Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Linh hoạt trong quy hoạch

Nguyễn Mai - Hương Dung| 27/09/2013 06:20

(HNM) - Trong xây dựng nông thôn mới, bài toán nâng cao thu nhập cho người dân đã và đang được đặt ra cho tất cả các địa phương.



Nhiều ý kiến khẳng định, đối với một số loại cây trồng như lúa, ngô, đậu… dù cho áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng sản lượng lên cao đến một ngưỡng nhất định cũng sẽ dừng lại. Do đó, để tạo bước đột phá trong nâng cao thu nhập, hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM, việc đưa những cây trồng phù hợp, hiệu quả cao vào sản xuất rất cần được khuyến khích.

Trồng chuối tiêu hồng trên đất bãi ven sông Đuống ở xã Cổ Bi, Gia Lâm cho hiệu quả cao.


Hiệu quả được khẳng định

Ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (Mê Linh), ông Nguyễn Văn Dũng là một trong những điển hình phát triển kinh tế từ nghề trồng rau trái vụ. Ông cho biết, trồng rau trái vụ thường xảy ra rủi ro cao hơn nhiều so với rau trồng chính vụ, đòi hỏi người trồng phải có nhiều kinh nghiệm và tốn công chăm sóc. Tuy nhiên, nếu làm được thì hiệu quả kinh tế sẽ rất cao. Năm 2012, chỉ với 2,2 sào trồng cà chua trái vụ, gia đình ông đã lãi 120 triệu đồng. Hiện nay, ngoài trồng rau, gia đình còn nuôi thêm gà, vịt và trồng cây ăn quả, mỗi năm lãi khoảng 500 triệu đồng… Còn ở xã Hạ Mỗ (Đan Phượng), chỉ trong 5 năm gần đây, người dân đã chuyển được 82ha vốn trồng lúa sang trồng hoa. Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hạ Mỗ Tạ Thị Bình nhớ lại, năm 2008, một số hộ dân xã Tây Tựu (Từ Liêm) đã tìm đến thuê 3ha đất của người dân để trồng hoa và sử dụng lao động địa phương chăm sóc hoa. Quá trình làm thuê, người dân Hạ Mỗ đã học hỏi được kinh nghiệm và làm theo, chuyển diện tích đất nông nghiệp của gia đình sang trồng hoa. Đến nay, cả xã có 127 hộ ở các thôn 5, 6, 8 chuyển từ trồng lúa sang trồng hoa. Theo tính toán, trồng hoa ly đạt 2 tỷ đồng/ha; hoa hồng, cúc, loa kèn đạt khoảng 1 tỷ đồng; cao hơn hàng trăm lần so với cấy lúa truyền thống.

Có thể nói, những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang ngày càng phát huy hiệu quả ở nhiều cánh đồng khu vực ngoại thành, góp phần đáng kể nâng cao đời sống người dân. Theo ông Đinh Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, sản lượng lúa dù cao nhưng giá trị thấp. Nhiều năm nay, nông dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi được 914ha lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng hiệu quả cao hơn. Mục tiêu của huyện là sẽ tiếp tục chuyển 500ha đất lúa sang thực hiện các mô hình cây con đặc sản, tập trung vào hoa và rau an toàn. Huyện đã bước đầu hỗ trợ người dân về giống, vốn và khâu tiêu thụ, trong đó, đối với cây ăn quả, đã xây dựng được thương hiệu Bưởi tôm vàng.

Linh hoạt trong sử dụng đất lúa

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, đối với sản xuất nông nghiệp ở các vùng ven đô Hà Nội, người dân không nhất thiết phải trồng lúa miễn là sử dụng đất đúng mục đích, cây trồng đem lại hiệu quả cao hơn và khi cần thiết có thể chuyển lại trồng lúa một cách dễ dàng. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cổ Bi (Gia Lâm) Đinh Tất Thắng chỉ rõ, thực tế sản xuất nông nghiệp giữa vùng bãi ven sông Đuống chuyên trồng chuối và vùng đồng chuyên cấy lúa trên địa bàn xã đang cho thấy một bức tranh tương phản về thu nhập. "Một sào cấy lúa hiện nay ở địa phương một năm 2 vụ thu được khoảng 4 tạ thóc. Với giá 5.500 đồng/kg hiện nay thì mỗi năm hộ có 2 sào ruộng cũng chỉ thu được hơn 2 triệu đồng, trừ chi phí giống, phân bón, công cày bừa, tuốt lúa… chỉ còn 1,2 triệu đồng/năm. Số tiền này chỉ bằng tiền bán 3-4 buồng chuối tiêu hồng người dân trồng trên đất bãi - ông Thắng nhẩm tính.

Nhằm bảo đảm an ninh lương thực, Chính phủ đã có quyết định về việc giữ 3,8 triệu héc ta đất lúa. Tuy nhiên, Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, sản xuất nông nghiệp hiện đang đặt ra vấn đề rất lớn là phải gắn với nguyên tắc thị trường. Sản xuất nông nghiệp của thành phố vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt là bài toán cung - cầu, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp… Hiện một số địa phương đã chuyển đổi một phần diện tích sang trồng hoa, cây cảnh hoặc rau an toàn, khi cần thiết có thể trở về đất lúa một cách dễ dàng mà lại nâng cao được giá trị sử dụng đất là một việc làm cần khuyến khích. Vấn đề là việc linh hoạt chuyển đổi này không được làm biến dạng đất lúa và phải được quản lý chặt chẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Linh hoạt trong quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.