Cuối tuần qua, chương trình hòa nhạc đặc biệt mang tên “Đàn chim Việt” với sự tham gia của khoảng 300 nghệ sĩ trong và ngoài nước đã được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội để tưởng nhớ một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc Việt Nam: Nhạc sĩ Văn Cao. Qua gia tài âm nhạc đồ sộ của ông, kỷ niệm, dư âm của những ngày tháng Tám năm xưa lại rộn rã ùa về.
Văn Cao và mùa thu không quên
Mùa thu là một đề tài đặc biệt trong âm nhạc Văn Cao. Ông sinh vào một ngày cuối thu (ngày 15-11-1923) tại Hải Phòng. Trong cuộc đời cũng như sự nghiệp âm nhạc của ông, mùa thu không chỉ là mùa lãng mạn, xuất hiện thường xuyên trong các sáng tác, mà còn như “chỉ dấu của số phận”, một thời khắc đầy duyên nợ.
Từ ca khúc đầu tay sáng tác năm 16 tuổi "Buồn tàn thu", mùa thu đã đi vào âm nhạc của ông gắn với cảm hứng lãng mạn của những câu chuyện tình buồn.
Ông từng cảm thán: “Ta yêu thu, yêu thu, yêu mùa thu” trong bài “Thu cô liêu”, ông cảm thấu niềm cô đơn, heo hút của khung cảnh “rừng thu vắng” trong “Suối mơ”, ông thấy “lòng chiều bơ vơ lúc thu vừa sang” trong ca khúc “Trương Chi”...
Và, có một dấu ấn thu đậm nét khác, một mốc son chói lọi trong sự nghiệp của Văn Cao. Đó là việc Văn Cao sáng tác “Tiến quân ca” vào cuối thu năm 1944. Sau khi hoàn thành tác phẩm, Văn Cao đã tự tay viết bài hát lên đá in. Lần đầu tiên “Tiến quân ca” được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11 năm 1944 bằng bản in đá do chính Văn Cao viết.
Theo thông tin trên Báo Điện tử Chính phủ: Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào đã quyết định chọn bài “Tiến quân ca” làm Quốc ca.
Ngay sau đó, bài “Tiến quân ca” đã được hàng vạn quần chúng nhân dân hát vang trong những ngày Cách mạng Tháng Tám lịch sử và đặc biệt là trong Lễ chào cờ tại Lễ Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đây là thời khắc có ý nghĩa lịch sử với dân tộc, là niềm tự hào của nền âm nhạc nước nhà cũng như cá nhân nhạc sĩ.
Với gia đình nhạc sĩ Văn Cao, mùa thu gắn với những kỷ niệm riêng. Bà Nghiêm Thúy Băng, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ, ngày 19-8-1945 là ngày đặc biệt với vợ chồng bà, đó là ngày bà quen nhạc sĩ Văn Cao. Lúc đó bà đang là thành viên của Dàn đồng ca Thiếu niên Tiền phong, tập hát ở dàn nhạc của nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên để chuẩn bị cho đêm nhạc đặc biệt diễn ra tại Nhà hát Lớn vào tối hôm đó. Trong mùa thu ấy, hạnh phúc của một cá nhân hòa trong niềm vui chung của dân tộc.
Dưới bóng cây đại thụ
Những kỷ niệm, cảm xúc năm xưa lại ùa về với công chúng và gia đình nhạc sĩ Văn Cao khi chương trình “Đàn chim Việt” được tổ chức vào tối 20-8 vừa qua, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1923 - 2023).
Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đánh giá: “Đây là một chương trình hoành tráng, được dàn dựng rất công phu với sự tham gia của khoảng 300 nghệ sĩ, trong đó, riêng dàn nhạc gần 100 người.
Nhiều nhạc sĩ tên tuổi tham gia hòa âm phối khí như nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Đức Bảo, nhạc sĩ Đức Tân. Các nghệ sĩ đã tập luyện cả tháng trời, có những tiết mục được dàn dựng công phu như bài “Tiến về Hà Nội”, diễn viên, nghệ sĩ đi từ Tràng Tiền vào Nhà hát Lớn, tạo nên bầu không khí hùng tráng. Ê kíp cố gắng làm hết những gì mình có thể nghĩ ra, có thể làm được để tri ân, tôn vinh nhạc sĩ Văn Cao”.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh chia sẻ thêm: “Văn Cao là một nhà văn hóa. Ông có một gia tài âm nhạc đồ sộ, đủ thể loại, và có những tác phẩm rất vạm vỡ, đặc biệt là “Tiến quân ca”. Ông là một cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam, đã để lại cho đời những giá trị rất lớn, đặc biệt là về âm nhạc. Là thế hệ đi sau, mình chỉ mong được làm cái gì đó để tri ân cụ, để học hỏi ở cụ”.
Nhiều nghệ sĩ chia sẻ rằng họ cảm thấy vinh dự khi được biểu diễn tác phẩm của cố nhạc sĩ Văn Cao. Nhạc sĩ Đỗ Bảo cho biết: “Mỗi tác phẩm của ông đều được chúng tôi nâng niu bởi ông là nhạc sĩ tiêu biểu nhất trong nền âm nhạc Việt Nam”.
Chị Nguyễn Hương Hương, con gái nhạc sĩ Văn Cao cho biết, chị rất xúc động khi chương trình nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan, đoàn thể; khi thấy những tác phẩm của bố mình đã đi vào lịch sử, ở lại trong lòng dân. “Đã có gần 100 đêm nhạc về Văn Cao được tổ chức trước đây và đều rất thành công. Điều đó cho thấy khán giả đón nhận di sản âm nhạc của bố tôi một cách chân thành, đặc biệt là lứa tuổi đã trải qua thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và những người yêu thích âm nhạc ngày xưa”.
Âm nhạc của Văn Cao sẽ còn sống mãi trong lòng dân tộc, trong tim biết bao thế hệ yêu nhạc, đặc biệt là trong niềm tự hào của những người hoạt động âm nhạc hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.