(HNM) - Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa thực hiện chuyến công du Israel và Palestine 3 ngày (từ 17 đến 19-11). Trong bối cảnh khu vực đang đứng trước nhiều động thái mới có khả năng tạo ra những chuyển biến bước ngoặt, sự hiện diện của ông chủ Điện Elysée tại đây không gì khác hơn nhằm
Tổng thống Israel Shimon Peres (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) đón Tổng thống Pháp F.Hollande. |
Một điểm chung dễ nhận thấy trên hồ sơ của hai điểm "nóng" trên chính là những khúc mắc liên quan tới Israel. Thứ nhất, liên quan tới tiến trình hòa bình Trung Đông, dù các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Israel và Palestine với trung gian là Mỹ đã được nối lại từ tháng 7-2013, song đến nay vẫn chưa đạt được tiến triển nào đáng kể. Mới đây, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đưa ra một loạt chính sách trong đó có kế hoạch xây dựng các khu định cư mới cho người Do Thái - yếu tố cốt lõi làm chậm các nỗ lực hòa giải tại Trung Đông. Còn với chương trình hạt nhân Iran, dù không là một bên tham gia đàm phán trong nhóm P5+1 (gồm: Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) song, Israel lại được xem là một "nhân tố phụ" có tính quyết định của tiến trình phức tạp này.
Để xoay chuyển tình hình, Tổng thống Pháp Francois Hollande phải đối mặt với không ít khó khăn. Vì, dẫu là một trong những "đầu tàu ở Châu Âu", nhưng Pháp chưa đủ lực để bảo trợ tiến trình hòa bình Trung Đông hoặc gia tăng sức ép lên Israel. Có nhà bình luận quốc tế cho rằng Pháp khó có thể chấp thuận đề xuất của Tel Aviv "công nhận Israel là nhà nước Do Thái", như quốc gia này đã từng nhiều lần yêu cầu. Bởi nếu làm thế, mục tiêu cân bằng trục quan hệ Pháp - Israel - Palestine sẽ bị đổi hướng. Bên cạnh đó, không thể không đề cập tới căng thẳng giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Israel trong thời gian gần đây, đặc biệt kể từ khi Brussels ra chỉ thị (cuối tháng 7), bắt buộc với 28 nước thành viên, cấm mọi hình thức tài trợ, hợp tác, cấp học bổng, hỗ trợ nghiên cứu khoa học hoặc cứu trợ nhân đạo cho những người sống tại các khu định cư Do Thái thuộc khu vực Bờ Tây sông Jordan và Đông Jerusalem, vốn là những vùng lãnh thổ của người Palestine bị Israel chiếm đóng. Những vướng mắc trên đã tạo ra không ít khó khăn và Tổng thống F.Hollande không có nhiều lựa chọn tại Trung Đông. Và, kết quả chuyến thăm cho thấy như vậy khi người đứng đầu nước Pháp chỉ có thể đưa ra lời kêu gọi như trong diễn văn trước Quốc hội Israel ngày 18-11: "Người Israel và Palestine cuối cùng nên xây dựng hòa bình với nhau, và Jerusalem phải là thủ phủ của cả Israel lẫn Palestine". Đây cũng là ý tưởng được nhà lãnh đạo Pháp đề cập với lãnh đạo Palestine trong chặng cuối của chuyến thăm.
Thế nhưng trước tham vọng hạt nhân Iran, Tel Aviv và Paris có quan điểm gần gũi với nhau hơn. Nhận định này không phải là vô căn cứ nếu nhìn lại vòng đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1, trước đây 10 ngày. Giữa lúc các bên sắp đạt được một thỏa thuận mà theo đó Tehran sẽ hạn chế hoạt động làm giàu uranium để đổi lấy sự nới lỏng cấm vận của phương Tây thì Pháp bất ngờ phản đối bản dự thảo vì cho rằng nó chưa đủ sức kìm chế "đường đi" hạt nhân của Iran. Cụ thể, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius muốn Iran cam kết không kích hoạt lò phản ứng Arak (dự kiến vào năm tới) bởi lo ngại trong một năm nó có thể sản xuất đủ lượng plutonium để chế tạo vài quả bom nguyên tử. Trước đó, phương Tây đã yêu cầu Tehran thôi làm giàu uranium ở cấp độ 20%; đồng thời "làm nghèo" phần lớn lượng uranium hiện ở cấp độ 20% xuống còn 5%. Chính sự phản đối của Pháp đã khiến cuộc đàm phán thất bại và phải tiếp tục nối lại vào ngày hôm nay (20-11) ở Geneva (Thụy Sĩ). Đây là lý do cả Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Shimon Peres của nước chủ nhà đã có mặt tại sân bay để chào đón Tổng thống F.Hollande. Lâu nay, Israel luôn đưa ra lập luận rằng Iran phát triển vũ khí hạt nhân sẽ châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông, đe dọa an ninh quốc gia của Israel và sự tồn vong của nhà nước Do Thái. Qua chuyến thăm của Tổng thống F. Hollande, Israel muốn Paris thể hiện lập trường cứng rắn hơn các đối tác phương Tây trong cuộc đàm phán hạt nhân với Iran. Tuy nhiên, nếu trở thành "đại sứ" của Israel trên bàn đàm phán, Pháp có thể sẽ tự tạo ra bất đồng giữa các đồng minh như Đức, Mỹ, Anh vốn không muốn bỏ lỡ cơ hội giải quyết bế tắc trong vấn đề hạt nhân Iran kéo dài suốt một thập niên vừa qua. Như vậy, chiến lược củng cố vị thế của Pháp tại Trung Đông như một sự kế thừa các chính sách tiền nhiệm mà người đứng đầu Điện Elysée đang "thừa kế" cũng sẽ bị chệch hướng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.