Hà Nội kết nối

Chuyển đổi số: Chuyển biến nhỏ tạo thay đổi lớn

Nam Trung - Tuệ An 10/10/2023 - 13:45

Tại thành phố Hồ Chí Minh, các nội dung chuyển đổi số đã và đang giúp thay đổi từ những điều nhỏ nhất, góp phần chuyển đổi số trên quy mô lớn hơn.

a80.jpg
Đội tình nguyện hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến phường Thạnh Mỹ Lợi (thành phố Thủ Đức) trong ngày ra mắt.

Những chuyển biến từ cơ sở
Đúng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10, đội tình nguyện hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của phường Thạnh Mỹ Lợi (thành phố Thủ Đức) triển khai ngày làm việc đầu tiên khi vừa ra mắt hôm 9-10.

Bà Trương Mỹ Giang, 61 tuổi, đến làm thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế cho cháu 5 tuổi, chia sẻ: “Tôi được hỗ trợ nhiệt tình, nhanh chóng, lại được giúp đăng ký luôn định danh điện tử mức 2 để có thể thực hiện nhiều dịch vụ ngay tại nhà. Cảm ơn các bạn nhiều”.

Theo chương trình, trong các ngày thứ ba, năm và sáu hằng tuần từ nay đến cuối năm 2023, các thành viên của đội phối hợp với công chức chuyên môn trực tiếp hướng dẫn người dân cách tạo tài khoản, các bước nộp hồ sơ thủ tục hành chính, thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công thành phố Hồ Chí Minh, khi người dân đến nộp hồ sơ tại bộ phận "một cửa" UBND phường.

a81a.jpg
Tài liệu tuyên truyền tại các cơ sở của thành phố Hồ Chí Minh, kêu gọi người dân hưởng ứng định danh điện tử.

Chủ tịch UBND phường Thạnh Mỹ Lợi Phạm Đình Tú cho biết, mô hình “Đội tình nguyện hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến” với nòng cốt là thanh niên xung kích được thành lập nhằm tập trung hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với thủ tục đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử; liên thông đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử, xóa thường trú, trợ cấp mai táng phí…

Còn tại cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh nhiều điểm mới trong ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nâng cao chất lượng công tác Mặt trận và chất lượng cán bộ đang được triển khai, gắn với chủ đề của thành phố trong năm 2023 là “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.

a82.jpg
Cán bộ, nhân viên Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh hưởng ứng đăng ký và sử dụng chữ ký số, góp phần thực hiện "Văn phòng không giấy".

Tính đến ngày 10-10, toàn bộ thành viên Ban thường trực và 38 cán bộ, công chức, người lao động cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất việc đăng ký và sử dụng chữ ký số.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, việc đăng ký và sử dụng chữ ký số là giải pháp đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ lãnh đạo Cơ quan MTTQ kịp thời nắm bắt hoạt động tại cơ quan, khai thác dễ dàng, nhanh chóng, phát huy tối đa, hiệu quả dữ liệu từ “văn phòng không giấy", góp phần đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số.

Góp phần thực hiện mục tiêu lớn

a83a.jpeg
Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung dữ liệu phục vụ điều hành chung, đạt tỷ lệ hơn 97% dịch vụ công thực hiện trực tuyến.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã hợp nhất hơn 40 phần mềm "một cửa" điện tử của các quận, huyện, sở, ban, ngành, tạo lập nền tảng số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, bao gồm hệ thống văn bản, chỉ đạo, điều hành của hơn 1.000 đơn vị trên địa bàn.

Hiện thành phố đang vận hành 1.542 dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 97,7% tổng số thủ tục hành chính, trong đó có 400 dịch vụ công đạt mức trực tuyến toàn trình.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Võ Thị Trung Trinh cho biết, thành phố đã ban hành quy chuẩn chung về các nội dung, lĩnh vực chuyển đổi số để các địa phương, đơn vị thực hiện; ban hành chính sách xóa cát cứ dữ liệu địa phương, tập trung về kho dữ liệu của thành phố để xử lý, sau đó chia sẻ cho các bên.

a85.png
Sơ đồ Chương trình chuyển đổi số tại thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030.

“Thành phố tạo lập kho dữ liệu lớn trên nền tảng điện toán đám mây, xóa bỏ tâm lý dữ liệu phải lưu trữ ở đơn vị, từ đó hỗ trợ hình thành hạ tầng số cho chuyển đổi số và chia sẻ kết nối với đa bên; chuyển sang hệ thống văn bản điều hành điện tử, giải quyết thủ tục hành chính, quản lý đất đai, giao thông vận tải trên hạ tầng số. Cùng với đó, thành phố đã liên thông với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cấp đăng ký cho doanh nghiệp; liên thông với Bộ Tư pháp trong vấn đề hộ tịch; kết hợp với Hải quan để thu phí cảng biển trên địa bàn”, bà Võ Thị Trung Trinh thông tin.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, trong năm 2023, thành phố tập trung hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đối với thủ tục đủ điều kiện); đẩy mạnh ứng dụng Công dân số, tổ chức triển khai 2 chiến lược quan trọng: Chiến lược Quản trị dữ liệu và Chiến lược An toàn thông tin…

Theo xếp hạng chuyển đổi số DTI năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố mới đây, thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 2 cả nước. Trong đó, về chỉ số Thể chế số xếp thứ nhất, Hạ tầng số - thứ nhất, Hoạt động chính quyền số - thứ hai toàn quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số: Chuyển biến nhỏ tạo thay đổi lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.