(HNM) - Hiện cả nước có gần 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, hơn 85 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động thực hiện chuyển đổi số, như: Số hóa dữ liệu về bảo hiểm xã hội; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; vận động người dân sử dụng ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID)…
Số người sử dụng ứng dụng VssID tăng nhanh
Theo Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Nguyên Bồng, việc đưa ứng dụng VssID đi vào hoạt động từ giữa tháng 11-2020 đến nay là điểm nhấn quan trọng của ngành Bảo hiểm xã hội trong kế hoạch chuyển đổi số. Vì thế, ngành Bảo hiểm xã hội vừa tuyên truyền, vận động người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID, vừa tiếp tục nghiên cứu nâng cấp, bổ sung các tính năng mới, để người sử dụng thấy hài lòng...
Sau nhiều lần nâng cấp, hiện ứng dụng VssID có nhiều tính năng, tiện ích phục vụ linh hoạt các nhu cầu thông tin thiết yếu của người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt, sử dụng ứng dụng này, người dân có thể thực hiện nhiều giao dịch điện tử, thay thế cho nhiều loại giấy tờ, thủ tục trước đây, trong đó có việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử để khám, chữa bệnh thay thế thẻ bằng giấy (từ ngày 1-6-2021).
Để phục vụ bệnh nhân, hàng trăm cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế uy tín cũng số hóa nhiều khâu liên quan đến công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) Phạm Thị Bích Đào cho hay: “Chúng tôi trang bị đầy đủ hạ tầng công nghệ, có thể đón tiếp cùng lúc nhiều bệnh nhân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử, nhất là ở những khoa cần chạy đua với thời gian để cứu chữa người bệnh như: Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực...”.
Dưới góc độ người sử dụng, anh Nguyễn Thế Phương, trú tại tổ dân phố 6, phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) cho biết: “Chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, tôi đã đăng ký nhập viện thành công bằng thẻ bảo hiểm y tế điện tử cho người thân tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào cuối tháng 7 vừa qua”.
Với những tiện ích thấy rõ, số người sử dụng ứng dụng VssID tăng nhanh. Tính đến ngày 10-8, cả nước đã có gần 17,3 triệu người đăng ký, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID, tăng gấp 2,5 lần so với thời điểm cuối tháng 5-2021 (trước khi được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử). Dự kiến đến cuối năm 2021, cả nước có khoảng 25 triệu người cài đặt và sử dụng ứng dụng tiện ích này.
Đẩy mạnh số hóa, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến
Ngoài ứng dụng VssID, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặc biệt chú trọng số hóa dữ liệu về bảo hiểm xã hội; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến các hoạt động của ngành. Ngành Bảo hiểm xã hội đã cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 4 dành cho tổ chức và cá nhân trên Cổng dịch vụ công của ngành; đồng thời có 24/25 thủ tục hành chính của ngành được thực hiện kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia...
Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã tích hợp cung cấp 5 dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhờ đó, các chính sách hỗ trợ liên quan đến ngành Bảo hiểm xã hội được triển khai hiệu quả, thông suốt.
Đến nay, toàn ngành đã gửi thông báo đến hơn 375.000 doanh nghiệp, với hơn 11,2 triệu người lao động về giảm mức đóng bảo hiểm xã hội tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tiếp nhận và giải quyết cho gần 300 đơn vị, với gần 50.000 lao động tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất; đồng thời, xác nhận danh sách cho gần 350.000 lao động của gần 20.000 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ. Căn cứ vào xác nhận của ngành Bảo hiểm xã hội, các đơn vị, địa phương khẩn trương đưa nguồn lực hỗ trợ đến người thụ hưởng.
Tại Hà Nội, toàn thành phố đã có gần 1,55 triệu người hưởng các chính sách, nguồn lực trợ giúp từ gói an sinh xã hội của Chính phủ, giúp người lao động có điểm tựa vượt qua giai đoạn khó khăn. Chị Nguyễn Thị Thục Anh, nhân viên Trường Mầm non Timeway, xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) cho biết: “Tôi đã nhận số tiền hỗ trợ hơn 3,7 triệu đồng dành cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Tôi đã sử dụng tiền hỗ trợ để mua lương thực, thực phẩm cho gia đình, mua sách vở cho con chuẩn bị bước vào năm học mới”.
Đáng chú ý, những trường hợp đến hạn đóng tiền bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc hết hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình có thể thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Điều này giúp người dân không bị gián đoạn trong việc thụ hưởng các quyền lợi, vừa góp phần bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19...
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhờ quá trình tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, hiện toàn ngành thực hiện giao dịch điện tử đạt gần 80% và tỷ lệ này tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, phấn đấu đến năm 2025, toàn ngành sẽ tiếp nhận, giải quyết 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền không phụ thuộc vào địa giới hành chính (trừ thủ tục yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở); 100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội được số hóa, chia sẻ dữ liệu để phục vụ các hoạt động liên quan...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.