Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chương trình 135 nếu không được củng cố thì thực trạng "đặc biệt khó khăn” sẽ tái diễn

HONGHAI| 19/10/2005 07:01

(HNMĐT) - LTS: Tại kỳ họp QH lần này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của QH, ông Tráng A Pao có bản Thuyết trình về phát huy kết quả đạt được của Chương trình 135, tiếp tục đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, phấn đấu vươn lên hoàn thành mục tiêu xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào ở đây. Dưới đây chúng tôi xin lược trích một phần trong bản thuyết trình này.

Ông Tráng A Pao

(HNMĐT) - LTS: Tại kỳ họp QH lần này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của QH, ông Tráng A Pao có bản Thuyết trình về phát huy kết quả đạt được của Chương trình 135, tiếp tục đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, phấn đấu vươn lên hoàn thành mục tiêu xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào ở đây. Dưới đây chúng tôi xin lược trích một phần trong bản thuyết trình này.

Qua thực tế giám sát, hầu hết các cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương và đồng bào các dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa đều có nhận xét đánh giá: Kết quả đạt được của Chương trình 135 đã tạo nên sự thay đổi về vật chất, tinh thần trong đời sống xã hội từ mỗi gia đình, mỗi thôn bản và cả bộ mặt nông thôn miền núi. Kết quả rõ nét nhất là trên lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu: Điện, đường, trường, trạm. Nhiều công trình trước đây đồng bào dân tộc các xã đặc biệt khó khăn chưa bao giờ nghĩ tới thì này đã là hiện thực.

Trong tổng số 20.311 công trình đã được xây dựng, có 6658 công trình giao thông, như vậy đến nay đã có 97% số xã đặc biệt khó khăn có đường ô tô đến trung tâm, tạo nên sự giao lưu kinh tế, hàng hóa ở vùng miền núi, vùng dân tộc thuận lợi hơn. 297 công trình thuỷ lợi đã góp phần quan trọng trong việc quy hoạch và bố trí lại dân cư ở những nơi cần thiết và ở các vùng biên giới. 2574 công trình nước sinh hoạt góp phần giúp cho 70% hộ dân có nước sạch dùng trong sinh hoạt. Khai hoang gần 11.200 ha đất canh tác giúp cho nhiều vùng thiếu đất sản xuất được khắc phục, có gần 32.000 hộ dân có thêm đất sản xuất và có nơi ở mới. 5008 công trình trường học đã được đưa vào sử dụng, thu hút 90% con em đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa ở trong độ tuổi đến lớp. 261 công trình chợ trở thành trung tâm giao lưu hàng hoá nông - lâm thổ sản và là nơi giao lưu văn hoá của mỗi vùng. 1425 công trình điện đã giúp cho 64% số hộ vùng sâu vùng xa có điện sử dụng trong gia đình, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao năng suất lao động, tạo nên nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở miền núi. Có 388 công trình y tế, nhờ đó 96% số dân trong vùng được chăm sóc sức khoẻ ban đầu, đa số thôn bản có y tế cộng đồng, cơ bản trong vùng đã kiểm soát được dịch bệnh hiểm nghèo. Trạm bưu điện văn hoá xã xây dựng ở nhiều nơi giúp đồng bào giao lưu, mở rộng thông tin với cả nước.

Tỷ lệ hộ đói nghèo giảm mạnh năm 1998 số hộ đói nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn chiếm tới 60% nay không còn hộ đói kinh niên hộ nghèo còn 20% (theo tiêu chí cũ). Bình quân mỗi năm xoá được từ 4 -5% số hộ nghèo kết quả này đã được mục tiêu của Chương trình đề ra. Lương thực bình quân đầu người/năm đã nâng từ 280 kg lên 320 kg. Có xã đã đạt mức 500kg, khoảng cách đói nghèo giữa các cùng, các dân tộc đang dần dần được thu hẹp. Kết quả của Chương trình đã làm cho kinh tế có những chuyển biến rõ nét góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc, tạo điều kiện để đưa nông thôn vùng đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, hoà nhập vào sự phát triển chung của cả nước, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng. Có được những thành quả như vậy, trước hết là nhờ có chính sách đúng đăn của Đảng và sự đầu tư của Nhà nước với nguồn vốn hơn 9000 tỷ đồng, đồng thời còn có công sức đóng góp của nhân dân cả nước. Đặc biệt là sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương. Sự hỗ trợ và hướng dẫn của các Bộ - ngành Trung ương, sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế đóng trên địa bàn...Sự tin tưởng và quyết tâm thực hiện của đồng bào các dân tộc thuộc các xã đặc biệt khó khăn.

Quá trình thực hiện Chương trình 135 tuy đã có được những kết quả to lớn, nhưng thực tế các xã đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều gian lao, thử thách: Về chủ quan trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn còn quá thấp, cuộc sống vẫn bị chi phối của nền kinh tế tự cấp, tự túc, nhiều vùng đồng bào còn sản xuất theo lối quảng canh, du canh, có cả những nơi còn du cư. Cơ sở vật chất hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Chương trình 135 là chương trinh có hiệu quả nhưng thời gian thực hiện chưa dài, số vốn đầu tư còn thấp cơ cấu đầu tư chưa thật hợp lý nên kết quả còn hạn chế. Nhiều công tình được xây dựng, song vì yêu cầu trước mắt phục vụ cho xã "đặc biệt khó khăn" nên phần lớn xây dựng quy mô nhỏ, phân tán, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, thiếu đồng bộ, thiếu yếu tố đảm bảo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo, khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền, giữa các dân tộc còn lớn. Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và xã hội, theo tiêu chí mới: Vùng Tây Bắc tỷ lệ nghèo khoảng trên 60%, Tây Nguyên trên 50%. Hầu hết các xã xa trung tâm chưa thoát khỏi diện "đặc biệt khó khăn", 88 xã trong vùng vẫn chưa có đường ô tô đến trung tâm, 505 xa chưa có điện lưới quốcgia, 290 xã chưa có trạm xá, 685 xã chưa có điện thoai, đặc biệt là thiếu các công trình thuỷ lợi nhỏ, thiếu nước sạch cho dân.

Sau 7 năm thực hiện Chương trình theo tiêu chí của Uỷ ban dân tộc nêu ra, Chính phủ dự kiến có khoảng 800 xã sẽ ra khỏi diện "đặc biệt khó khăn". Nhưng qua giám sát của Hội đồng dân tộc và báo cáo của Hội đồng nhân dân các tỉnh cho thấy mới chỉ có 391 xã có thể ra khỏi diện "đặc biệt khó khăn". Về khách quan: Với điều kiện "đặc biệt khó khăn" xuất phát từ đặc điểm, điều kiện địa hình phức tạp, chia cắt, chịu sự chi phối khắc nghiệt của tự nhiên, thiên tai luôn luôn đe doạ các thành quả mà chúng ta đã làm được, đặc biệt là đe doạ các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thuỷ lợi...

Vì vậy nếu kết quả của Chương trình 135 không được củng cố, các công trình xây dựng không được duy tu, bảo dưỡng và nếu chương trình chấm dứt không có kế hoạch tiếp tục đầu tư mới thì thực trạng "đặc biệt khó khăn” sẽ tái diễn, đời sống của đồng bào các dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn lại tiếp tục khó khăn. Thực trạng ấy đang đặt ra yêu cầu phải cân nhắc khi kết thúc Chương trình 135.

Hồng Đăng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình 135 nếu không được củng cố thì thực trạng "đặc biệt khó khăn” sẽ tái diễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.