(HNM) - Chỉ còn ít ngày nữa, Tuần lễ văn hóa biển đảo và Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ diễn ra tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)...
Chợ tỏi Lý Sơn. Ảnh: Thuận Thi |
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ được tổ chức quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại huyện đảo Lý Sơn. Đây là lễ hội được người dân huyện đảo lập nên và được gìn giữ hàng thế kỷ nay nhằm tri ân những hùng binh tử nạn tại Hoàng Sa khi phục mệnh triều đình ra cắm mốc giới, giữ gìn biển đảo. Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết sẽ có khoảng 1.500 đến 2.000 khách tham dự hoạt động này. Có mặt tại Lý Sơn những ngày này mới thấy dường như Quảng Ngãi chưa có sự chuẩn bị kỹ, còn người dân Lý Sơn thì loay hoay chưa biết đón tiếp khách thế nào!
Với lượng khách được xem là lớn nhất từ trước tới nay đến đảo nhưng hiện cả đảo chỉ có 2 khách sạn và 5 nhà nghỉ, với tổng số 40 phòng, có sức chứa tối đa 250 người. Ông Võ Xuân Huyện, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, cho biết: "Nếu trưng dụng tất cả nhà công vụ của các cơ quan, đoàn thể trên đảo cũng chỉ thêm được 200 chỗ ở, vậy là chưa đáp ứng được 1/3 lượng khách đến đảo. Về phương tiện đi lại, cả đảo có 10 xe ô tô, cả xe công lẫn xe tư, chạy hết công suất cũng không đủ phục vụ lượng khách lớn".
Hàng trăm khách đợi tàu về đất liền. Ảnh: Thanh Nhị |
Trong khi tỉnh và huyện còn loay hoay về việc giải quyết chỗ ở thì chớp cơ hội này, Công ty Tân Kỷ Nguyên, có trụ sở tại thành phố Quảng Ngãi, đã bao thầu toàn bộ khách sạn và nhà nghỉ trên đảo. Trong vai người tìm phòng trọ cho hai ngày 27, 28-4, chúng tôi tới khách sạn Viễn Đông (thôn Đông, xã An Hải), được ông Dương Thanh, chủ khách sạn cho biết đã hết phòng. Hai tuần trước, Tân Kỷ Nguyên cho người ra ký hợp đồng thuê 8 phòng nghỉ trong 3 ngày, từ 27 đến 29-4, với giá 200.000 đồng/ngày và được bán lại cho khách giá từ 400.000 đến 600.000 đồng/ngày đêm, cao gấp nhiều lần so với giá thực. Ông Dương Thanh cho hay: "Sau khi ký hợp đồng, Tân Kỷ Nguyên còn dặn nếu có khách đặt phòng thì hãy nói họ liên hệ với chúng tôi". Còn ông chủ nhà nghỉ Bình Yên - Nguyễn Thới thì cho biết: Ngày thường cho thuê 80.000đ/phòng, nếu phải chạy máy nổ cả ngày phục vụ khách cũng chỉ thu thêm 20.000đ/ngày. Tân Kỷ Nguyên cũng đã tới làm việc và bao hết 10 phòng nghỉ ở đây với lý do đặt cho tour". Ông Thới cũng chỉ biết mức giá "trên trời" của Tân Kỷ Nguyên khi khách gọi về nhà nghỉ kêu ông sao nỡ tranh thủ "chặt chém" khách vào lúc đảo có lễ hội. Theo ông Thới, họ đã tự ý nâng giá phòng của ông lên tới 500.000 đồng/ngày cho phòng đơn và 600.000 đồng/ngày cho phòng đôi. Quá bức xúc vì vấn đề này, những chủ khách sạn, nhà nghỉ cho biết họ sẽ "đối phó" bằng cách niêm yết đúng giá tại cửa, nếu khách có thắc mắc họ sẽ giải thích. Còn với khách sạn Lý Sơn - khách sạn "sang" nhất đảo - giá được đẩy lên 600.000 đồng phòng đơn và 700.000 đồng phòng đôi.
Để thẩm định điều này, trong vai người đặt phòng, tôi và phóng viên Thanh Nhị của Báo Quảng Ngãi đã gọi cho bà Hoàng Thị Thu Vân, Giám đốc Tân Kỷ Nguyên, để đặt phòng. Bà Vân cho hay, nhân viên Huỳnh Ngọc Phước phụ trách vấn đề này. Anh Phước cho biết đã kín hết phòng, nếu cố gắng lắm cũng chỉ "chiếu cố" được một phòng cho đêm 27 với mức giá dao động từ 500.000 đến 700.000 đồng/phòng và bắt buộc phải chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản 0271... Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Quảng Ngãi.
Việc lợi dụng sự tin tưởng, chưa có kinh nghiệm làm du lịch của bà con Lý Sơn mà Tân Kỷ Nguyên ép và đẩy giá phòng lên quá cao là điều không thể chấp nhận được. Đành rằng bao sân là có lãi nhưng lãi đến 5 - 6 lần đã gây bức xúc cho người dân. Họ không muốn mang tiếng "chặt chém" và mất đi hình ảnh hiếu khách của Lý Sơn - điều mà họ đang muốn quảng bá vì xem đây là cơ hội để giới thiệu với mọi người về mảnh đất Lý Sơn trung dũng, kiên cường!
Đối với nhiều tỉnh, thành phố, lễ hội là dịp để quảng bá du lịch. Nhưng với Lý Sơn, dường như điều này chưa sẵn sàng. Lý Sơn vừa thu hoạch xong vụ tỏi, nhiều luống hành cũng đang thu hoạch dở. Nhiều nơi, người dân đã và đang thay cát vào ruộng để chuẩn bị cho vụ tỏi mới. Tất cả những điều này cũng có thể làm nên điểm tham quan cho du khách. Chẳng nói đâu xa lạ, làng rau Trà Quế của Hội An - hàng xóm của Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều tour cho khách xuống tham quan và tập làm nông dân. Đồng bào dân tộc ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như Sa Pa, Điện Biên, Hà Giang còn biết tận dụng cơ hội giúp người dân làm du lịch tại gia, đón khách vào ở trong nhà mình vừa để hiểu thêm phong tục tập quán, vừa giúp quảng bá văn hóa địa phương. Vậy Lý Sơn thì sao?
Các công ty du lịch, dịch vụ lữ hành phàn nàn sự chậm trễ ban hành chương trình của tỉnh đã khiến các đơn vị này không thể quảng bá du lịch rộng rãi trong dịp Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Tạ Quy, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, vẫn khẳng định không hề có hiện tượng ép giá vì trước đó thanh tra của sở đã đi thị sát? Không biết liệu lãnh đạo có không biết thật hay bao che, chỉ biết những bức xúc của người dân và thực tế đang diễn ra trước Lễ Khao lề thế lính sẽ khiến du khách một đi không trở lại. Còn với vấn đề khác như vận chuyển khách, dịch vụ ăn uống, ông Tạ Quy cho hay: "Đang cố gắng vận động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ đón và phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách khi đến đảo". Nhưng ông Tạ Quy dường như cũng không mấy tin tưởng và thừa nhận: "Với cơ sở hạ tầng yếu và thiếu chuyên nghiệp như hiện nay trên đảo, chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót ?!".
Theo thông tin chúng tôi được biết, giải pháp tình thế mà tỉnh đưa ra là 300 khách sang dự lễ khai mạc sẽ được đưa về đất liền trong ngày để tránh tình trạng quá tải trên hòn đảo nhỏ khi mà không chỉ phòng ở thiếu; nhà vệ sinh công cộng cũng chưa có và người dân tuy hiếu khách nhưng cũng chưa có thói quen đón khách về ở trong nhà mình?!
Quả là Quảng Ngãi đã và đang vuột mất cơ hội quảng bá du lịch cho "vương quốc tỏi" Lý Sơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.