Với nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội) đó là cuộc vượt ngục độc nhất vô nhị. Cuộc vượt ngục thành công dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng nhà tù đã đưa gần 200 chiến sĩ cách mạng, đảng viên cộng sản trở về đội ngũ, tham gia lãnh đạo quần chúng Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại các địa phương tháng 8-1945.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình ông Trương Đình Dần nhân dịp ông tròn 73 năm tuổi Đảng.
Ông Trương Đình Dần một trong những người tham gia lãnh đạo cuộc vượt ngục và là một trong số ít chiến sĩ cộng sản vượt ngục ngày ấy còn sống nay đã 98 tuổi đời, 73 tuổi Đảng. Một ngày đầu thu tháng 8, thật may mắn chúng tôi được gặp, trò chuyện cùng ông trong ngôi nhà bên đường Giải Phóng.
Ông sinh ở xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan - Ninh Bình. Ông nhớ như in đến ngày 26-6-1929, ông được kết nạp vào Đảng tại Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng quê nhà. Năm 1943, ông bị địch bắt ở Đoan Hùng. Biết ông là người đảng viên quan trọng, địch chuyển ông về Hỏa Lò cùng nhiều cán bộ quan trọng khác của Đảng. Ở Hòa Lò, ông bị liệt vào số tù chính trị cực kỳ nguy hiểm, chúng chủ trương tách số tù này, một số chuyển đi Côn Đảo, một số sẽ đi Sơn La và Hòa Bình. Nhưng khi Nhật vào,tình hình biến động nên kế hoạch của chúng phải trì hoãn.
“Cái tết 1945, chúng tôi ăn tết trong tù khá to, đánh giá tình hình, luôn hy vọng có sự biến lớn xảy ra”. Ông nhớ lại đúng như dự báo, Nhật đảo chính Pháp. Hôm đó ở trong tù, sau bữa cơm chiều, nghe tiếng biểu tình của quảng đại quần chúng ngoài phố, hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Đả đảo đế quốc Pháp”... Những chính trị phạm ở đây vô cùng hồi hộp và nóng lòng, cả đêm anh em không ngủ bàn luận xôn xao, thông báo cho nhau những thông tin bằng ký hiệu mooc-xơ.
Lúc này quân Nhật thay bọn Pháp canh giữ nhà tù. Ngay đêm cấp ủy phổ biến chủ trương nắm bắt thời cơ, tìm mọi cách vượt ngục trở về với phong trào. Ngày 10-3, lợi dụng sự sơ hở của bọn Nhật mới canh gác, một số đảng viên cốt cán của ta đã vượt ngục ra ngoài thành công bằng cách bện chăn làm thang vượt tường và rào dây thép gai. Đây là việc làm chưa bao giờ xảy ra ở nhà lao Hỏa Lò. Tuy nhiên anh em cũng thấy rằng nếu tiếp tục vượt ngục bằng phương án trên thì chỉ được một số ít người, thứ hai rất dễ bị bại lộ. Mọi người tìm phương án đào tường. Hôm đó ông Dần được phân công tìm mấy anh tù thường phạm nhờ kiếm cho một thanh sắt. Trên đường trở về, khi đi ngang qua nhà phát thuốc, bất ngờ ông Dần phát hiện một chiếc miệng cống khá lớn. Suy nghĩ lóetrong đầu ông, có nắp cống ắt có lối ra. Ông về báo cáo với anh em. Để trinh sát được đường cống này là cả một kế hoạch đầy mạo hiểm và mưu trí, khiến mọi người phải suy nghĩ rất lung. Cuối cùng một diệu kế được áp dụng: Hôm đó cùng với việc kéo đến xin thuốc, anh em ta mang chăn trải lên nắp cống giả vờ bắt rận. Trong khi đó, có hai người lực lưỡng nhất chui vào trong đi thám thính. Mỗi người khi đi xuống có một bao diêm và một mẩu nến mang theo. (Một trong hai đồng chí này sau là Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang). Hơn một giờ sau họ lên và thông báo đã tìm được cửa cống phía ngoài nhà Lao.
Lúc đó chính trị phạm ở Hỏa Lò khá đông nhưng với phương án thoát bằng đường cống, tổ chức Đảng trong tù chủ trương để những đồng chí có sức khỏe và có mức án từ 5 năm trở lên thoát ra trước, có lợi hơn cho phong trào. Mỗi đồng chí chuẩn bị vượt ngục được phát 2 đồng tiền Đông Dương, từ nguồn quỹ của tổ chức, làm lộ phí (đây là số tiền khá lớn, lúc đó mỗi đồng Đông Dương đong được 10 thùng thóc).
Ngay tối ngày hôm sau, khoảng 19 giờ, rất may là toàn nhà lao mất điện anh em thực hiện phương án, bật cửa tiến về đường cống. Ông Trần Tử Bình và ông Lê Tất Đắc - sau này là Thứ trưởng Bộ Nội vụ - được phân công đi trước bật mở cửa cống. Ông Trương Đình Dần và Phan Lang đi sau cùng, đóng lại nắp cống. Chỉ sau khoảng một giờ, gần hai trăm tù nhân đã chui xuống cửa cống thoát ra phía ngoài là vườn hoa nhỏ nơi phố Bà Triệu và đầu Hàng Bông. Lên khỏi miệng cống anh em ta thay quần áo và biến vào dòng người, về nơi thân thuộc hoặc cơ sở ở các địa phương. Sau này các tài liệu cách mạng, lịch sử đảng bộ nhiều địa phương ghi cho thấy số cán bộ, đảng viên này khi trở về đã nhanh chóng tham gia lãnh đạo phong trào, kịp thời chớp thời cơ phát động quần chúng tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở các địa phương.
Ông Trương Đình Dần cùng ông Phan Lang được Xứ ủy cử gấp lên Hòa Bình. Hai ông cùng 3 đảng viên khác thành lập Ban Cán sự Đảng đầu tiên của tỉnh. 5 người trong Ban Cán sự Đảng đầu tiên đó đã lãnh đạo phong trào, lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền thắng lợi ở Hòa Bình. Sau này ông trở thành ủy viên Thường vụ, phụ trách chính quyền của tỉnh.
Hiện nay ở tuổi 98, ông Dần sum vầy cùng con cháu dưới một mái nhà có 7 đảng viên. Người đảng viên 73 tuổi Đảng này còn rất khỏe và minh mẫn. Cả 4 tỉnh nơi ông từng hoạt động như Ninh Bình, Hưng Yên, Hòa Bình, Tuyên Quang vẫn gửi báo biếu và đều đặn xin ý kiến đóng góp của ông cho những chủ trương của tỉnh. Mới đây khi cùng đứa cháu đích tôn Trương Quốc Huy đến thăm ông Nguyễn Tuân (nguyên Bộ trưởng), người bạn tù năm xưa, hai ông dự định cùng viết chung một cuốn sách về sự kiện những ngày ấy trong nhà tù Hỏa Lò.
Trần Anh Chi(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.