Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chúng tôi đã có “nền móng” để phát triển

Bình Yên - Trường Giang| 21/07/2013 05:55

(HNM) - Trong 5 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội (khóa XII) về điều chỉnh địa giới hành chính, một nguồn lực lớn đã được đầu tư vào huyện Thạch Thất.



Chỉ riêng tại 3 xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân trước đây thuộc tỉnh Hòa Bình, sau khi sáp nhập vào huyện Thạch Thất, số kinh phí đầu tư trong 5 năm qua được người dân nhẩm tính bằng tổng số kinh phí đầu tư của 30 năm trước đó. Với cơ sở hạ tầng đồng bộ cùng sự năng động của người dân, Thạch Thất đang nỗ lực phấn đấu vươn lên trở thành huyện công nghiệp - dịch vụ - đô thị của Thủ đô vào năm 2020. Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên đã có cuộc trao đổi với Báo Hànộimới về chặng đường đã qua cùng những đề xuất, kiến nghị để địa phương có thể đạt mục tiêu nêu trên sớm hơn thời gian dự kiến.

Sâu sát cơ sở để có những chính sách phù hợp

- Ông cảm nhận như thế nào về sự đổi thay của địa phương hôm nay?

- Sau khi hợp nhất về Thủ đô, Thạch Thất được thành phố tập trung đầu tư, bảo đảm tính đồng bộ, một mặt cải thiện điều kiện sống của người dân, bên cạnh đó tạo tiền đề để huyện phát huy những tiềm năng sẵn có. Tôi lấy ví dụ, vào thời điểm ngày 1-8-2008, 3 xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân của tỉnh Hòa Bình khi mới sáp nhập về huyện điều kiện cơ sở vật chất rất thiếu thốn, đường sá đi lại khó khăn, các công trình phúc lợi vừa thiếu vừa yếu. 5 năm qua, dồn sức ưu tiên cho vùng mới sáp nhập, vùng khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, hơn 424,8 tỷ đồng được thành phố “rót” về để xây dựng cơ sở hạ tầng. Giờ tại 3 xã, đường nhựa, đường bê tông về tới tận thôn; trạm y tế được xây dựng đạt chuẩn; hệ thống trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được đầu tư khang trang, hiện đại…

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên. Ảnh: Thu Vân


- Điều đó cho thấy thành phố đặc biệt quan tâm việc hỗ trợ hộ nghèo, chăm lo gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số…

- Những ngày đầu sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND và các ngành của thành phố đã trực tiếp về Thạch Thất để khảo sát tình hình. Khi biết hơn 100 hộ dân ở xã Yên Trung chưa có điện, thành phố đã chỉ đạo Điện lực Hà Nội khẩn trương kéo điện cho bà con. Đúng 2 tháng sau, công việc đã hoàn thành. Niềm vui lại nhân đôi khi nguồn điện vốn bất ổn và quá yếu do ở cuối mạng lưới điện của tỉnh Hòa Bình đã được đấu nối với lưới điện của Thủ đô giúp bà con ổn định sinh hoạt, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Tiếp đến, hệ thống đài truyền thanh phủ sóng khắp các thôn, cung cấp cho người dân những thông tin cần thiết. Trong nhà thì có điện thắp sáng, ra ngoài đường sá rộng rãi dễ đi, con em có trường lớp vừa gần, vừa tươm tất, được các thầy, cô giáo nhiệt tình giảng dạy… nhiều người dân đến giờ vẫn cảm thấy như trong mơ.

- Thưa ông, chính sách đầu tư không chỉ đơn thuần là “rót” kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng mà quan trọng là giúp những người dân được thụ hưởng chính sách có thêm động lực để xây dựng cuộc sống tốt hơn, làng xóm đẹp và văn minh hơn.

- Mỗi người dân chúng tôi đều ý thức sâu sắc vinh dự đi liền với trách nhiệm khi trở thành công dân của Thủ đô. Riêng ở 3 xã nêu trên, chính quyền và bà con đã nỗ lực vươn lên bắt nhịp với đời sống chung của toàn huyện. Điều đó thể hiện qua việc người dân ở đây đã biết cách đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất, chăn nuôi để làm giàu chính đáng. Những mô hình chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng khoa học tiến bộ đầy triển vọng tại xã Yên Trung cho thấy tư duy và cách làm của bà con đã thay đổi rất nhiều so với trước, người dân năng động hơn nên tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn dưới 5%.

- Đó là với 3 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, còn trên bình diện chung của toàn huyện, theo ông đâu là những cái “được”?

- Mức đầu tư của thành phố cho huyện trên mọi lĩnh vực đều tăng. Đặc biệt, định mức chi thường xuyên cũng như chế độ đãi ngộ dành cho cán bộ cơ sở được cải thiện rất nhiều, giúp cho họ có thể yên tâm công tác. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của huyện từng bước được hoàn thiện thông qua nguồn vốn đầu tư từ nhiều kênh, nhiều chương trình của thành phố và Trung ương. Rõ nét nhất là lĩnh vực giáo dục đào tạo, sau 5 năm huyện đã có thêm 10 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn lên 33%. Đặc biệt, với một huyện tập trung phần lớn các làng nghề như Thạch Thất, bài toán hóc búa nhiều năm chưa có lời giải là bảo đảm nguồn điện phục vụ sản xuất thì nay đã được giải quyết thỏa đáng. Người dân có thể mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 11%/năm; số hộ nghèo chỉ còn 4,8% (năm 2007 tỷ lệ này là 10,9%).

Đẩy mạnh phân cấp, tăng tính chủ động cho địa phương

- Về với Thủ đô, tiếp cận với cơ chế quản lý, điều hành mới, ông có nhận thấy sự khác biệt so với trước đây?

- Trải qua những bỡ ngỡ ban đầu, Thạch Thất và các huyện mới hợp nhất về Hà Nội đã theo kịp guồng máy của Thủ đô để vận hành trơn tru. Qua triển khai công việc, tôi cảm nhận phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố là rất bài bản. Triển khai những việc cụ thể ở từng lĩnh vực luôn đi đôi với kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ các sở, ngành có chức năng tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo thành phố phần nhiều đều có trình độ năng lực, chuyên môn tốt, sẵn sàng hỗ trợ cho cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

- Trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhiều địa phương đánh giá cao chủ trương của thành phố là đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở trên các lĩnh vực như quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, quản lý tổ chức cán bộ, công chức, điều hành ngân sách, quản lý tài sản nhà nước, xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế... Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi cho rằng, việc phân cấp quản lý nhà nước đã tăng tính chủ động, hiệu quả cho cấp dưới trong giải quyết công việc, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp. Ví dụ như lĩnh vực đầu tư, trước đây thẩm quyền của huyện chỉ phê duyệt dự án dưới 5 tỷ đồng thì nay tối đa là dưới 50 tỷ đồng, gấp 10 lần. Điều đáng nói là thành phố phân cấp quản lý chứ không phân quyền. Về mặt nguyên tắc, huyện phải thực hiện đầy đủ các quy định theo Luật Ngân sách và Luật Đầu tư nhưng rõ ràng cơ chế này đã tạo điều kiện cho cơ sở rút ngắn được quá trình chuẩn bị đầu tư, giảm chồng chéo trong công tác quản lý, có tác dụng tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Với việc tăng cường phân cấp của thành phố, huyện đã đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản, hoàn thành hàng loạt các công trình xây dựng, nâng cấp trường học, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học; tiếp đến là hệ thống đường giao thông liên xã cơ bản được xây dựng và hoàn thiện. Ngoài ra, việc phân cấp trong công tác tuyển dụng cán bộ cũng giúp địa phương tuyển chọn đúng người, đúng vị trí. Việc phân cấp nguồn thu, chi cũng rõ hơn, giúp cho công tác thu gắn với chi...

- Tuy nhiên, theo đánh giá của thành phố, chủ trương đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở cũng bộc lộ những hạn chế, chưa bảo đảm tương xứng giữa yêu cầu, nhiệm vụ, chưa tạo điều kiện cho địa phương chủ động cân đối các nguồn lực với nhu cầu cụ thể của mình. Cá biệt, có lĩnh vực do cơ sở không đủ khả năng thực hiện nên đã “trả lại” thành phố, không nhận phân cấp. Điều này có xảy ra ở Thạch Thất không và theo ông nguyên nhân do đâu?

- Khi thành phố đẩy mạnh việc phân cấp, yếu tố cần thiết là các địa phương phải có đội ngũ cán bộ chuyên môn đủ trình độ, năng lực để làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện. Cũng có nơi chưa thực hiện tốt công tác phân cấp quản lý, nguyên nhân là do các phòng, ban không có cán bộ chuyên môn tốt. Còn ở Thạch Thất đội ngũ cán bộ tương đối chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ nên đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt việc phân cấp quản lý. Tựu chung lại trong thực hiện công tác phân cấp quản lý, trình độ và năng lực thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ đóng vai trò quyết định.

Cần có cơ chế đặc thù cho làng nghề

- Thạch Thất được ví là đất trăm nghề. Đề nghị ông cho biết, 5 năm về với Hà Nội, những giá trị vốn là tinh hoa do cha ông để lại có được phát huy để người dân có thể làm giàu bằng nghề truyền thống trên chính mảnh đất quê hương?

- Thạch Thất có 9 làng được công nhận là làng nghề truyền thống đã được quy hoạch và thực hiện 9 cụm, điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên diện tích 264ha, tạo điều kiện về mặt bằng cho 1.080 doanh nghiệp, hộ ra sản xuất tập trung. Đây chính là thế mạnh bởi các làng nghề chiếm gần 67% tỷ trọng kinh tế của địa phương. Từ khi về với Hà Nội, cùng với việc hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn, các làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã được cung ứng đủ sản lượng điện phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, hộ sản xuất cũng được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn. Vì vậy, làng nghề cơ kim khí vốn được coi là ngành chủ lực của huyện vẫn tăng trưởng trên 16,7%/năm, đạt giá trị hơn 630 tỷ đồng năm 2012, tiếp đến là nghề mộc đạt trên 582 tỷ đồng. Những làng nghề hàng trăm năm tuổi vẫn giữ nhịp phát triển, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế tác động đến toàn cầu trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay vẫn là thiếu mặt bằng sản xuất bởi địa phương có tới trên 10 nghìn hộ làng nghề, phần lớn là quy mô sản xuất nhỏ.

- Đây không phải là vấn đề của riêng Thạch Thất, hầu như các khu vực làng nghề hiện nay đều thiếu mặt bằng sản xuất.

- Đúng vậy, đây là tình trạng chung của nhiều huyện trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên với Thạch Thất, mức độ của sự bất cập có lẽ lớn hơn. Trước hết, diện tích đất tự nhiên ít, trong khi các nghề truyền thống ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Không có đất sản xuất, lòng lề đường trở thành công trường, nhà xưởng kèm theo đó là ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường trầm trọng.

- Với Thạch Thất, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

- Trước đây, tỉnh Hà Tây cũ có chủ trương phát triển các điểm công nghiệp làng nghề. Khái niệm “điểm công nghiệp” có lẽ không có trong từ điển, song lại phù hợp với địa phương có nhiều làng nghề như Thạch Thất. Khi di dời các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư, vừa để giảm ô nhiễm môi trường nhưng đồng thời họ có mặt bằng sản xuất rộng hơn, thuận tiện cho việc đổi mới công nghệ, nâng quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên chủ trương của Hà Nội hiện nay là phát triển các khu công nghiệp, trong khi đó các hộ sản xuất làng nghề năng lực tài chính còn yếu, quy mô sản xuất còn nhỏ hẹp khó phát triển thành doanh nghiệp lớn, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn được “gia nhập” ngôi nhà chung của khu công nghiệp. Như vậy các làng nghề của Thạch Thất đang bị vướng về cơ chế; bài toán giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, mặt bằng sản xuất... chưa tìm được lời giải.

- Theo ông, cần phải giải quyết vấn đề này như thế nào bởi những vướng mắc nêu trên không được tháo gỡ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến định hướng chiến lược phát triển và mục tiêu phấn đấu trở thành huyện công nghiệp - đô thị - dịch vụ của Thạch Thất vào năm 2020?

- Đúng vậy, bởi thế mạnh của Thạch Thất chính là công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Vừa qua, HĐND huyện đã thông qua đề án Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020. Trên cơ sở đánh giá lại thế mạnh, những hạn chế, tồn tại, vướng mắc, huyện đã xác định trong giai đoạn tới sẽ phát triển sản xuất công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó ưu tiên tập trung vào một số ngành có lợi thế như cơ kim khí, đồ mộc, sản xuất linh kiện điện tử. Ngoài ra, những lợi thế của huyện khi đã được Chính phủ quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội... sẽ được tận dụng để nâng cao hiệu quả sản xuất. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2015 giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt gần 3.200 tỷ đồng, chiếm 70,4% tỷ trọng kinh tế và đạt gần 5.500 tỷ đồng vào năm 2020.

Để đạt mục tiêu trên, cần phải có cơ chế đặc thù cho làng nghề trong việc bố trí mặt bằng sản xuất. Huyện cũng đã có ý kiến đề xuất thành phố có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào các cụm công nghiệp, sớm phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, cho phép mở rộng 2 cụm công nghiệp và đầu tư xây mới 4 cụm công nghiệp để tạo mặt bằng cho sản xuất phát triển. Những gì mà thành phố đầu tư trong 5 năm qua đã đặt “nền móng” quan trọng để Thạch Thất phấn đấu trở thành huyện công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Điều chúng tôi mong muốn là thành phố sớm xem xét giải quyết những kiến nghị, đề xuất để tháo gỡ vướng mắc, giúp địa phương rút ngắn khoảng cách về đích.

- Cảm ơn ông về những vấn đề trao đổi!

(HNM) - Ngày 20-7, huyện Thạch Thất tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Trong 5 năm, tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn huyện là hơn 2.729 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 29.597 lao động, tăng 6.350 lao động so với giai đoạn 2003-2008. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Tổ chức bộ máy cán bộ được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Bình Yên
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chúng tôi đã có “nền móng” để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.