(HNM) - Dịch Covid-19 được coi là cú hích thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia. Với các doanh nghiệp, chuyển đổi số là lợi ích cốt lõi, tạo ra những thay đổi căn bản trong mọi hoạt động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp, việc phát triển hạ tầng công nghệ và cung cấp nền tảng số dùng chung đang được các đơn vị liên quan đẩy mạnh.
Doanh nghiệp chủ động chuyển đổi số
Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông ứng dụng công nghệ sản xuất sản phẩm thông minh từ năm 2011. Đến năm 2020, Công ty thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ số, với nhiệm vụ tiếp tục phát triển hệ sinh thái đèn led-4.0 và triển khai chiến lược chuyển đổi số giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết, công ty tập trung nghiên cứu giải pháp, sản phẩm chiếu sáng xanh - thông minh - vì sức khỏe con người, đồng thời đẩy mạnh kinh doanh trên nền tảng số.
Tương tự, tại Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro), việc ứng dụng công nghệ trong quản trị điều hành và hoạt động sản xuất, kinh doanh được thực hiện suốt 17 năm qua và đặc biệt đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Nhờ vậy, việc chào hàng, xuất, nhập khẩu được triển khai thuận lợi trên nền tảng số trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến giao thương.
Đặc biệt, các doanh nghiệp công nghệ không chỉ cung cấp giải pháp, mà còn là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số. Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa thông tin, các quyết định liên quan đến hoạt động của bộ máy với hàng chục nghìn nhân viên hoặc sản xuất, kinh doanh với hàng nghìn đối tác trên toàn cầu… đều dựa trên công nghệ và phân tích dữ liệu.
Tương tự, Quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) Lê Đăng Dũng khẳng định: “Tất cả quyết định của Viettel hiện nay đều dựa trên số liệu và phân tích dữ liệu, không dựa vào ý chí của ai đó... Doanh thu từ dịch vụ số (gồm giải pháp công nghệ thông tin, thanh toán số, nội dung số, trí tuệ nhân tạo...) của Viettel trong năm 2020 tăng trưởng 27,7% so với năm 2019”.
Nhu cầu cấp thiết
Hiện Việt Nam có khoảng 810.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo khảo sát của Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), khoảng 47% doanh nghiệp nhận thức chuyển đổi số là nhu cầu cấp thiết. Thay vì gặp gỡ, giao thương theo cách truyền thống, các doanh nghiệp đã dần quen với việc kinh doanh trên môi trường mạng, từng bước đầu tư số hóa quy trình nghiệp vụ, quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, có 5 vấn đề đặt ra với khối doanh nghiệp là chi phí, nhân lực tiếp nhận chuyển đổi số, an toàn thông tin, kết nối với các nền tảng số và chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Ông Nguyễn Kim Hùng (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) cho biết, nhiều doanh nghiệp dù nhận thức được yêu cầu chuyển đổi số nhưng lại thiếu kinh phí và cũng không biết bắt đầu từ đâu.
Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia nói chung và của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết, nhiệm vụ của ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông là làm chủ hạ tầng, không gian mạng. Trong đó, mục tiêu quan trọng là phát triển mạng, thiết bị 5G, làm chủ hạ tầng điện toán đám mây bằng công nghệ, phục vụ cho chuyển đổi số nhanh chóng, toàn diện và bảo đảm an toàn an ninh mạng.
Thực tế từ tháng 11-2020, ba nhà cung cấp dịch vụ di động lớn Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone đã thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ngay đầu năm 2021, Viettel đã triển khai 5G tại Khu công nghiệp Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh); cả VNPT/VinaPhone, Viettel đều triển khai 5G ở tỉnh Bình Phước - địa phương có nhiều khu công nghiệp...
Về nền tảng ứng dụng số, trong tháng 1-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì ra mắt nền tảng chuyển đổi số dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (https://smedx.vn), ở các lĩnh vực: Quản trị tổng thể doanh nghiệp, kế toán dịch vụ; quảng cáo, tiếp thị trực tuyến; thanh toán trực tuyến... Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt 15 ứng dụng nền tảng số cho doanh nghiệp.
Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Trọng Đường cho hay, chương trình này đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ có 50.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với chương trình, trong đó tối thiểu 30.000 doanh nghiệp sẽ trải nghiệm, sử dụng các nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tuyên truyền để 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; có tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật và chuyển đổi số; 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình để lan tỏa và nhân rộng; thiết lập mạng lưới gồm 100 tổ chức, chuyên gia tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.