(HNM) - Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào quá trình thực hiện cải cách hành chính, quản lý và điều hành. Điều này đã và đang góp phần ngăn ngừa tham nhũng “vặt” cũng như các hành vi tiêu cực với người dân và doanh nghiệp.
Thêm nhiều kênh giám sát
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khẳng định, chính quyền thành phố phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, biểu hiện vô cảm, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, một trong những giải pháp được thành phố thực hiện là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp của các cơ quan, đơn vị.
Thành phố đã vận hành chính thức Kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về quy định hành chính qua ứng dụng Zalo với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhà nước từ thành phố đến cơ sở.
Theo Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang, thông qua kênh tiếp nhận, người dân có điều kiện sử dụng các ứng dụng chính quyền số để theo dõi, góp ý cho hoạt động của chính quyền thành phố trên môi trường số. “Người dân phát huy được vai trò làm chủ, thực hiện giám sát hoạt động của các cơ quan chính quyền, nhất là các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, gây phiền hà cho người dân”, đồng chí Cù Ngọc Trang nói thêm.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được triển khai với nhiều hình thức mới, hiệu quả trên các nền tảng và môi trường số. Đơn cử như thông qua Cổng thông tin điện tử thành phố, các trang thông tin điện tử, fanpage, nhóm Zalo của các cơ quan, đơn vị, địa phương và đặc biệt một số nền tảng truyền thông chủ động (chủ động gửi thông tin đến máy điện thoại người dùng) của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến với người dân.
Các địa phương cũng đã áp dụng một số mô hình chuyển đổi, ứng dụng số vào đánh giá sự hài lòng của người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phó Chủ tịch UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình) Đoàn Kim Thanh cho biết, người dân có thể quét mã QR để đánh giá sự hài lòng của người dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính tại UBND phường. “Việc ứng dụng số giúp phường phát hiện, xử lý, giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp nếu xảy ra hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà”, bà Đoàn Kim Thanh nói.
Bên cạnh đó, việc thành phố đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, trong đó có 9/25 dịch vụ công trực tuyến được tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trực tuyến (không có hồ sơ tiếp nhận trực tiếp) và tiếp tục tái cấu trúc, tích hợp 1.085 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia đã tăng tính công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính.
Đồng bộ cơ sở dữ liệu
Để tiếp tục phát huy hiệu quả, vai trò của chuyển đổi số trong nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thành phố sẽ tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các ứng dụng đã triển khai, đồng thời liên tục cập nhật, làm giàu cho các cơ sở dữ liệu nền, dữ liệu thanh tra, kiểm tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Phó Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội Nguyễn Thúy Hằng cho biết, thành phố đang triển khai đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Hệ thống giúp các cơ quan quản lý việc tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại cơ quan mình theo quy trình. Từ đó, góp phần thống nhất quy trình điều hành xử lý và công tác tổng hợp báo cáo, bảo đảm chính xác, kịp thời; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi toàn thành phố.
Trên lĩnh vực phát triển dữ liệu số nhằm kiểm soát tài sản, thu nhập, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu thông tin, đơn vị đang triển khai cập nhật, đồng bộ dữ liệu Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước. Đây là những dữ liệu quan trọng để sắp tới, thành phố triển khai “Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập”. Khi đó, nguồn dữ liệu như thông tin về cán bộ, công chức, viên chức chính là những công cụ quan trọng giúp cơ quan quản lý kiểm tra, kiểm soát nội dung và xác minh tính chính xác của nội dung kê khai cũng như phục vụ giám sát từ phía người dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cơ quan, đại biểu dân cử.
Sau khi vận hành thử nghiệm hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố tại 6 quận, huyện, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, thành phố đưa hệ thống vào hoạt động chính thức, phục vụ việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống cung cấp công cụ theo dõi về tiến trình, nhật ký hồ sơ, giúp cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp theo dõi, giám sát hồ sơ. Đồng thời, hệ thống sẽ hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.