(HNM) - Xu hướng mô hình công chứng trong năm 2015 và những năm tiếp theo sẽ như thế nào? Đây là vấn đề mà đại bộ phận cán bộ, nhân viên các phòng công chứng (PCC) trên địa bàn Hà Nội lo lắng. Bởi theo đề xuất của Bộ Tư pháp, sẽ có những thay đổi về nhân sự khi đổi PCC (công) thành Văn phòng công chứng
Theo Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp, công chứng là hoạt động cung cấp dịch vụ công nhưng thực tế cho thấy khu vực tư nhân đảm trách việc công chứng tốt hơn các đơn vị sự nghiệp công rất nhiều. Do đó, một trong những thay đổi nổi bật trong thời gian tới là mô hình PCC công đã và đang được nghiên cứu điều chỉnh theo hướng chuyển đổi thành VPCC tư. Cụ thể, dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng đang được Bộ Tư pháp xây dựng đề xuất, tất cả công chứng viên (CCV) đang hành nghề tại địa phương đều có quyền nộp hồ sơ tham gia đấu giá "quyền nhận chuyển đổi PCC". Theo đó, Sở Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan, hội công chứng ở địa phương xác định giá khởi điểm của "quyền nhận chuyển đổi PCC" để tiến hành đấu giá trong các CCV có nhu cầu nhận chuyển đổi. Trường hợp các CCV đăng ký tham gia đấu giá trả giá ngang nhau thì CCV đang làm việc tại PCC được chuyển đổi được ưu tiên trúng thầu. Đối với tài sản như trụ sở, trang thiết bị… hiện đang do PCC quản lý, sử dụng thì được xử lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Đối với phương án thứ hai, việc chuyển đổi sẽ không thực hiện theo phương thức đấu giá đối với "quyền nhận chuyển đổi PCC" mà PCC sẽ được chuyển đổi cho chính các CCV đang làm việc tại PCC (CCV không phải trả chi phí để được nhận chuyển đổi). Thực hiện theo phương án này cũng có nghĩa CCV không thực hiện việc đấu giá "quyền nhận chuyển đổi PCC" mà chỉ chuyển đổi về mô hình hoạt động từ PCC sang VPCC. Còn về cơ bản, toàn bộ CCV, người lao động sẽ chuyển sang làm việc tại VPCC được thành lập trên cơ sở PCC được chuyển đổi.
Có thể nói, việc chuyển đổi từ mô hình PCC công sang mô hình VPCC tư là xu hướng tất yếu, nhất là trong bối cảnh các VPCC đã dần khẳng định được vai trò, uy tín của mình, được nhiều người dân, doanh nghiệp tín nhiệm lựa chọn. Tuy nhiên, theo các tổ chức hành nghề công chứng, song song với việc chuyển đổi cần phải tính toán xem nên quy định thế nào để bảo đảm quyền lợi cho công chức, viên chức đang làm việc tại các PCC, trong đó có những người đã gắn bó gần cả cuộc đời với nghề công chứng.
Theo đại diện PCC số 6, chuyển đổi PCC sang VPCC theo phương thức bán đấu giá rất có thể gây nên tình trạng xáo trộn về mặt biên chế và làm phát sinh thêm các chi phí khi những người lao động là những công chức, viên chức hiện đang làm việc tại các PCC có nguy cơ phải "ra đường" sau khi chuyển đổi nếu không có sự đồng thuận với trưởng đại diện VPCC về quyền, lợi ích. Cùng quan điểm, Phó Trưởng PCC số 7 Vũ Đông cho biết, hiện đội ngũ CCV của thành phố rất đông đảo, điển hình PCC số 1 đã có đến 30 người, 17 CCV, hệ số lương của các công chứng viên rất cao. Thông điệp của PCC số 7 muốn đưa ra là, khi chuyển đổi mô hình hoạt động, việc bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và viên chức, người lao động đang làm việc tại PCC phải đặt lên hàng đầu.
TS Tuấn Đạo Thanh, Trưởng phòng Công chứng số 1, khi xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) các nhà làm luật đã cân nhắc rất kỹ khi sử dụng thuật ngữ "chuyển đổi" nhằm hướng đến thuận lợi trong giao dịch của người dân, sự an toàn của giao dịch. Cần hiểu chuyển đổi không có nghĩa là chấm dứt một PCC để thành lập ra một VPCC mới mà phải duy trì được nguyên trạng về con người, về địa điểm để lập ra một VPCC từ một PCC. Chẳng hạn 25 năm nay người dân đã quen đến với PCC số 1 ở địa chỉ 310 Bà Triệu, giờ lại thay đổi sang một vị trí khác thì sẽ vừa không thuận tiện cho người dân, vừa phá vỡ quy hoạch công chứng, vừa khó bảo đảm sự an toàn pháp lý cho kho hồ sơ, dữ liệu công chứng hiện đang được lưu trữ ở đây. |
Ở góc nhìn khác, TS Tuấn Đạo Thanh, Trưởng PCC số 1 khẳng định, nếu chuyển đổi, Nhà nước được hưởng lợi nhờ việc thu thuế từ hoạt động công chứng và giảm được bộ máy hành chính. Hơn nữa, việc triển khai thành công sẽ giảm về đầu tư ngân sách, nguồn nhân lực của Nhà nước đối với dịch vụ công chứng. Có điều là đối tượng của hành vi bán đấu giá (phương án 1) hoàn toàn không có. "Tôi cho rằng, tài sản có giá trị lớn nhất là trụ sở thì không có đại gia nào bỏ hàng chục tỷ đồng để nhận về nếu không được thay đổi mục đích sử dụng mà vẫn phải duy trì là trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Còn nói tài sản "thương hiệu", chẳng hạn thương hiệu PCC số 1 thì rõ ràng là khi chuyển đổi từ PCC sang VPCC sẽ không còn PCC số 1 nữa mà thay vào bằng tên một VPCC nào đó. Tức là thương hiệu trước đó đã bị xóa sổ thì không còn gì để bán đấu giá" - TS Tuấn Đạo Thanh nói.
Ngoài những băn khoăn về chuyển đổi PCC công thành VPCC như thế nào cho hiệu quả, nhiều cán bộ, nhân viên các PCC trên địa bàn Hà Nội cũng tỏ ra băn khoăn khi dự thảo chưa rõ định lượng về kết quả xã hội hóa hoạt động công chứng tại địa bàn. Nếu thiếu những thông số chi tiết này, có thể dẫn đến cách hiểu, vận dụng trái ngược giữa cơ quan quản lý và đơn vị chịu trách nhiệm thi hành…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.