(HNMO) - Chiều 15-12, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ, nhằm cung cấp thông tin và giải đáp các vấn đề báo chí trong và ngoài nước quan tâm.
Chia sẻ thêm thông tin về việc Việt Nam sẽ nhận được hỗ trợ 15,5 tỷ USD phục vụ tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ:
“Việt Nam đã cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Đây là bước đi cụ thể để tiếp tục huy động nguồn lực tài chính và công nghệ nhằm góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường; và hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với sự hỗ trợ của quốc tế.
Đồng thời, việc thông qua Tuyên bố chính trị cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ, nhất quán và nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam chung tay giải quyết một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay.
Như chúng ta đều biết, tiến trình chuyển đổi năng lượng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, do đó, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi, hợp tác với các nước và các đối tác quốc tế khác trên cơ sở công bằng, công lý, bình đằng, cùng có lợi để đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu”.
JETP là tuyên bố của Chính phủ Việt Nam cùng đối tác quốc tế, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italia, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch. Quan hệ đối tác sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu tham vọng về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đẩy nhanh tốc độ đạt đến đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
JETP ban đầu sẽ huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3-5 năm tới, nhằm hỗ trợ Việt Nam hướng tới một số mục tiêu mới tham vọng hơn so với các cam kết trước đây. Cụ thể, đưa thời điểm đạt đỉnh phát thải khí nhà kính quốc gia dự kiến ở Việt Nam sớm hơn 5 năm, vào năm 2030, thay vì năm 2035 theo lộ trình của Việt Nam.
Tương ứng, ngành điện cũng sẽ đạt đỉnh phát thải sớm 5 năm với mức giảm phát thải đỉnh tối đa 30% vào năm 2030, từ 240 triệu tấn CO2 xuống còn 170 triệu tấn CO2.
Chương trình cũng hướng tới giảm công suất điện than của Việt Nam từ mức 37GW theo kế hoạch hiện tại xuống còn 30,2GW; đẩy nhanh việc phát triển năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này sẽ chiếm 47% tổng lượng điện được tạo ra đến năm 2030 (so với tỷ trọng hoạch định hiện nay là 36%).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.