nghệ thực phẩm, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn có hệ thống 24 nhà máy sản xuất với công nghệ thiết bị hiện đại, tự động, đồng bộ hóa cao và đạt chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường theo tiêu chuẩn ISO 9001, HACCP/ISO 22000 và ISO 14001…

1010-1-.jpg
Các diễn giả tham gia hội thảo.

Thành công từ quyết tâm cao

Tuy nhiên ông Trần Minh, Phó Vụ Trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương thẳng thắn nhìn nhận, ứng dụng công nghệ 4.0 với cách tiếp cận tổng thể và toàn diện từ quá trình chuyển đối số tiến tới sản xuất thông minh là thách thức lớn với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam. “Phần lớn các doanh nghiệp mới dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị hoặc cục bộ một số mảng sản xuất như quản lý, bảo trì thiết bị quản lý hiệu quả năng lượng, quản lý kho…”, ông Minh nêu.

Để tiếp tục quá trình chuyển đổi số, ông Nguyễn Hoàng Kiên, Quản đốc Xưởng Điện tử LED và thiết bị chiếu sáng, Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho rằng cần tập trung vào đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Cụ thể Rạng Đông liên kết với các đối tác để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực sử dụng tốt AI (trí tuệ nhân tạo), từ đó ứng dụng vào sản xuất ngày càng tự động hóa ở mức cao hơn.

Còn ông Vũ Quang Hùng, Phó Viện Trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đánh giá doanh nghiệp hoàn toàn có thể chuyển đổi số thành công nếu có quyết tâm cao. Việc số hóa sản xuất thông minh phải làm từng bước cải tiến quy trình, để từ mớ hỗn độn, rời rạc trở thành liên kết chặt chẽ. Trong quá trình đó có vai trò quan trọng của cán bộ kỹ thuật. Sau cải tiến quy trình mới đến tự động hóa, quá trình này mất công sức lớn do nguồn nhân lực dùng đến, tiếp đến là triển khai số hóa.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ triển khai các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp như tác động đến các yếu tố, năng lực cốt lõi của doanh nghiệp gồm: Con người, năng lực tổ chức, triển khai và làm việc trong môi trường số…

Bên cạnh đó là các giải pháp tác động trực tiếp tới năng lực cốt lõi của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển năng lực công nghệ và thử nghiệm sản phẩm, tài nguyên và hạ tầng cần thiết để chuyển đổi số và sản xuất thông minh...

Đồng thời Bộ cũng sẽ thực hiện các giải pháp tác động tới yếu tố môi trường chung bao gồm hình thành khung kiến trúc chuyển đổi số sản xuất và kiến trúc công nghệ của nhà máy thông minh, các bộ tiêu chí đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số phục vụ sản xuất thông minh…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số từ tự động hóa chuỗi sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.