Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước và đến năm 2030 mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Những con số biết nói…
Qua 3 năm tiến hành chuyển đổi số quốc gia (2020-2022), nhiều bộ, ngành và địa phương đã thực sự coi đây là chìa khóa phát triển kinh tế - xã hội khi lấy người dân là trung tâm và là đối tượng phục vụ. Các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia được hoàn thiện, kết nối và đã thực sự trở thành “bộ não” cho quá trình chuyển đổi số.
Trước hết về mặt dữ liệu, 6 bộ CSDL quốc gia đã nhanh chóng được hình thành và đi vào sử dụng tạo sự chuyển biến rõ nét, trong đó CSDL quốc gia về dân cư do Bộ Công an chủ trì đã thực sự đi vào cuộc sống. Gần như 100% người dân trong độ tuổi từ 14 trở lên đã được cấp CCCD gắn chip tích hợp các thông tin cá nhân cần thiết (số định danh, số điện thoại chính chủ, số bảo hiểm xã hội/bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe…).
Bên cạnh dữ liệu, khâu kết nối giữa các bộ, ngành và địa phương vốn là “mắt xích” yếu nhất trước đây do không được liên thông đã có sự thay đổi. Cụ thể, từ tháng 8-2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa vào vận hành Cổng dữ liệu quốc gia tại địa chỉ Data.gov.vn làm nền tảng, phương tiện triển khai quản trị dữ liệu quốc gia và mở dữ liệu Chính phủ cho xã hội, cộng đồng. Sau 2 năm vận hành, Cổng Data.gov.vn đã có hơn 10.600 tập dữ liệu, trong đó các chủ đề có nhiều tập dữ liệu lần lượt là xã hội (9.989 tập dữ liệu), công nghệ (117), lao động (109), giáo dục (97).
Đặc biệt, với quan điểm công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ đúng với tinh thần chuyển đổi số toàn diện, Cổng dịch vụ công quốc gia kết nối, cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh... Từ việc cấp đổi giấy tờ cho tới đăng ký cấp đổi hộ chiếu, từ việc chứng sinh/chứng tử cho tới chuyển hộ khẩu…, các dịch vụ đều được thực hiện online.
Đi cùng các dịch vụ công, hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia chính thức vận hành cũng đã rút ngắn được thời gian làm thủ tục hành chính cho người dân, tiết kiệm chi phí và tránh được tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu như trước. Tính đến 15-10-2022, đã có hơn 3 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 3 tỷ đồng được thực hiện trên trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Từ 8 nhóm dịch vụ công ở thời điểm khai trương, đến nay Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) đã tích hợp, cung cấp 4.195 dịch vụ công trực tuyến, gồm 2.368 dịch vụ cho công dân và 2.177 dịch vụ cho doanh nghiệp. Những con số biết nói này chính là thành quả bước đầu trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay.
Không một ai đứng ngoài cuộc
Nếu cuối năm 2021, một phần do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến công cuộc chuyển đổi số có phần chậm lại. Một số bộ, ngành, địa phương chưa coi trọng chuyển đổi số, nhất là người đứng đầu. Song, cho đến nay, sau một năm đốc thúc và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của doanh nghiệp và người dân đã phát huy tác dụng. Đến nay, chuyển đổi số thực sự đã tác động tới mọi người dân khi họ có thể quẹt thẻ/quate QR code hay chuyển khoản để mua bán từ những mặt hàng nhỏ nhất, không cần dùng tiền mặt. Để làm được việc tưởng chừng như “nhỏ bé” ấy là nhờ có mạng di động 4G đã phủ khắp toàn quốc, khi smartphone đã phổ biến, khi các giao dịch ngân hàng đã trở nên thuận tiện, khi các giao dịch thanh toán trở nên quá đỗi bình thường - điều mà chỉ vài năm trước thôi không ai dám nghĩ tới.
Có thể thấy rõ, khi mọi chính sách chuyển đổi số đều hướng về người dân, doanh nghiệp thì chính họ sẽ chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số bởi họ thấy được lợi ích thì sẽ thực hiện. Quan trọng người đứng đầu phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm phù hợp, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan chính là cách chúng ta chuyển đổi số nhanh nhất, thay vì phải sao chép mô hình của bất cứ quốc gia nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.