Đây là thông điệp các đại biểu tham dự Hội thảo “An ninh môi trường và hàng hải vì một Biển Đông xanh” muốn chuyển tới các nhà hoạch định chính sách.
Ngày 11/10, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng phối hợp với Hội Thiên nhiên và Môi trường biển thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về “An ninh môi trường và hàng hải vì một Biển Đông xanh”.
Quang cảnh phiên khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về “An ninh môi trường và hàng hải vì một Biển Đông xanh”. |
Tham dự hội thảo có khoảng 150 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế liên quan, bao gồm các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý quốc tế và trong nước thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường biển, về an toàn hàng hải và hàng không, về luật biển quốc tế và đã có những quan tâm, nghiên cứu tình hình Biển Đông.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng nhấn mạnh: “Biển Đông không chỉ là không gian sinh tồn của 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực mà còn có vị trí địa chính trị, địa kinh tế và địa văn hóa quan trọng đối với Đông Á và toàn cầu.
Đây cũng là vùng biển đa dạng về các loại tài nguyên sinh vật và phi sinh vật như du lịch, dầu khí, sa khoáng… Đặc biệt, Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, nối Bắc Mỹ, Đông Á với Nam Á, châu Âu, châu Phi và Trung Cận Đông nên được ví như "ngã ba" của thế giới.
Tuy nhiên, Biển Đông đang phải đối mặt với các thách thức ngày càng gia tăng đối với an ninh môi trường biển; an toàn, an ninh và tự do hàng hải, hàng không. Các vi phạm đã được Tòa trọng tài Quốc tế ra phán quyết vào ngày 12/7/2016, trong đó nhấn mạnh đến các hoạt động hủy hoại môi trường và nguồn lợi đa dạng sinh học biển, xâm phạm quyền tự do hàng hải”.
Tiến sĩ Hoàng Văn Kể cho rằng, vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển, bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển sẽ góp phần tạo dựng một “Biển Đông xanh” – một vùng biển lành mạnh, thịnh vượng và hòa bình. Đó là một nhu cầu thực sự cấp thiết và mang tầm chiến lược.
Trong hai ngày diễn ra Hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận 3 chủ đề chính: An ninh môi trường Biển Đông theo phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế; an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông theo phán quyết của Tòa Trọng tài; các sáng kiến và giải pháp vì một Biển Đông xanh.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý quốc tế và Việt Nam trao đổi, chia sẻ các khó khăn, thách thức, các bài học kinh nghiệm thực tiễn, các sáng kiến và giải pháp để bảo đảm an ninh môi trường, hàng hải và hàng không trên Biển Đông trong bối cảnh hậu phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, hướng tới một “Biển Đông xanh”.
Hội thảo cũng là cơ hội để tăng cường và mở rộng mạng lưới nghiên cứu khoa học về Biển Đông giữa các nhà khoa học Việt Nam với cộng đồng các nhà khoa học quốc tế.
Đặc biệt, thông qua hội thảo quốc tế lần này, các nhà khoa học và quản lý tham dự muốn chuyển đi một thông điệp: “Hãy chung tay xây dựng một Biển Đông xanh – một vùng biển lành mạnh, thịnh vượng và hòa bình”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.