(HNM) - Chuyện cũ Hà Nội của nhà văn Tô Hoài xuất bản lần đầu tiên vào năm 1986 có 40 chuyện. Những mẩu chuyện chủ yếu tập trung vào vùng ven đô, điều này cũng dễ hiểu bởi quê nhà văn ở Nghĩa Đô nên nó gần với ông nhất và ông cũng hiểu vùng đất ấy nhất.
Sau nhiều lầntái bản, nhà văn Tô Hoài đã chỉnh lý, bổ sung dần dần và cho tới nay đã lên tới 114 truyện. Những câu chuyện trong Chuyện cũ Hà Nội của ông một phần do ông chứng kiến, phần khác ông nghe kể lại, có khi là đọc qua sách báo... song tất cả đều toát lên tính chân thực về một thời kỳ mà ông đã sống, đã chứng kiến. Song dù là chuyện gì thì đều hướng đến văn hóa, con người. Con người, dù là ông phán, ông ký hay anh xe, chị sen cũng đều toát lên lối sống và văn hóa của mảnh đất này qua những chi tiết được ông quan sát rất kỹ...
Những câu chuyện mà ông kể lại không phải giọng điệu nghiêm túccủa nhà sử học mà rất hóm hỉnh, thoải máikhông bị gò bó bởi kết cấu như truyện ngắn hay truyện vừa. Song vượt lên tất cả là ông có nhãn quan riêng về những chuyện đó nên sức sống của nó trường tồn và dù những câu chuyện đó xảy ra rất lâu nhưng người đọc cảm thấy nó hiện hữu trước mặt: Băm sáu phố phường, Phố mới, Phố Hàng Đào, Hội Tây, Bà Ba, Cây Hồ Gươm... Lối viết của Tô Hoài có vẻ không hợp khi viết về món ăn, nhưng ông cũng đã tìm ra lối kể rất riêng về Chả cá, Bánh cuốn, Phở, khiến người đọc vừa thấy thèm lại vừa thấy thương chosố phận con người trong đó.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc đã viết về Chuyện cũ Hà Nội như sau “Chuyện cũ Hà Nội có thể coi là tập điều tra xã hội hội học về Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX bằng văn chương. Bất luận bạn đọc ở giới nào cũng có thể tìm được những điều mình cần biết mà chưa biết”.
Lý Hà
(Chuyên mục giới thiệu sách do Nhà xuất bản Hà Nội và Nhà sách Hàn Thuyên (ĐT 0985963302) hỗ trợ thực hiện)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.