(HNM) - Chợ là một bộ phận quan trọng, không thể thiếu trong hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, vừa là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa dịch vụ, vừa là nơi giao lưu văn hóa của người dân. Đã có nhiều kế hoạch, chủ trương để đưa hệ thống chợ phát triển theo hướng văn minh, hiện đại…
Hệ thống chợ đang xuống cấp
Nhiều ngôi nhà hiện đại lấp ló sau những lũy tre làng, nhưng chợ quê dường như vẫn giữ nguyên nếp cũ. Hầu hết các chợ đều trong tình trạng xập xệ. Lối vào nhỏ, nhiều khi lọt thỏm giữa các kiốt vây quanh mặt ngoài. Trong chợ chỉ có một vài sạp hàng cố định, còn lại là một số quầy bán thịt gia súc, gia cầm sắp xếp không theo hàng, lối.
Chợ trung tâm thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) còn một số hạng mục chưa được hoàn thiện. |
Có mặt tại chợ Phượng (Phụng Châu, Chương Mỹ), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi ở ngay cửa ngõ vào nội đô lại có một chợ mất vệ sinh đến vậy. Khu vực dìa chợ rác thải đổ tràn lan, ruồi nhặng bu quanh những chiếc bàn bán thịt để chỏng chơ… Chợ Quảng Bị (Chương Mỹ) không hơn được là bao với lối vào nhỏ, gập ghềnh đá và rác… Trái với cảnh đìu hiu bên trong chợ, ngoài mặt đường liên xã cách đó không xa, người dân họp chợ rôm rả; thịt cá, rau quả bày tràn ra cả lòng đường… Ông Bùi Tuấn Cử, Chủ tịch UBND xã Quảng Bị cho biết: Chợ ở đây xây dựng từ khoảng năm 1992, đến năm 2007 lại được đầu tư xây thêm cầu chợ. Tuy nhiên, người dân chỉ tập trung bán hàng tại chợ vào ngày phiên. Chính quyền địa phương đã dùng nhiều biện pháp, từ cứng rắn đến mềm dẻo, thậm chí không thu cả tiền vé chợ để động viên bà con vào kinh doanh đúng địa điểm, nhưng hễ vắng lực lượng chức năng là người dân lại tràn ra đường buôn bán.
Cơ sở hạ tầng của các chợ vùng nông thôn thiếu đủ bề, hầu hết không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, hoặc nếu có cũng chỉ là vài chiếc bình bọt cứu hỏa. Công tác thu gom rác ít được quan tâm nên rất mất vệ sinh môi trường. Chợ thường không có bãi gửi xe, không có nhà vệ sinh, không có điểm đổ rác cố định. Hệ thống cống rãnh, nước thải, nước sinh hoạt thiếu hoặc trong tình trạng tạm bợ, vá víu… Các chợ tồn tại đã lâu, nhưng nhiều chợ không niêm yết nội quy, chưa có phương án thu phí cụ thể theo hướng dẫn của Sở Tài chính. Mức thu vé chợ ở các địa phương không đồng nhất, thông thường vẫn chỉ dừng ở mức thu vé ngày với giá chỉ vài nghìn đồng, không đủ trang trải cho chi phí quản lý, trông coi chợ…
Nhiều năm nay, phần lớn các chợ vẫn do UBND xã, phường quản lý thông qua tổ quản lý chợ hoặc giao khoán cho các tổ hoặc hộ gia đình. Điều này làm giảm tính chủ động trong quản lý kinh doanh và các khoản thu cũng dễ bị nhập nhèm; các tổ quản lý chợ hầu như chỉ thực hiện việc thu vé, chưa khai thác chợ một cách hiệu quả… Do đó, việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ là hướng đi đúng đắn nhằm cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn theo hướng văn minh.
Vẫn là ẩn số
Theo số liệu của Sở Công thương, đến nay đã có 17/30 quận, huyện, thị xã được UBND thành phố phê duyệt kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác và 124 chợ đã thực hiện chuyển đổi sang DN, HTX quản lý. Nhiều chợ tại các quận nội thành đã thu hút hàng nghìn tỷ đồng của DN để xây dựng chợ kết hợp với các loại hình dịch vụ khác (chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da…), nhưng việc khai thác chợ tại đây hiệu quả chưa cao; nhiều chợ đã lựa chọn được DN vào đầu tư, nhưng lại vấp phải sự phản đối của tiểu thương như: Chợ Châu Long (Ba Đình), chợ Ngã Tư Sở (Thanh Xuân)… |
Từ năm 2003 đến nay, UBND TP Hà Nội đã 3 lần ban hành quyết định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Gần đây nhất là Quyết định 12/2011/QĐ-UBND ngày 9-3-2011, quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ từ ban quản lý chợ, tổ quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, kinh doanh khai thác chợ. Việc chuyển đổi này cơ bản đáp ứng được yêu cầu thu hút các nguồn vốn của mọi thành phần kinh tế để đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất của chợ; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh ổn định, giải quyết nhu cầu việc làm…
Căn cứ vào các văn bản nêu trên, nhiều huyện đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ giai đoạn 2011-2015… Song đến nay khối lượng công việc thực hiện được không như mong muốn. Nhiều chợ có nguồn đầu tư lớn nhưng sử dụng không hiệu quả, gây nhiều lãng phí vì không "hút" được tiểu thương vào kinh doanh như chợ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), chợ trung tâm thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) đã đầu tư xong hạng mục chính, nhưng hạng mục phụ chưa hoàn thiện; hay như chợ Vân Côn (huyện Hoài Đức) xây dựng xong đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng… Chưa kể, trong khi tiểu thương kinh doanh tại chợ chỉ muốn trả vé chợ theo ngày thì DN đầu tư vào chợ lại muốn giá thuê chỗ ngồi cao để nhanh thu hồi vốn. Chính điều này dẫn đến tình trạng người dân khiếu kiện khi DN vào khai thác, tiếp quản chợ, còn DN ngại nên quay lưng lại với việc đầu tư vào các chợ ngoại thành.
Những khó khăn đó khiến việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ chỉ thực hiện thí điểm ở một số địa phương có điều kiện kinh tế phát triển. Nhưng cũng chỉ một số ít chợ sau khi chuyển đổi mô hình quản lý được đầu tư cải tạo, còn lại phần lớn mặc dù đã chuyển đổi mô hình quản lý nhưng vẫn giữ nguyên cơ sở vật chất như trước. Một số chợ mặc dù đã lựa chọn được DN quản lý vận hành, khai thác… nhưng tiểu thương không đồng ý với chủ trương xã hội hóa đầu tư, ví dụ điển hình là chợ Đông Phương Yên (Chương Mỹ). Đối chiếu với kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ của các huyện giai đoạn 2011-2015 đã được phê duyệt thì hầu hết tiến độ triển khai việc chuyển đổi đều không đúng kế hoạch; nhiều chợ lập kế hoạch chuyển đổi từ năm 2012, 2013… nhưng đến nay vẫn "dậm chân tại chỗ" như: Chợ Dày (Đan Phượng); chợ Hát, chợ Ngọc Tảo, chợ Hiệp (Phúc Thọ)…
Thực trạng trên cho thấy việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ theo kế hoạch của các huyện đã đề ra còn là ẩn số. Song với những chợ đã xuống cấp, việc tập trung nguồn vốn để nâng cấp, cải tạo cần sớm triển khai. Với những khó khăn của nền kinh tế hiện nay thì việc kêu gọi các DN đầu tư, khai thác chợ là một thách thức lớn, đòi hỏi lãnh đạo các địa phương phải chủ động, đề cao trách nhiệm trong vận hành, quản lý hệ thống chợ trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.