Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển đổi số quốc gia cần mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp

Đình Hiệp| 25/12/2022 13:07

(HNMO) - Sáng 25-12, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng báo cáo tóm tắt kết quả triển khai chuyển đổi số năm 2022 và dự thảo kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số. Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đi vào thực chất, mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì và điều hành hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN​​​​​

Cung cấp 4.250 dịch vụ công trực tuyến

Báo cáo cho thấy, theo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 tại Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15-3-2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, có tổng cộng 107 nhiệm vụ. Trong đó, giao các bộ, ngành Trung ương thực hiện 44 nhiệm vụ và giao 63 địa phương mỗi địa phương 1 nhiệm vụ. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch cụ thể: Bộ, ngành Trung ương có 42 nhiệm vụ đã hoàn thành; 2 nhiệm vụ đang triển khai (trong đó có 2 nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Xây dựng, phê duyệt theo thẩm quyền kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia gồm: Nền tảng dạy học trực tuyến, Nền tảng đại học số và “Xây dựng chính sách thí điểm, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy việc đào tạo, đào tạo lại, đào tạo văn bằng hai, đào tạo từ xa theo hình thức chủ yếu trực tuyến, từng bước xây dựng mô hình giáo dục đại học số, áp dụng sớm trong năm 2022 với một số cơ sở đào tạo công nghệ thông tin có uy tín; khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số lớn triển khai đào tạo, tăng cường đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng số cho các đối tượng trong xã hội”).

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng báo cáo kết quả triển khai chuyển đổi số năm 2022 trên các lĩnh vực như: Nhận thức số; chia sẻ bài toán, sáng kiến, cách làm về chuyển đổi số; kênh truyền thông “Chuyển đổi số quốc gia” trên Zalo; tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng Chuyển đổi số quốc gia; hạ tầng số; nền tảng số; nhân lực số… Cụ thể, 13/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 46/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai 68.933 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 320.000 thành viên tham gia.

Cổng dịch vụ công quốc gia trong 11 tháng năm 2022 đã có hơn 63 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 4,62 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng; hơn 3 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,75 nghìn tỷ đồng. Từ khi khai trương (11-2019) đến nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.250 dịch vụ công trực tuyến; hơn 1 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 152 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 7 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng; hơn 3,88 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 3,45 nghìn tỷ đồng.

Trong năm 2022, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan triển khai tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu trên Công dịch vụ công quốc gia; tái cấu trúc quy trình và phối hợp triển khai phần mềm liên thông 2 nhóm dịch vụ công; tăng cường số hóa hồ sơ, tài liệu giải quyết thủ tục hành chính và kết nối, chia sẻ dữ liệu về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia và các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc lớn trong quá trình triển khai. Cụ thể, một số cơ sở dữ liệu quốc gia cốt yếu chưa được hoàn thành; một số cơ sở dữ liệu quốc gia đã được hình thành nhưng chưa được kết nối, chia sẻ, khai thác hiệu quả; các cơ sở dữ liệu đã xây dựng còn rời rạc, cát cứ, chưa được quy hoạch, tổ chức, dùng chung thống nhất trong cơ quan nhà nước. Việc triển khai các nền tảng số trong chuyển đổi số là cách tiếp cận mới, khác với việc triển khai các hệ thống thông tin trước đây nên nhiều bộ, ngành, địa phương còn lúng túng trong triển khai.

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Chính phủ.

Thực hiện quyết liệt hơn nữa

Tham luận tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, Đề án 06 được xem là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển, xây dựng chính phủ số, công dân số, xã hội số hiện đại. Qua 1 năm triển khai Đề án 06, Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia đi vào hoạt động, nhiều thành tựu vững chắc đã được Chính phủ triển khai, ban hành, đi vào cuộc sống trên nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng.

Với vai trò thường trực, nòng cốt, tiên phong, chủ trì, Bộ Công an đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số Bộ Công an. Từng phần việc, nhiệm vụ cụ thể trong các năm được Ban Chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng, đặt ra lộ trình về thời gian, tiến độ hoàn thành cụ thể cho từng lĩnh vực, bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, trong năm 2022, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Công an đề ra kế hoạch hoạt động với 7 lĩnh vực công tác gồm 32 nhiệm vụ trọng tâm. 

Đại tướng Tô Lâm cho rằng, để triển khai hiệu quả Đề án 06 nói riêng cũng như chuyển đổi số quốc gia nói chung thì cần hoàn thiện nội dung bên trong cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương theo phương châm “đúng, đủ, sạch và sống”. Đây là các tiêu chí sống còn để thực hiện công tác chuyển đổi số quốc gia thành công trong giai đoạn tới, bởi dữ liệu thay đổi từng ngày, từng giờ. Vì thế, các bộ, ngành cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để sớm xây dựng và hoàn thiện trung tâm dữ liệu quốc gia dùng chung; phục vụ Chính phủ điều hành nhằm thống nhất và tránh lãng phí trong khai thác cơ sở dữ liệu. Đồng thời, tạo được niềm tin trong người dân và doanh nghiệp đối với công tác chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, phải cải cách thực chất và tạo được tiện ích cụ thể cho người dân và doanh nghiệp về các dịch vụ công thiết yếu.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho rằng, chuyển đổi số là công việc mới và khó, chưa có tiền lệ, làm thay đổi cách thức làm việc của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước để tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, công dân số.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng của thế giới mà Việt Nam không thể ngoài cuộc. Trong đó, cần chú trọng năng lực quản lý nhà nước để theo kịp công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Cùng với đó là tạo ra cách làm mới trong chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở các nội dung của Đề án 06. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ, trách nhiệm hơn nữa của các bộ, ngành và địa phương, trong đó chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia - dữ liệu dùng chung của cả hệ thống chính trị chứ không riêng gì Bộ Công an; đồng thời dành nhiều nguồn lực đầu tư cho công nghệ thông tin; ưu tiên các phầm mềm dễ dùng cho người dân, doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số quốc gia cần mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.