(HNM) - Những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp để bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ trẻ em, góp phần hạn chế những nguy cơ thiếu an toàn đối với trẻ. Để đạt hiệu quả cao hơn, việc bảo đảm an toàn cho trẻ em luôn cần sự chung tay hành động của nhiều phía.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Thực tế cho thấy, nguy cơ dễ xảy ra và có nhiều trẻ em bị nạn nhất là tai nạn thương tích. Trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 370.000 trẻ em gặp nạn, trong đó Hà Nội có khoảng 90.000 trường hợp. Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, Chuyên khoa Chỉnh hình nhi (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, tai nạn thương tích đối với trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu và nguyên nhân phần lớn là do sự chủ quan, bất cẩn của người lớn. Mới đây, Bệnh viện Nhi trung ương đã cấp cứu cho một cháu gái 11 tuổi, đến từ huyện Thạch Thất bị thương tích, mất nhiều máu do bệnh nhân tì tay vào bồn rửa mặt đã rạn nứt, dẫn đến rơi vỡ.
Nguy cơ hiện hữu khác là trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Hiện mỗi năm nước ta phát hiện, xử lý khoảng hơn 2.000 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em có tính chất nghiêm trọng. Điều đáng nói, số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em có xu hướng tăng và đối tượng xâm hại trẻ là người thân thích, quen biết với trẻ chiếm tới gần 90%. Trong đó, vụ bé gái 3 tuổi, nghi bị mẹ đẻ và bố dượng ở phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) bạo hành dã man, khiến cháu tử vong vào cuối tháng 3 vừa qua là dẫn chứng điển hình.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do một bộ phận người lớn, kể cả những người có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ còn thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng ứng xử, chăm sóc trẻ. Công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em từ mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng còn hạn chế…
Ngoài ra, trẻ em còn có nguy cơ bị các thiết bị điện tử, mạng xã hội chi phối, tác động hoặc bị lừa, đe dọa, xâm hại, làm lộ bí mật đời sống riêng tư. “Đặc biệt là vào mùa hè, trẻ em thường sử dụng internet, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao, bơi lội… nhiều hơn. Do đó, nguy cơ thiếu an toàn đối với trẻ em sẽ tăng lên”, chị Nguyễn Tường Anh, phụ huynh cháu Đào Diệu Anh, lớp 6S, Trường THCS-THPT Ban Mai (quận Hà Đông) bày tỏ.
Xây dựng môi trường an toàn
Thực tế cho thấy, để chăm sóc, bảo vệ trẻ em tốt hơn, các cấp, ngành chức năng cần chung tay và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ngày 7-5-2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND, triển khai thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em”.
Trên cơ sở đó, thành phố sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thường xuyên rà soát, quản lý trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng để có giải pháp ngăn ngừa, trợ giúp kịp thời. Cùng với đó tập trung giải quyết, can thiệp, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả trẻ em bị bạo lực, xâm hại, vi phạm quyền trẻ em trên địa bàn...
Ông Dương Trung Liên, Chủ tịch UBND xã Ba Vì (huyện Ba Vì) cho rằng, mỗi gia đình, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương để giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em. Còn bà Nguyễn Thị Thanh Tám, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mê Linh mong muốn, các cơ quan chức năng tiếp tục phổ biến rộng rãi chính sách, pháp luật về trẻ em để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân; thúc đẩy trẻ em bày tỏ ý kiến, qua đó kịp thời nắm bắt những vấn đề trẻ đang gặp phải từ môi trường xung quanh, để có phương án giải quyết phù hợp.
Dưới góc độ quản lý, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội kiến nghị các cơ quan hữu quan bổ sung những giải pháp chính sách, làm căn cứ cho chính quyền cấp cơ sở có thể huy động thêm nguồn lực xây dựng mô hình “Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”, mở rộng Câu lạc bộ “Quyền tham gia của trẻ em”, góp phần tạo ra môi trường an toàn cho trẻ em phát triển từ gia đình, cộng đồng dân cư. Mặt khác, các cơ quan có thẩm quyền nên có công cụ quản lý, hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ đang nghiên cứu xây dựng dự thảo Chỉ thị về tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Chỉ thị này sẽ quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành và người đứng đầu các cơ quan, địa phương, của mỗi cá nhân trong gia đình, cộng đồng liên quan đến vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Trước mắt, Bộ đề nghị các địa phương triển khai tốt "Tháng hành động vì trẻ em" (từ ngày 1 đến 30-6) và tổ chức các diễn đàn vì trẻ em năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.