(HNM) - Kế hoạch phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn 2011- 2020 của Tổng cục TDTT đã đưa bóng bàn vào 10 môn trọng điểm nhóm 1. Ngay sau đó, ngành thể thao Hà Nội cũng đưa ra kế hoạch phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn 2011- 2020, nhưng trong những môn đầu tư trọng điểm thuộc nhóm 1 của Hà Nội lại không có bóng bàn, một thời là niềm tự hào của Thủ đô.
Cái lý của Tổng cục TDTT
Tay vợt Trần Tuấn Quỳnh.
Chuyện bóng bàn xuất hiện trong những môn nhóm 1 không làm ai ngạc nhiên cho dù trình độ hiện tại của các tay vợt Việt Nam mới tiệm cận trình độ châu Á. Lịch sử bóng bàn Việt Nam đã có những giai đoạn đáng nể. Bóng bàn phía Bắc từng có một Mai Duy Dưỡng nhiều lần vô địch Đông Dương, Vũ Mạnh Cường, Trần Tuấn Quỳnh, Ngô Thu Thủy từng lên ngôi vô địch SEA Games. Nhưng đáng kể nhất là các tay vợt miền Nam ở thập kỷ 5 và 6 của thế kỷ trước đã vươn lên tầm châu Á và từng vô địch châu Á cũng như ASIAD. Họ đã giành chức vô địch đồng đội nam tại ASIAD 1958 ngay trên đất Nhật Bản trước các tay vợt Nhật Bản (lúc đó có cả nhà vô địch thế giới Tanaka) bằng sự xuất sắc của bộ tứ Lê Văn Tiết, Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được, Trần Văn Liễu. Đó là một trong những sự kiện đáng nhớ nhất của bóng bàn châu Á. Ngay ở kỳ ASIAD đó, bộ đôi Mai Văn Hòa (được mệnh danh là "Bức tường thép" nhờ khả năng phòng thủ siêu việt) - Trần Cảnh Được còn giành chức vô địch đôi nam. Mai Văn Hòa còn 2 lần vô địch đơn nam châu Á (năm 1953, 1954), là người Việt Nam duy nhất đến nay được hãng Butterfly , một hãng sản xuất vợt bóng bàn, đề nghị khắc tên lên cán vợt (loại French Style). Việt Nam ngày ấy còn có Lê Văn Tiết, từng vô địch cá nhân giải bóng bàn Pháp mở rộng năm 1959. Bại tướng của ông tại trận chung kết giải năm đó là tay vợt số 1 thế giới Teruo Murakami…
.
Từng ấy sự kiện xảy ra trong lịch sử bóng bàn đủ để người ta hình dung các tay vợt bóng bàn Việt Nam đã có vị thế ra sao trong làng bóng bàn thế giới. Giờ đây, hậu duệ của Lê Văn Tiết, Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được không lặp lại được thành tích của lớp trước, do nhiều nguyên nhân. Còn về tố chất thì bóng bàn rõ ràng phù hợp với thể tạng người Việt Nam. Vấn đề chỉ là tìm kiếm, đào tạo, đầu tư cho VĐV. Vì thế, việc đưa bóng bàn vào nhóm 1 cũng đồng nghĩa với sự kỳ vọng bóng bàn Việt Nam tìm lại được những tháng ngày vinh quang xưa.
Thực tế đáng buồn của Hà Nội
Lãnh đạo thể thao Hà Nội xác định VĐV bóng bàn Hà Nội khó tiếp cận trình độ ASIAD nên chỉ đưa bóng bàn vào nhóm 2. Nếu nhìn vào thực trạng hiện nay, nhận định ấy là có căn cứ. Giờ đây, đội 1 của bóng bàn nam Hà Nội, sau khi Nguyễn Nam Hải nghỉ thi đấu, Trần Tuấn Quỳnh, Phan Huy Hoàng đầu quân cho T&T Hà Nội thì không còn nhân tố nổi bật. Các tay vợt nữ, từ sau thời Nguyễn Thu Thủy cũng không có ai nổi trội.
Bóng bàn trẻ Hà Nội có quá ít sự lựa chọn về nhân sự, khâu huấn luyện từ cấp cơ sở cũng có yếu kém nhất định. Đội ngũ HLV đông nhưng không tinh, một số không chuyên tâm với nghề nên hiệu quả đào tạo thấp. Gần đây, khi đến giải bóng bàn học sinh Hà Nội để tuyển quân, một HLV đã phải lắc đầu về chất lượng VĐV, đành thất vọng ra về dù rất muốn tìm một vài VĐV trẻ trong số này để đào tạo. Với thực tế như vậy thì 5-10 năm nữa, bóng bàn Hà Nội cũng khó tìm được những nhân tài cỡ Trần Tuấn Quỳnh, Nguyễn Nam Hải, Ngô Thu Thủy.
Nhưng chẳng lẽ, chuyện đi xuống của bóng bàn Hà Nội là chuyện bình thường, trong khi đáng ra truyền thống phải được nối tiếp ?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.