Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chương trình hài Tết: Quen, cũ và chưa tinh

An An| 06/02/2014 06:47

(HNM) - Những năm gần đây, hài Tết là món ăn tinh thần hấp dẫn với nhiều người. Trước Tết, công chúng kỳ vọng vào loạt phim, tiểu phẩm hài bao nhiêu thì khi xem xong lại thất vọng bấy nhiêu.


Bí mật đến phút chót, lại thêm những chuyện ồn ào trước khi khởi quay, khán giả hồi hộp chờ đợi "Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2014" của Đài Truyền hình Việt Nam để xem các "Táo" tung hứng những vấn đề nổi cộm trong năm 2013 ra sao, "Ngọc Hoàng" phán quyết thế nào. Tuy thế, người xem chỉ thấy thỏa mãn phần nào với "Táo" y tế (Vân Dung) qua tiết mục chị "Táo" cởi áo vì một chiếc phong bì, rồi bị treo lên để biết thế nào là cảm giác bệnh nhân phải năn nỉ, van xin bác sĩ cứu mình; hay chi tiết tìm người vừa bị huyết áp cao, vừa bị bệnh trĩ lại có gia cảnh vô cùng khốn khó để cho vay tiền từ gói kích cầu 30 nghìn tỷ mua nhà ở xã hội của "Táo" kinh tế (Quang Thắng). Không thể phủ nhận "Táo" giao thông do nghệ sĩ Tự Long thủ vai (thay Chí Trung) có sự tươi mới nhất định, nhưng sự lạm dụng tài ca hát của danh hài này ít nhiều gây sự nhàm chán. Suốt thời gian phát sóng, khán giả chỉ thấy "Táo" văn hóa (Minh Hằng) xuất hiện thoảng qua ở phần cuối, khiến họ cảm thấy "nhớ"…



Ngoài chương trình "đinh" Táo quân, loạt phim hài, tiểu phẩm hài đến với công chúng trong dịp Tết Giáp Ngọ cũng sa vào lối mòn. Phim "Hai Lúa" (đạo diễn Lê Quang Hưng) gây sự chú ý đối với khán giả từ khi chưa ra rạp vì có sự tham gia của "thần đồng dân ca" Phương Mỹ Chi, MC dí dỏm Trấn Thành, đã bị đánh giá có cùng "gu" với "Năm sau con lại về " (đạo diễn Trần Ngọc Giàu) và "Cưới chạy" (đạo diễn Nhất Tuấn). Tiếp tục khai thác kho truyện dân gian để chọc cười, Thăng Long Audio tung bộ ba đĩa hình "Tết để yêu thương", "Cổ tích thời @" và "Chôn nhời". Ở góc độ nào đó, chất liệu dân gian trong những tiểu phẩm này, qua sự thể hiện của các danh hài đã mang lại cho công chúng nụ cười thâm thúy, sâu cay, nhưng quanh đi quẩn lại vẫn là trò say rượu, sợ vợ, trò "ăn bẩn" của lý trưởng, quan huyện… xem mãi cũng thấy nhàm. Trong tiểu phẩm "Làng ế vợ", nhà sản xuất "mua" tiếng cười khán giả bằng cách làm méo mó hình ảnh trai làng, người răng hô, người câm, người toét mắt, người quần áo xộc xệch, bẩn thỉu và có những hành động "chẳng giống ai", cốt để ngăn gái làng yêu và lấy trai phố.
Cách này cũ lắm rồi!

Xuân Hinh - cái tên quen thuộc trong làng cười, năm nay tiếp tục giả gái hát "Duyên tình" và "Nỗi niềm Thị Nở". Lối diễn xuất dí dỏm, tưng tửng của Xuân Hinh kết hợp với Hồng Vân trong "Hàm răng của ai" cũng không đủ sức làm cho tiếng cười sâu sắc hơn, vì nội dung quá nhạt. Lê thê, lan man gần một tiếng đồng hồ, tiểu phẩm xoay quanh chuyện ông chồng (Xuân Hinh) bị móm được vợ (Hồng Vân) thuyết phục đi làm răng giả. Làm răng giả xong, ông chồng xí xớn trêu đùa mấy cô gái trẻ; vợ biết chuyện, bực tức thu hàm răng giả và đề ra "quy chế" sử dụng răng để triệt máu "dê" của ông chồng già. Không những thế, xem hài Tết, công chúng còn bị bội thực quảng cáo, có những tiểu phẩm bị chen quảng cáo tới 5 lần, mỗi lần vài phút, thậm chí nhãn hiệu các mặt hàng liên tục "nhảy" vào màn hình. Những lời lẽ thô tục như "bố mày", "ông mày", "con chó", "bỏ mẹ", "thằng chó này"… chẳng những không có tác dụng gây cười mà còn tạo sự phản cảm.

Theo NSƯT Quốc Anh, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, nghệ sĩ có sức ảnh hưởng rất lớn tới định hướng thẩm mỹ của công chúng. Tác phẩm hài không sạch, không tinh đến với công chúng sẽ gây ảnh hưởng xấu tới thuần phong, mỹ tục. Để hạn chế hài nhảm, các cơ quan chức năng nên tăng cường khâu kiểm duyệt.

Dẫu biết người làm nghệ thuật như làm dâu trăm họ, mỗi người một ý, một cảm nhận, nhưng cái đích của nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là giá trị chân, thiện, mỹ. Vì thế, hài nhảm, hài thô cần phải bị loại khỏi làng cười. Trách nhiệm này thuộc về nhà sản xuất và chính khán giả.n

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình hài Tết: Quen, cũ và chưa tinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.