(HNM) - Tường thuật các kỳ họp của Quốc hội vốn là công việc của phóng viên khối Nội chính. Nhưng, do trong mỗi kỳ họp Quốc hội bàn rất nhiều nội dung nên tháng 6-1996, tôi được Báo Hànộimới cử đi viết bài cùng các phóng viên Nội chính tại kỳ họp của Quốc hội khóa IX. Nhiệm vụ của tôi là viết về những đề tài mà bạn đọc quan tâm.
Thẻ ra vào Quốc hội hồi đó có kích thước bằng tấm chứng minh thư nhân dân, thiết kế đơn giản, trên có ghi tên phóng viên, đơn vị báo chí, kỳ họp Quốc hội khóa mấy và không phải dán ảnh. Công tác kiểm tra cũng không quá gắt gao, khi kiểm tra thẻ, nếu nghi ngờ thì bộ phận kiểm tra mới yêu cầu trình thẻ nhà báo. Cửa chính chỉ dành cho đại biểu, còn phóng viên báo chí đi qua cửa ngách trên đường Bắc Sơn. Phóng viên được phép đi lại ở hành lang, có thể ngó vào phòng họp qua các cửa sổ. Giờ giải lao có thể vào hội trường hỏi chuyện đại biểu...
Năm 1997, nghe tin Chính phủ sẽ bàn giao một phần thành Hà Nội thời Nguyễn cho Thành phố Hà Nội quản lý, tôi bèn liên hệ phỏng vấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông trả lời các câu hỏi và đến hôm nay tôi vẫn không quên câu: “Dân làm nên lịch sử, cho nên những gì của dân thì trả về cho dân”.
Năm 1998, tôi phỏng vấn Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn An về chủ trương luân chuyển cán bộ của Đảng. Khi ông đang trả lời, thư ký riêng nhắc: “Thưa anh, sắp đến giờ họp rồi ạ!”, ông gật đầu nhưng tiếp tục trả lời thêm 20 phút nữa rồi bảo tôi: “Đã trả lời phỏng vấn thì phải đầy đủ, rõ ràng để cử tri đọc báo hiểu đúng tinh thần của Trung ương”.
Ba Đình là hội trường quan trọng bậc nhất của quốc gia lúc bấy giờ nhưng sân bên trong không mấy rộng rãi. Giáp với Câu lạc bộ Ba Đình có dãy nhà một tầng, cứ đến kỳ họp Quốc hội là Công ty Ăn uống quận Ba Đình lại cử tổ bán hàng vào phục vụ cà phê, nước trái cây, bánh ngọt và cả bánh rán nhân mặn, nhân ngọt. Bên phải quầy cà phê là quầy bán bia hơi. Bên trái là quầy bán sách. Trong các kỳ họp Quốc hội khóa X, tôi thấy nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười (lúc này ông đã thôi chức Tổng Bí thư nhưng vẫn tham gia Ban cố vấn) rất hay vào quầy sách. Có hôm thấy ông mua một chồng sách rồi lấy tiền trong túi ra trả, tôi tò mò, liếc thấy sách về kinh tế, tôn giáo và cả sách triết học. Có lần thấy ông thẩn thơ trong sân, đám phóng viên quây lại hỏi han đủ chuyện, từ ăn uống, đọc sách... ông đều trả lời hết.
Một lần, nhà báo Nguyễn Triều của Hànộimới thấy nhà thơ Tố Hữu đang ngồi nghỉ trên ghế đá đã mời vào quầy bia và ông nhận lời. Vì từng là Bí thư Trung ương Đảng, từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nên ông là khách mời thường xuyên của Quốc hội. Tôi mời ông món nem chua nhưng ông lắc đầu bảo: “Bụng mình xấu lắm”. Ban đầu nói chuyện sức khỏe rồi mon men đến bài thơ “Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ và phần để em yêu...”, nhà thơ Tố Hữu cười bảo: “Nhà thơ đi làm cách mạng thì đóng góp bằng thơ thôi”. Hết chuyện thơ, mấy phóng viên kỳ cựu lại chuyển đề tài sang chuyện người viết “Cây táo ông Lành” phải vạ, ông bảo: “Trong đời một nhà thơ, có thể họ sẽ nhớ những gì liên quan đến họ, nhưng trong đời một người làm chính trị thì có thể họ sẽ không nhớ bởi có rất nhiều chuyện. Mình không biết chuyện ấy, có thể cấp dưới họ làm quá...”. Sau bữa đó, nhà báo Nguyễn Triều viết một bài về thời thơ Tố Hữu được ngâm nga trong các kỳ cuộc liên hoan văn nghệ lớn nhỏ ở miền Bắc đăng trên Hànộimới Chủ nhật. Còn nhà báo Xuân Ba có bài ghi chép “Uống bia với nhà thơ Tố Hữu” đăng trên Tiền Phong...
Tại các kỳ họp của Quốc hội khóa IX, khóa X, Phó Giáo sư Tôn Thất Bách là một trong số các đại biểu phát biểu nhiều về các vấn đề xã hội. Ông phát biểu trên hội trường, trong thảo luận ở tổ và thường xuyên trả lời phỏng vấn báo chí. Khi trả lời, ông không vòng vo mà đi thẳng vào vấn đề. Ông bảo: “Mình phản biện không phải vì mình là người ngoài Đảng, mình chỉ bày tỏ nguyện vọng của cử tri, trong đó có cử tri của Hà Nội mà thôi”. Ông nghiện thuốc lá. Cứ giờ giải lao là ông lại kéo tôi ra góc sân hút thuốc. Ông kể có lần đi Pháp công tác, trên máy bay, cơn nghiện thuốc khiến ông bức bối nhưng không dám hút trong phòng vệ sinh vì sợ chuông báo động. Cuối cùng, ông nghĩ ra trò lấy chai nước suối mang vào phòng vệ sinh, đổ bớt nước rồi ra chỗ ngồi, trùm chăn kín đầu và lấy thuốc châm hút. Hút xong thở khói vào chai nước và đậy nắp lại, vài lần rít cũng làm dịu cơn thèm. Kể xong, ông cười ha hả và bảo, chỉ có anh nghiện lên cơn mới nghĩ ra trò như vậy.
Hơn 10 năm được giao nhiệm vụ tác nghiệp tại kỳ họp Quốc hội, tôi đã viết khá nhiều bài nhưng đây là lần đầu chép lại vài chuyện bên lề. Đó cũng là kỷ niệm một thời "làm phóng viên Quốc hội".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.