Văn hóa

Chuyển đổi số báo chí: Vừa là nhu cầu cần thiết, vừa là đòi hỏi khách quan Cuộc chuyển đổi toàn diện hoạt động báo chí

Hạ Yến 04/11/2023 - 06:56

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội với nhiều cơ hội mới được mở ra, nhưng đồng thời cũng xuất hiện nhiều thách thức phải đối mặt.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu ở mọi lĩnh vực, trong đó có báo chí và truyền thông, nhằm thích ứng với bước tiến thời đại và tạo ra bước phát triển mang tính bứt phá.

bao-chi-1a.jpg
Chuyển đổi số báo chí và truyền thông nhằm thích ứng với bước tiến thời đại và tạo ra bước phát triển mang tính bứt phá.

Tạo tiền đề cho chuyển đổi số báo chí

Khái niệm đọc báo điện tử trả phí còn khá xa lạ đối với nhiều người Việt Nam dù hình thức này đã trở nên quen thuộc ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ quen với việc này, nhất là khi các dịch vụ truyền hình trả tiền, dịch vụ nghe nhạc trả phí đã được thực hiện thành công ở Việt Nam.

Cũng như khi trả phí dịch vụ để có thể lướt mạng, nghe nhạc, xem phim, đọc sách, xem bóng đá, việc trả phí để đọc báo hoàn toàn có thể trở thành thói quen phổ biến nếu người dân nhận ra những quyền lợi mà mình được hưởng khi trở thành khách hàng thân thiết lâu dài, chẳng hạn như chất lượng nội dung thông tin được đảm bảo, loại bỏ được quảng cáo rác, sớm nhận được thông tin về lĩnh vực mà mình quan tâm, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng với các gói cước phù hợp...

PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cho biết: “Nhờ việc thích ứng và có những bước chuyển mình trong bối cảnh chuyển đổi số, không ít báo điện tử tại Việt Nam đã nhanh chóng tạo được sức hút đối với bạn đọc, đồng thời cho thấy khả năng truyền tải thông tin một cách nhanh chóng và đa dạng. Nhiều tác phẩm báo chí có sự ứng dụng công nghệ số đã tạo nên tính tương tác hai chiều, lôi cuốn và tạo cảm giác gần gũi với độc giả”. Song, dù vậy, hành trình để đi được đến đích - đọc báo điện tử có trả phí - còn khá xa, đòi hỏi bước tiến mạnh mẽ trong chuyển đổi số của các cơ quan báo chí.

Năm 2023 có thể coi là năm tạo tiền đề cho chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam khi nhiều văn bản pháp quy liên quan tới nội dung này đã được ban hành. Ngày 6-4-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 348/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Sau đó, ngày 8-5-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra Quyết định số 781/QĐ-BTTTT về việc ban hành Kế hoạch hành động triển khai "Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với những chỉ tiêu được đặt ra trong từng giai đoạn, thậm chí cụ thể theo từng năm.

Với kế hoạch này, các cơ quan báo chí cần phải xây dựng lộ trình chuyển đổi số với những bước đi cụ thể, bố trí nguồn lực và nhân lực phù hợp để đưa nội dung lên các nền tảng số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, mô hình tòa soạn phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới; sản xuất nội dung theo xu hướng báo chí số...

Ngày 2-6-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục có Quyết định 951/QĐ-BTTTT về “Ban hành Bộ chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí” nhằm giúp từng cơ quan báo chí có thể xác định được tòa soạn mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số, từ đó có lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp để cơ quan báo chí có thể phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Bộ chỉ số này cũng là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước tạo lập được bức tranh toàn cảnh về cơ sở dữ liệu chuyển đổi số báo chí, từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực, triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số báo chí trên toàn quốc.

bao-chi-1b.jpg
Podcast "Bốn mùa cảm xúc" - sản phẩm mới của Báo Hànộimới.

Cuộc vận động mang tính toàn diện

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin và công nghệ phát triển như vũ bão trên phạm vi toàn cầu, chuyển đổi số báo chí vừa là nhu cầu cần thiết, vừa là đòi hỏi khách quan đối với các cơ quan báo chí.

Hiện nay, ngoài hệ thống gần 30 cơ quan báo điện tử độc lập thì hầu hết các cơ quan báo in, phát thanh và truyền hình Việt Nam đều có báo mạng điện tử. Những đơn vị này phải đối diện với sự thật là yếu tố thu hút người đọc hiện không dừng ở các bài báo viết có ảnh đơn thuần nữa, mà là những tác phẩm báo chí có sử dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại như Megastory, Infographics, Longform, Data Journalism, hay Video, Media, Podcast...

Rất nhiều người đọc có xu hướng "lạnh nhạt" với những tờ báo in, thậm chí là báo điện tử, chuyển sang tìm kiếm thông tin báo chí qua các nền tảng số do bè bạn hay do chính cơ quan báo chí đăng tải trên tài khoản mạng xã hội của mình.

Hiện nay, không ít cơ quan báo chí đã làm tốt hoạt động đưa tin tức lên mạng xã hội, chẳng hạn như Truyền hình Nhân dân với kênh YouTube có hơn 2,9 triệu người đăng ký theo dõi, hay nhiều chương trình phát trên kênh YouTube “VOV Live - Đọc truyện” của Đài Tiếng nói Việt Nam thu hút hàng chục nghìn lượt xem... Đây là minh chứng cho thấy bước chuyển lớn của các cơ quan báo chí.

Ông Hoàng Nguyên Vân, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, cho rằng: “Chuyển đổi số báo chí là cuộc chuyển đổi toàn diện hoạt động báo chí”. Để thích ứng và phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0, các cơ quan báo chí phải năng động thay đổi ở nhiều mặt, từ mô hình tòa soạn, cơ cấu tổ chức bộ máy, quy trình sản xuất, quản lý dữ liệu, vị trí việc làm, phương thức tác nghiệp của đội ngũ làm báo đến việc đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi cách tiếp cận và thông tin tới độc giả, thay đổi cách tiếp thị, xây dựng thương hiệu, hợp tác kết nối với các nền tảng số để cùng phát triển...

Ngày nay, thay vì đọc thụ động, độc giả thường chủ động tìm đọc tin mà mình thích, mình cần, do đó, các cơ quan báo chí cần có biện pháp để phân tích dữ liệu độc giả, từ đó chọn lựa và phân phối thông tin ưa thích đến từng độc giả nhằm giúp họ cá nhân hóa trang tin theo sở thích hay mối quan tâm của riêng mình bằng công nghệ tự động.

Rất nhiều nền tảng số như Netflix, Spotify đang chiếm lĩnh được thị trường chính là nhờ vào việc phân tích dữ liệu qua list tự chọn mà người dùng tạo nên. Điều đó giúp các nền tảng này tổng hợp dữ liệu về hành vi của người dùng, như loại nhạc mà họ thường nghe, tốc độ nghe, cách tìm kiếm, thời gian nghe, thiết bị nghe, loại quảng cáo không được quan tâm... Từ danh sách lựa chọn của cá nhân, các nền tảng số tổng hợp danh sách người dùng chia theo giới tính, độ tuổi, vùng miền, sở thích... để từ đó định hướng dòng sản phẩm cần phát triển phù hợp với các đối tượng đặc thù.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong việc đa dạng hóa các loại hình truyền thông mới, các cơ quan báo chí cần ưu tiên phát triển sản phẩm dành cho điện thoại di động. Ngày nay, người trưởng thành hầu như ai cũng có điện thoại di động có kết nối mạng để nghe, xem, đọc, đặc biệt là “thế hệ số” thường xuyên dùng mobile và thích những trải nghiệm mới. Bởi thế, nếu chỉ phát triển dòng sản phẩm "cho desktop” mà thiếu chiến lược phát triển truyền thông di động thì cơ quan báo chí đã “chậm chân”, dễ thất bại.

Theo PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, nếu trước đây trong truyền thông báo chí, nội dung được coi là “vua” thì sau này, dữ liệu (data) là yếu tố quan trọng.

“Trong tương lai, dữ liệu và trực quan hóa dữ liệu vẫn là vùng đất màu mỡ cho báo chí khai thác. Trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội và các trang cá nhân, báo chí dữ liệu được coi như một trong những giải pháp để lôi kéo công chúng trở về với báo chí. Báo chí dữ liệu ở Việt Nam muốn phát triển thì cần nỗ lực từ chính các cơ quan báo chí, người làm báo và các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông” - PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh nói.

Công nghệ giúp ích cho sáng tạo nội dung, giúp tác phẩm báo chí tốt hơn, bắt mắt hơn, tiếp cận độc giả nhanh hơn. Mô hình của báo chí tương lai sẽ là một trung tâm dữ liệu, vì thế, nhân sự trong tòa soạn còn phải biết tổng hợp, phân tích dữ liệu.

VnExpress có lẽ là cơ quan báo chí đầu tiên ở Việt Nam từng tuyển dụng các vị trí về dữ liệu như Data Scientist, Data Analyst. Tại hầu hết các tòa soạn khác vẫn chỉ có thuần phóng viên, biên tập viên nên khi chuyển đổi số thì phải đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ này.

Cùng với “thể chế số”, “hạ tầng số” thì “nhân lực số” là một trụ cột quan trọng. Để có nguồn nhân lực số cho tương lai của báo chí số, đòi hỏi phải có sự thay đổi ngay từ khâu đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học để sinh viên ra trường có thể tác nghiệp trong môi trường báo chí hiện đại.

Ông Phạm Vũ Minh Tú (Phòng Nghiên cứu Báo chí và Truyền thông số, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông) chia sẻ: “Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông là một trong những trường đại học đầu tiên trong cả nước thực hiện việc chuyển đổi số toàn diện. Vừa qua, Học viện đã thành lập ngành mới là Báo chí số, thuộc khoa Đa phương tiện”.

Cuối cùng, chuyển đổi số báo chí còn là câu chuyện về chuyển đổi nguồn thu. Khi doanh thu truyền thống dựa vào quảng cáo báo in, vào việc bán báo của các cơ quan báo chí giảm dần qua các năm thì mỗi đơn vị báo chí cần xác định rõ hơn đối tượng độc giả/ khách hàng, từ đó tạo nên sản phẩm, nội dung phù hợp. Các cơ quan báo chí cần tập trung phát triển thế mạnh cốt lõi để tìm kiếm nguồn thu từ quảng cáo kỹ thuật số và tiến tới thu phí độc giả đọc báo điện tử.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số báo chí: Vừa là nhu cầu cần thiết, vừa là đòi hỏi khách quan Cuộc chuyển đổi toàn diện hoạt động báo chí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.