Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chương mới trong quan hệ EU - Cuba

Minh Hiếu| 03/11/2017 07:09

(HNM) - Nằm trong nỗ lực củng cố mối quan hệ ổn định và tôn trọng lẫn nhau giữa Cuba và Liên minh Châu Âu (EU), Thỏa thuận Đối thoại chính trị và Hợp tác EU - Cuba (PDCA) đã bắt đầu có hiệu lực tạm thời kể từ ngày 1-11.

Thỏa thuận Đối thoại chính trị và Hợp tác là bước tiến lớn trong mối quan hệ EU - Cuba.


Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1988, quan hệ giữa EU và Cuba trở nên căng thẳng sau khi Liên minh này áp đặt hàng loạt quy định vào năm 1996, trong đó giới hạn mối quan hệ thương mại và ngoại giao với Cuba. Đặc biệt, chính sách “Quan điểm chung” của EU về Cuba đã bị La Habana chỉ trích là đơn phương, mang tính chất can thiệp và phân biệt đối xử. Vào năm 2003, EU tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt và đình chỉ hợp tác với Cuba liên quan đến vấn đề nhân quyền và tự do ngôn luận. Các hoạt động đàm phán chỉ được nối lại vào năm 2008. Tiến trình đàm phán PDCA giữa Cuba và EU bắt đầu vào năm 2014, với 7 vòng đàm phán. Ngày 12-12-2016, thỏa thuận này đã được hai bên ký kết và được Nghị viện Châu Âu thông qua vào ngày 5-7 vừa qua. Theo đó, từ ngày 1-11, hầu hết các nội dung thỏa thuận đã có hiệu lực tạm thời, trong khi việc thực hiện đầy đủ sẽ bắt đầu sau khi tất cả các thành viên EU phê chuẩn.

Thỏa thuận PDCA gồm 3 chương chính là thúc đẩy thương mại song phương, đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế. Các lĩnh vực quan tâm chung cũng được đề cập, bao gồm nguồn năng lượng tái tạo, phát triển nông thôn, môi trường, nhân quyền, quản lý hiệu quả, an ninh và tạo việc làm.

Theo đại diện cấp cao về ngoại giao và chính sách an ninh của EU, bà Federica Mogherini, với việc thực hiện thỏa thuận, EU đã xích lại gần hơn với đất nước và người dân Cuba. Người Châu Âu gắn kết với Cuba, Mỹ Latin và Caribe bằng một quá trình lịch sử, văn hóa, các giá trị và khát vọng chung trong hiện tại và tương lai. Tất cả 28 thành viên EU đều ủng hộ việc thực hiện hoạt động trao đổi với tất cả các bên liên quan của Cuba, bao gồm khu vực công, chính quyền địa phương, xã hội dân sự, khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và các cơ quan đại diện.

Các nhà phân tích đánh giá, thỏa thuận PDCA được coi là khung pháp lý để hai bên phát triển quan hệ trong tương lai và bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương. Trước đó, Cuba là nước duy nhất tại khu vực chưa có cơ sở pháp lý thống nhất cho đối thoại và hợp tác với EU, dù quốc đảo này đã ký hiệp định song phương với 15 quốc gia thành viên của Liên minh này. Bên cạnh đó, việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với EU đem đến cho Cuba cơ hội tranh thủ sự hỗ trợ từ một đối tác lớn, giàu tiềm lực trong quá trình cải cách và thúc đẩy phát triển kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ. EU đã cam kết viện trợ phát triển cho Cuba 50 triệu euro trong giai đoạn 2014-2020. Liên minh này hiện cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và là thị trường du lịch lớn thứ ba của quốc đảo Caribe.

Trong khi lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba vẫn chưa được gỡ bỏ hoàn toàn và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có dấu hiệu đảo ngược tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương của người tiền nhiệm Barack Obama, một thỏa thuận giữa EU và Cuba sẽ được coi là cơ sở quan trọng chấm dứt sự cô lập của các nước phương Tây với quốc đảo Caribe. Thỏa thuận có hiệu lực là điều mà cả EU và Cuba đều trông đợi, là minh chứng cho thấy hai bên đã có những nỗ lực để vượt qua bất đồng, tăng cường mối quan hệ giàu tiềm năng, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chương mới trong quan hệ EU - Cuba

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.