(HNM) - Hơn 2 năm qua, cả nước đã huy động hàng nghìn tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia NS& VSMTNT giai đoạn 2012-2015...
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hợp tác quốc tế cũng được triển khai nhằm thu hút nguồn lực, tăng cường cho các địa phương để thực hiện. Tính đến đầu năm 2014, đã có 82,5% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (trong đó 38,75% sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế) và khoảng 60% dân số có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Trạm cấp nước sạch tập trung thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín) vừa được khôi phục sau nhiều năm "đắp chiếu". |
Những kết quả đó là rất đáng ghi nhận, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thay đổi bộ mặt nông thôn, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình còn những hạn chế như hiệu quả hoạt động của một số công trình cấp nước tập trung chưa cao, thiếu tính bền vững; công tác tuyên truyền chưa tạo sự thay đổi lớn về hành vi của người dân trong sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh; nhiều nơi còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước... Có nhiều nguyên nhân song đầu tiên là do nhiều nơi chậm cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan cho phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương. Việc thu hút các nguồn vốn xã hội hóa cho NS&VSMTNT thời gian qua chưa hấp dẫn các nhà đầu tư do đặc thù mang tính phúc lợi xã hội cao của chương trình. Bên cạnh đó, nhiều địa phương không thực hiện nghiêm việc bù giá nước theo quy định hiện hành, giá nước tiêu thụ không được tính đúng, tính đủ nên thu không đủ bù chi, dẫn đến thiếu kinh phí để phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình cấp nước và nâng cao chất lượng nước. Hiện ở nhiều nơi, vẫn còn tình trạng công nhân quản lý vận hành thiếu chuyên môn, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra tại chỗ, xử lý sự cố nghèo nàn. Có nơi, dự án trạm cấp nước tập trung chỉ thực hiện xong phần vốn ngân sách mà không huy động được vốn góp của nhân dân trong xây dựng mạng lưới ống dịch vụ, dẫn đến dự án dở dang, bị "đắp chiếu" kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Về mục tiêu vệ sinh môi trường nông thôn, dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra do thiếu kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ này.
Ở Hà Nội, thời gian qua, thành phố luôn quan tâm thực hiện Chương trình S&VSMTNT nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn thành phố có 91,56% dân số (tương đương 3.869.252 người) ở nông thôn đã được sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng 11,56% so với năm 2009, trong đó, 35,26% được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Như vậy, Hà Nội còn tới 64,74% dân số nông thôn chưa được sử dụng nước sạch. Về vệ sinh môi trường nông thôn, đến nay, 98,1% số hộ gia đình nông thôn (tương đương 1.030.250 hộ) có nhà tiêu, trong đó, 77,16% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Theo ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cũng giống như ở một số địa phương khác, mặc dù có sự quan tâm đầu tư, song kinh phí bố trí hằng năm của thành phố cho chương trình còn rất hạn chế. 5 năm qua, ngân sách thành phố mới đầu tư cho chương trình nước sạch 115,6 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vốn để thực hiện là 770 tỷ đồng. Chưa kể, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong quá trình triển khai thực hiện chương trình còn thiếu đồng bộ nên việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra còn chậm, chưa đạt được hiệu quả và các mục tiêu đã đặt ra. Việc khôi phục, hoàn thiện và đưa vào sử dụng các công trình cấp nước tập trung dở dang, không hoạt động theo ý kiến chỉ đạo của thành phố. Chưa kể, việc năm 2014, nhiều dự án nước sạch không được ghi vốn thực hiện nên càng khó để đạt được mục tiêu đến năm 2015, 100% dân số ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 60% sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Việt Nam phấn đấu đến cuối năm 2015 có 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó, 45% được sử dụng nước sạch. Đây là những thách thức rất lớn, đòi hỏi các bộ, ngành liên quan và các địa phương phải tiếp tục triển khai những giải pháp tổng thể về huy động nguồn lực cả trong nước và quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.