Lĩnh vực y tế đang trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như phòng chống dịch Covid-19. Việc chuyển đổi số các dịch vụ y tế để người dân được hưởng lợi ích, dịch vụ tốt nhất về khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe là ưu tiên hàng đầu.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thời gian qua, Việt Nam đã tham gia rất tích cực vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng rất sớm và năng động.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu “kép” vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa tiếp tục khôi phục, đẩy mạnh và phát triển kinh tế. Vừa qua, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, các quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao cách tiếp cận, cách làm cũng như sự chủ động của Việt Nam. Cũng tại đây, Thủ tướng đã công bố việc thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (AC-PHEED) dự kiến đặt tại Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực y tế, tăng cường khả năng điều phối quốc gia và khu vực, ứng phó với dịch bệnh trong tương lai.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Có thể nói, bối cảnh hiện nay là thách thức rất lớn, chúng ta cần biến thách thức thành cơ hội. Do đó, đây cũng là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số. Đây cũng là giải pháp quan trọng để hạn chế tiếp xúc người với người trong nền kinh tế không tiếp xúc, giao dịch không tiếp xúc, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
“Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 130.000 doanh nghiệp được thành lập mới, sau khi Trung tâm khởi nghiệp quốc gia được thành lập, với sự chỉ đạo của Thủ tướng, tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm đi đầu và thành công trong vấn đề chuyển đổi số. Ở đây có dư địa tăng trưởng lớn vì chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, các nhà công nghệ giỏi cũng như sự tham gia, cổ vũ của cộng đồng quốc tế”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, dù chỉ trong thời gian ngắn, nhưng chúng ta đã làm được rất nhiều công việc, đó là khai trương và vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hệ thống E-cabinet, Cổng dịch vụ công quốc gia… Đây là những sản phẩm rất quan trọng, có sự đóng góp của các bộ, ngành, địa phương trong đó có ngành Y tế. Bộ Y tế là một Bộ rất tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là việc ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Qua tập hợp phản ánh của các doanh nghiệp, người dân có thể thấy Nghị định 15 đã tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp theo hướng cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính về đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, theo đó, 95% lô hàng thực phẩm nhập khẩu sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành.
Đặc biệt trong thời kỳ chuyển đổi số, khi đại dịch đang tác động tiêu cực đến tất cả các nước, các nền kinh tế, ngành Y tế đã có sự trỗi dậy, đó là nắm bắt được thời cơ và ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, số hóa, các dịch vụ đặc biệt là khám chữa bệnh từ xa tới 1.500 cơ sở y tế. Người dân cả nước ở bất cứ đâu đều có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất của tuyến trên ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám, hỗ trợ tư vấn, điều trị thông qua các thiết bị điện tử thông minh.
Bộ Y tế cũng đang đẩy mạnh sử dụng bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy tại các cơ sở khám, chữa bệnh và việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên nền tảng thanh toán của Cổng dịch vụ công quốc gia. Nếu làm tốt việc này, ngay tại cơ sở y tế, người bệnh không phải mang sổ khám chữa bệnh như trước đây, được thanh toán chế độ bảo hiểm dễ dàng.
“Hiện nay, Bộ Y tế đã công khai tất cả vấn đề liên quan giá thiết bị và tới đây, Bộ Y tế sẽ công khai toàn bộ giá dịch vụ và kêu gọi xã hội hóa để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của người dân. Tôi tin tưởng rằng, ngành Y tế sẽ thực hiện được những nhiệm vụ Thủ tướng giao cho ngành Y tế, đó là phải tiên phong, đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Hiện tại, chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt. Từng bộ, ngành, địa phương cũng đã có kế hoạch cụ thể. Ngành Y tế là một trong những ngành tiên phong thực hiện các nhiệm vụ của chương trình chuyển đổi số quốc gia. Người dân đang mong đợi rất nhiều ở những dịch vụ mà ngành Y tế công khai, minh bạch, tạo ra dịch vụ tốt nhất, thuận lợi nhất cho người dân để giảm đi lại, giảm chi phí không cần thiết. Số hóa dịch vụ y tế là để người dân được hưởng những lợi ích, các dịch vụ tốt nhất về khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Trong việc thực hiện các dịch vụ công, Bộ Y tế đã đưa lên Cổng dịch vụ công của Bộ 100% dịch vụ công cấp độ 3, 4, đã kết nối lên Cổng dịch vụ công quốc gia 100 dịch vụ công. Đến ngày 15-11-2020, có 1.479 hồ sơ tiếp nhận, xử lý, đồng bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ Y tế đã cùng với Văn phòng Chính phủ tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản, thuận tiện với người dùng trước khi kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.