(HNM) - Giải quyết thủ tục hành chính qua mạng một cách nhanh chóng, giao tiếp thông minh, thương mại điện tử… là những tiện tích mà công nghệ số mang đến, làm đổi thay cuộc sống cho người dân. Trong xu thế phát triển chung đó, nông thôn Hà Nội cũng đang có sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ. Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số là tiền đề để Hà Nội từng bước xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.
Nhiều lợi ích
Huyện Đan Phượng được đánh giá là một trong những điểm sáng của thành phố trong ứng dụng công nghệ số. Việc này đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong phát triển kinh tế, xã hội và trợ giúp đắc lực cho cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở trong công tác quản lý nhà nước... Chị Trần Thị Hương, Cụm trưởng Cụm dân cư số 7, xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) chia sẻ, Thọ Xuân đang trong lộ trình từ xã lên phường, nên khối lượng công việc mà cán bộ ở cơ sở phải giải quyết hằng ngày rất nhiều. Việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành, giúp cán bộ cơ sở thực thi các nhiệm vụ một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Không riêng xã Thọ Xuân, thời gian qua, huyện Đan Phượng đã đẩy mạnh việc chuyển đổi số gắn với xây dựng điểm mô hình thôn thông minh. Đến nay, huyện đã xây dựng được 101 mô hình tại các thôn, cụm dân cư, tổ dân phố, trên nền tảng là các “tổ tự quản thông minh” và những “công dân số”. Huyện Đan Phượng cũng đã lắp đặt mạng wifi miễn phí tại 101 nhà văn hóa thôn, phục vụ người dân tra cứu các thông tin về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giải trí. Toàn huyện đã tuyên truyền, vận động nhân dân lắp đặt 2.731 camera an ninh và 1.844 đèn năng lượng mặt trời tại các trục đường giao thông, xóm, ngõ. Lập bảng mã QR hướng dẫn 5 thủ tục hành chính niêm yết tại các nhà văn hóa, điểm công cộng và đầu các ngõ, xóm… để người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính tại nhà.
Còn tại xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên), Bí thư Đảng ủy xã Trần Bá Cao cho biết, địa phương đang xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023 hoặc chậm nhất là 2024. Một trong những tiêu chí bắt buộc trong nông thôn mới kiểu mẫu, đó là phải thực hiện được một mô hình "thôn thông minh". Thực hiện tiêu chí đó, các gia đình trên địa bàn xã đã tự chủ động ứng dụng nhiều công nghệ vào cuộc sống. Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã sử dụng các hình thức thương mại điện tử trong quảng bá và giao dịch với khách hàng; sử dụng thành thạo thanh toán qua tài khoản…
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, nông thôn Hà Nội ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Hà Nội hiện có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 111 xã nông thôn mới nâng cao, 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu và có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng “thôn thông minh”
Tháng 8-2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, chuyển đổi số là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới xoay quanh 3 vấn đề chính: Phát triển chính quyền số, phát triển các chủ thể kinh tế số và phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Tại Hà Nội, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: “Đến năm 2025, Hà Nội có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp thành phố”. Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho hay: “Thời gian qua, thành phố đã cùng các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người dân về chuyển đổi số trong từng lĩnh vực; tập huấn kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Đến hết năm 2022, Hà Nội đã có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố”.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình “thôn thông minh”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, huyện đã xây dựng kế hoạch và phát động thực hiện trong toàn huyện. Tại các “thôn thông minh”, tổ công nghệ số cộng đồng các thôn đã tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi số, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công, y tế… Các thôn cũng lập các nhóm zalo với hàng nghìn thành viên là đại diện các hộ gia đình tham gia để tương tác, trao đổi tiếp cận với thông tin của xã, thôn một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.