Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện của những thầy thuốc vùng cao

Lê Hương| 26/02/2011 07:12

(HNM) - "Tao phải đi nương rẫy thôi, không đưa con đi tiêm đâu, khỏe thì lên nương, ốm thì có thầy cúng nó lo"… những câu nói như vậy không còn xa lạ với cán bộ y tế vùng cao ở huyện Mường Khương (Lào Cai). Với một huyện vùng biên, gặp nhiều khó khăn về kinh tế và còn không ít hủ tục lạc hậu, đòi hỏi những chiến sỹ áo trắng phải có nhiều quyết tâm và nghị lực mới hoàn thành nhiệm vụ.

Hai ngày mới tiêm phòng được một trẻ

Học xong Trường Trung cấp Y tỉnh Tuyên Quang, anh Lưu Đức Hòa ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai) về công tác tại quê hương. Anh đã đến nhiều thôn bản. Điểm chung của các xã miền núi là đường sá gập ghềnh, có khi phải đi bộ cả buổi mới đến được thôn, nhưng với anh Hòa trở ngại lớn không phải đường sá mà chính những quan niệm, lối sống còn lạc hậu của đồng bào. Anh Hòa tâm sự, chỉ riêng việc tiêm phòng cho trẻ trong độ tuổi, ở các trạm y tế xã của Thủ đô Hà Nội chắc chắn chưa đầy buổi sáng là xong, nhưng tại các xã miền núi của Mường Khương phải mất mấy ngày trời. Dù trước ngày tiêm phòng, cán bộ y tế đã đến từng nhà thông báo cho các bậc cha mẹ đưa trẻ đi tiêm phòng đúng ngày. Nhưng hôm sau, rất ít các bậc cha mẹ chấp hành. Cán bộ y tế phải "hành quân" đến từng nhà, có khi đến nhà, đồng bào vẫn còn trên nương rẫy, cán bộ buộc phải ngủ lại đợi đến ngày hôm sau mới tiêm phòng được cho trẻ. "Mặc dù đã cố hết sức nhưng bình quân hằng năm vẫn còn 5% số trẻ em dưới 1 tuổi chưa được tiêm chủng" - anh Hòa nói.

Thiếu tá Vũ Văn Tê, y sỹ Đồn Biên phòng Pha Long (Lào Cai) khám bệnh cho đồng bào địa phương. Ảnh: Lê Hương

Việc tiêm phòng đã vậy, công tác khám, chữa bệnh cho dân bản cũng tương tự. Chị Hoàng Thị Phúc, cán bộ y tế của huyện Mường Khương cho biết, hầu hết bà con rất chủ quan đối với sức khỏe của mình, có bệnh nhưng vẫn đi nương rẫy, đến khi bệnh nặng thay vì đến trạm lại mời thầy cúng về nhà đuổi ma. Trường hợp anh Ma Seo Th. ở xã Tả Ngài Chồ (Mường Khương) là một ví dụ. Anh bị sốt cao, cán bộ y tế đến tận nhà khám và cấp thuốc, bệnh nhân không chịu nhận. Chị Phúc phải nhờ chính quyền xã, thôn, bộ đội biên phòng cùng vận động mới động viên được bệnh nhân chữa trị. Sau lần đó, anh Ma Seo Th. đã tin tưởng cán bộ y tế, các thành viên trong gia đình lúc trái nắng trở trời anh đều đưa đến trạm khám, chữa bệnh. Niềm tin của đồng bào là động lực để anh Hòa, chị Phúc và những cán bộ y tế huyện Mường Khương khắc phục thiếu thốn về cơ sở vật chất, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Nhiều năm trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh; mạng lưới y tế thôn bản được củng cố, kiện toàn, đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Bố của hàng chục đứa trẻ

Đây là cách gọi thân thương của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pha Long dành cho Thiếu tá Vũ Văn Tê, y sỹ của đồn. Ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ biên phòng, nhiều năm nay anh tình nguyện làm việc tại Trạm Y tế Pha Long (Trạm khám khu vực của huyện Mường Khương) chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các xã: Pha Long, Tả Ngài Chồ... Trình độ dân trí của đồng bào còn thấp, đường sá xa xôi nên đa phần chị em phụ nữ chọn cách sinh con tại nhà. Cách này không bảo đảm sức khỏe cho cả mẹ và đứa trẻ, đặc biệt với những ca sinh khó, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Để thay đổi tập tục này, Thiếu tá Vũ Văn Tê phải kiên trì vận động người dân.

Anh Tê còn nhớ, vào một đêm mưa phùn rét mướt năm 2001, đang trực tại trạm xá, anh nghe tiếng kêu cứu thảng thốt của một nam thanh niên nhờ cán bộ y tế giúp, người vợ đang chuyển dạ. Vớ vội bộ dụng cụ đồ nghề, anh Tê tức tốc theo thanh niên nọ leo dốc hơn một giờ đồng hồ mới đến ngôi nhà trên lưng chừng núi. Lúc này người phụ nữ đang quằn quại, đau đớn, thai nhi khó ra. Một mình xoay sở, phải mất bốn tiếng đồng hồ anh Tê mới hoàn thành các thao tác nghiệp vụ để "mẹ tròn, con vuông". Vui mừng khôn xiết, người cha đề nghị anh Tê làm cha đỡ đầu cho đứa trẻ. Cũng từ đó, cứ sau mỗi ca đỡ đẻ, anh Tê lại có thêm một đứa con nuôi. Nhẩm tính tại các xã này, anh có tổng cộng đến 60 đứa con nuôi. Thiếu tá Vũ Văn Tê chia sẻ, đồng bào các dân tộc ở đây sống rất tình cảm, phân biệt rạch ròi trắng, đen. Nếu làm việc tốt cho dân bản, đi đâu cũng được quý trọng và ngược lại. Đáp lại tình cảm của đồng bào, thỉnh thoảng về thăm gia đình có đồ ăn ngon, quần áo đẹp, anh Tê lại mang cho lũ trẻ. Cũng vì thế mà có chuyện, vợ anh ở quê nghi ngờ anh Tê có vợ nọ, con kia, buộc anh phải đưa chị đến thăm các gia đình ở xã Pha Long tận mắt thấy, tai nghe. Biết việc làm tình nghĩa của chồng, vợ càng thêm yêu anh hơn.

Ngoài giờ làm việc ở trạm, anh Tê còn cùng đồng nghiệp xuống bản hướng dẫn đồng bào cách phòng bệnh, ăn uống hợp vệ sinh. Năm 2010, anh và cán bộ Trạm Y tế Pha Long đã khám và điều trị cho 3.642 lượt người; vận động hàng chục cặp vợ chồng áp dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Do vậy, tại khu vực các xã, tỷ lệ sinh con thứ ba ngày càng giảm, không xảy ra dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm; hầu hết phụ nữ đã đến trạm sinh con. Gắn bó với mảnh đất Mường Khương đầy gian khó, hơn ai hết Thiếu tá Vũ Văn Tê, anh Lưu Đức Hòa và chị Hoàng Thị Phúc hiểu thấu nếp sinh hoạt, ăn ở chưa khoa học của đồng bào các dân tộc thiểu số. Các anh, các chị, những cán bộ y tế vùng cao đã và đang cố hết sức mình để giúp đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây sống khỏe mạnh hơn, văn minh hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện của những thầy thuốc vùng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.